Cụm tin quốc tế 18/9: Nga tăng cường các cuộc tấn công ở Ukraine

Hàn Quốc hủy kế hoạch xây nhà khách, Nhật Bản đối phó với siêu bão, Trung Quốc kiểm duyệt thông tin về Covid-19, Nhà máy Zaporizhzhia kết nối lại với lưới điện Ukraine, Nga tăng cường các cuộc tấn công ở Ukraine,... Là những tin quốc tế nổi bật có trong cụm tin quốc tế ngày 18/9.

HÀN QUỐC HỦY KẾ HOẠCH XÂY NHÀ KHÁCH

Tờ Korea Herald đưa tin, Tổng thống Hàn Quốc Yun Sấc Yơng đã yêu cầu chính phủ hủy bỏ kế hoạch gây tranh cãi xây dựng nhà khách tại dinh tổng thống mới. Quyết định được đưa ra để tránh những xung đột chính trị trong nước.

Đảng đối lập đã chỉ trích chính quyền vì yêu cầu một khoản ngân sách lớn cho dự án xây dựng nhà khách, gọi đây là "sự phung phí tiền của người nộp thuế", sau khi di dời văn phòng Tổng thống. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống khẳng định, việc xây dựng này là “không thể tránh khỏi” xét đến lợi ích quốc gia và nhu cầu có không gian thích hợp để tiếp các quan chức nước ngoài và địa phương. Dù vậy để tránh những tranh cãi không đáng có và xoa dịu người dân, ông Yun Sấc Yơng cuối cùng đã quyết định hủy bỏ kế hoạch này.

NHẬT BẢN ĐỐI PHÓ VỚI SIÊU BÃO

Tại Nhật Bản, gần 3 triệu người dân đã được thông báo tìm nơi trú ẩn trước khi cơn bão Nanmadol (Nan-ma-đôn) đổ bộ. Chính quyền Nhật Bản đánh giá đây là cơn bão rất nguy hiểm.

Bangkok Post đưa tin, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã ban hành “cảnh báo đặc biệt” đối với khu vực Kagoshima ở phía nam tỉnh Kyushu nơi cơn bão đổ bộ - cảnh báo vốn chỉ được đưa ra khi dự báo có một hiện tượng tự nhiên đặc biệt xảy ra một lần trong nhiều thập kỷ, cho thấy mức độ nguy hiểm của cơn bão này. Dự báo sẽ có lượng mưa lớn kỷ lục, sóng cao, triều cường, gây ra lũ lụt và lở đất, vì vậy Cơ quan Khí tượng Nhật Bản yêu cầu người dân “cẩn trọng tối đa”, mau chóng tìm nơi trú ẩn.

TRUNG QUỐC KIỂM DUYỆT THÔNG TIN VỀ COVID-19

Trang Bloomberg đăng tin cho hay, Trung Quốc dường như đang tăng cường kiểm duyệt những thông tin liên quan đến dịch Covid-19.

Tổng giám đốc WHO mới đây nhận định thế giới đang tiến tới kết thúc đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số bài đăng nhận xét nói trên ở mạng xã hội Weibo đã không được hiển thị hoặc bị tắt chức năng bình luận. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng sự lạc quan của Tổng giám đốc WHO không đúng với Trung Quốc khi nước này vẫn duy trì chính sách zero COVID. Theo các chuyên gia, với tình hình hiện tại, nước này có thể sẽ vẫn áp dụng chính sách zero COVID trong một vài năm nữa.

NHÀ MÁY ZAPORIZHZHIA KẾT NỐI LẠI VỚI LƯỚI ĐIỆN UKRAINE

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm nay cho biết, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine đã được kết nối lại với lưới điện quốc gia, sau khi các kỹ sư sửa chữa được một trong bốn đường dây điện chính bên ngoài bị hỏng.

Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đã ngừng cung cấp điện kể từ ngày 5/9 vừa qua. Trang Politico dẫn lời ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc IAEA cho biết: hiện tình trạng hoạt động của nhà máy điện hạt nhân đã được cải thiện trong tuần qua, nhưng tình hình chung tại nhà máy vẫn còn bấp bênh. Mặc dù không có vụ pháo kích nào gần đây tại nhà máy, nhưng nó vẫn tiếp tục xảy ra ở khu vực bên ngoài. IAEA đang đề xuất một kế hoạch an ninh đảm bảo an toàn cho nhà máy này.

NGA TĂNG CƯỜNG CÁC CUỘC TẤN CÔNG Ở UKRAINE

Cuộc xung đột ở Ukraine đang có diễn biến mới khi Nga buộc phải rút lực lượng khỏi những vùng rộng lớn ở đông bắc Ukraine sau cuộc phản công nhanh chóng của quân đội Ukraine. Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định không thay đổi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, và sẽ tăng cường các cuộc tấn công. Báo chí thế giới đã có một số bài viết đánh giá về động thái sắp tới của Nga.

Trang CNBC dẫn bình luận đầu tiên của tổng thống Nga về các cuộc phản công Ukraine. Theo đó, ông Putin đã bình tĩnh nói rằng: “Hãy xem các cuộc phản công phát triển như thế nào và kết thúc ra sao”. Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, phía Ukraine đã cố gắng tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự ở Nga và “Nga cho đến nay đã phản ứng với sự kiềm chế. Nếu tình hình phát triển theo hướng này, phản ứng của Nga sẽ nghiêm trọng hơn”.

Báo chí phương Tây ngay lập tức đưa ra các phỏng đoán về phản ứng nghiêm trọng hơn của Nga sẽ là gì. Trong một bình luận, cây bút Simon Tisdall của tờ Guardian đã đặt ra khả năng Moscow sử dụng tới vũ khí hạt nhân. Điều này là không phải không có cơ sở. Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng xác nhận khả năng này vào tuần trước khi cảnh báo, bất kỳ việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nào của ông Putin ở Ukraine - chẳng hạn bằng cách phát nổ đầu đạn hạt nhân - sẽ khiến cục diện chiến sự thay đổi.

Tuy nhiên theo bài phân tích của tác giả, những phản ứng hiện nay của Mỹ và phương Tây phản ánh “cái bẫy” mà Nga đã đặt ra. Bằng cách đặt lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động cao từ khi bắt đầu cuộc chiến, Nga ngay từ đầu đã khiến phương Tây e ngại. Và điều này vẫn có tác dụng cho đến nay, khi Mỹ và NATO dù cung cấp cho Ukraine số lượng vũ khí ngày càng tăng, thì lại hạn chế chất lượng của những loại vũ khí đó, để đảm bảo vị thế của Tổng thống Putin không bị suy yếu đến mức phải sử dụng các biện pháp cực đoan này. Dù vậy, The Guardian kết luận, nếu Tổng thống Nga thật sự đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, Mỹ và phương Tây cần phải nhanh chóng đưa ra phản ứng cứng rắn và rõ ràng.

Thực hiện : Hồng Nhung Anh Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cum-tin-quoc-te-189-nga-tang-cuong-cac-cuoc-tan-cong-o-ukraine