Cụ thể hóa các điều kiện bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân

Chiều nay, 30.5, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đa số ĐBQH tán thành với việc TP. Hồ Chí Minh được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Tuy nhiên, cần quy định các điều kiện bảo đảm tính chất của dự án BOT, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Đánh giá sâu sắc hơn tác động của cơ chế với đời sống nhân dân

Đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết, bởi tại Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP. Hồ Chí Minh”. Đồng thời, Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội quy định: “Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất”.

Thảo luận tại Tổ 9 (Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Phú Yên, Bến Tre). Ảnh: Lâm Hiển

Thảo luận tại Tổ 9 (Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Phú Yên, Bến Tre). Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, một số ý kiến chỉ rõ, từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 54/2014/QH14 cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá cho TP. Hồ Chí Minh. Do đó, việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đất nước.

Nhiều ý kiến thống nhất cao việc xây dựng dự thảo Nghị quyết dựa trên 4 nhóm cơ chế, chính sách. Đố là, các cơ chế, chính sách kế thừa từ Nghị quyết 54/2014/QH14 (gồm 7 cơ chế, chính sách); các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác (gồm 4 cơ chế, chính sách); các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến (gồm 66 cơ chế, chính sách) và các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa (gồm 27 cơ chế, chính sách).

Theo ĐBQH Hà Thị Nga (Đồng Tháp), với phạm vi cơ chế, chính sách đề xuất khá rộng, nhiều lĩnh vực, trong đó có một số cơ chế chính sách mới ảnh hưởng nhiều đến đời sống, xã hội, để có thêm căn cứ vững chắc trong việc triển khai Nghị quyết, cần tiếp tục đánh giá bổ sung sâu sắc hơn tác động của các cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội đối với đời sống nhân dân, nhất là các cơ chế, chính sách kế thừa Nghị quyết 54/2014/QH14 phải chỉ rõ được khó khăn, hạn chế… trong quá trình triển khai thực hiện vừa qua.

Bảo đảm đúng tính chất của dự án BOT với các đường đô thị

Nhiều ĐBQH quan tâm đến quy định tại Điểm c, Khoản 5, Điều 4 dự thảo Nghị quyết, cho phép TP. Hồ Chí Minh được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao. Các dự án đầu tư theo hình thức này phải bảo đảm quyền lợi của người dân. Trình tự, thủ tục thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư....

Thảo luận tại Tổ 5 (Vĩnh Phúc, Lào Cai, Gia Lai, Vĩnh Long). Ảnh: Lâm Hiển

Thảo luận tại Tổ 5 (Vĩnh Phúc, Lào Cai, Gia Lai, Vĩnh Long). Ảnh: Lâm Hiển

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc nâng cấp, mở rộng đường đối với TP. Hồ Chí Minh là cần thiết để giảm ách tắc giao thông cũng nhu áp lực lên ngân sách, nhất là khâu giải tỏa, đền bù.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, song ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị, phải quy định chặt chẽ vấn đề này ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, cần quy định các điều kiện bảo đảm tính chất của dự án BOT đối với các đường đô thị (nội đô), tức là không phải xây mới mà phải nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa, tránh trường hợp "các công trình đường bộ hiện hữu có sẵn sau đó đầu tư một chút và thu phí". Thứ hai, dự thảo Nghị quyết có quy định việc bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng quy định còn rất chung. Do đó, cần cụ thể hóa các tiêu chí nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/cu-the-hoa-cac-dieu-kien-bao-dam-quyen-loi-ich-chinh-dang-cua-nguoi-dan-i330815/