Cử tạ Việt Nam hướng đến những mục tiêu lớn

Nhìn về lịch sử, cử tạ chính là môn thể thao duy nhất của Việt Nam giành huy chương tại 2 kỳ Olympic khác nhau. Đó là lý do bên cạnh mục tiêu đảm bảo thứ hạng ở SEA Games 32, cử tạ Việt Nam đã nhìn đến những đích ngắm rất xa như ASIAD và Olympic Paris.

Trịnh Văn Vinh lỡ hẹn SEA Games

Tết Nguyên đán 2023 là thời điểm Trịnh Văn Vinh vui hơn mọi năm. Đó cũng là lúc đô cử 28 tuổi chính thức mãn hạn cấm thi đấu vì sử dụng doping, qua đó trở lại cuộc đua giành danh hiệu các giải thành tích cao. Cá nhân Trịnh Văn Vinh đã chuẩn bị rất lâu cho ngày này, khi anh không ngừng tập luyện, thi đấu theo diện kiểm tra thành tích suốt 2 năm qua.

Trịnh Văn Vinh phải bỏ qua SEA Games vì mục tiêu lớn.

"Quãng thời gian không thể thi đấu giúp tôi nhìn nhận ra nhiều điều. Tôi duy trì lịch sinh hoạt điều độ hơn trước, sử dụng chế độ ăn uống cũng chỉn chu hơn", Trịnh Văn Vinh chia sẻ. Một lần nữa, đô cử sinh năm 1995 trở thành niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam. Anh có thể đường đường chính chính bước lên sân thi đấu, thay vì nhìn các đồng đội từ xa.

Ban đầu, kế hoạch đội tuyển Cử tạ Việt Nam đặt ra cho Trịnh Văn Vinh là anh sẽ thi đấu ở SEA Games 32 và ASIAD trước khi hướng đến Olympic Paris. Nhưng kế hoạch đó đã thay đổi, khi một giải đấu cấp độ châu lục khác được thêm vào ngay trong thời điểm SEA Games 32 diễn ra. Đó là giải vô địch cử tạ châu Á 2023, diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 3-13/5.

Khác với SEA Games 32, giải vô địch cử tạ châu Á 2023 được tính là vòng loại Olympic Paris. Kết quả của các đô cử tại giải đấu này sẽ là cơ sở lấy vé đến kỳ Thế vận hội diễn ra năm tới. Nếu có thành tích tốt, Trịnh Văn Vinh và một số võ sĩ khác hoàn toàn có khả năng sớm hoàn thành mục tiêu có suất đến Paris năm sau.

Trên thực tế, chiến thuật bỏ qua SEA Games để hướng đến Olympic cũng được nhiều đô cử trong khu vực Đông Nam Á thực hiện. Một trong số đó là Hidilyn Diaz, đô cử Philippines từng vô địch Olympic Tokyo. Đứng giữa 2 lựa chọn là SEA Games và vòng loại Olympic, cô gái từng thuộc biên chế quân đội Philippines đã quyết định "thả con săn sắt, bắt con cá rô".

Câu chuyện của Hidilyn Diaz được những người làm thể thao Philippines công bố khá sớm. Mọi người đều thông cảm cho nữ đô cử này, bởi một chiếc HCV SEA Games dĩ nhiên không thể sánh bằng tấm huy chương Olympic. Đó cũng là điều Trịnh Văn Vinh cần đánh đổi để hướng đến những mục tiêu lớn hơn cùng thể thao Việt Nam.

Cơ hội cho những tài năng trẻ

Việc Trịnh Văn Vinh và một số đô cử khác tham dự giải vô địch cử tạ châu Á 2023 sẽ giúp các VĐV trẻ có cơ hội trải nghiệm giải đấu cấp độ khu vực. Khác với ASIAD, nơi mỗi quốc gia có thể cử đến 2 đại diện thi đấu ở mỗi hạng cân, cử tạ SEA Games chỉ giới hạn 1 VĐV cho mỗi nội dung thi đấu. Điều đó khiến nhiều đô cử trẻ phải nhường chỗ cho các đàn anh, đàn chị vốn giàu kinh nghiệm hơn.

Xét về chiều sâu lực lượng, cử tạ Việt Nam có vẻ luôn sở hữu lớp VĐV kế cận, đặc biệt ở những nội dung có khả năng tranh chấp huy chương Olympic. Sau tấm HCB Thế vận hội Bắc Kinh của Hoàng Anh Tuấn, cử tạ Việt Nam lập tức có Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn tiếp bước; sau đó là Trịnh Văn Vinh, Lại Gia Thành.

Câu chuyện cũng đúng với hạng mục cử tạ nữ, nơi Hoàng Thị Duyên tỏ ra không hề thua kém người đàn chị Nguyễn Thị Thiết, Vương Thị Huyền trên đấu trường quốc tế. Trong bối cảnh đô cử 27 tuổi không thể thi đấu tốt như trước vì gặp chấn thương, Hoàng Thị Duyên cần có những người đàn em bên cạnh gánh vác như Phạm Thị Hồng Thanh, Khổng Mỹ Phượng.

Một trong những nguyên nhân khách quan giúp cử tạ Việt Nam có nhiều VĐV giỏi, đủ tầm tranh huy chương Olympic là cơ địa. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra vóc người nhỏ, chân ngắn, lưng ngắn đặc trưng của người Á Đông giúp nhiều VĐV cử tạ đẳng cấp thế giới đến từ khu vực này. Bên cạnh đó, ý chí tập luyện hơn người cũng giúp cử tạ Việt Nam tiến xa.

Không giống nhiều môn thể thao khác, cử tạ cần có sự khổ luyện trong thời gian dài, cùng điều kiện tập luyện nguy hiểm. Chấn thương, bị tạ đè là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những đô cử. Quy định kiểm tra doping đột xuất, ngay cả trong thời gian không thi đấu cũng khiến cử tạ giờ đây trở thành môn thể thao vất vả với nhiều VĐV.

"Môi trường khổ luyện, thay vì để VĐV tập theo ý thích là nguyên nhân khiến châu Âu, Bắc Mỹ không có nhiều đô cử đẳng cấp thế giới. Những nhà vô địch thường xuất thân từ nước đang phát triển, nơi cử tạ có thể là lựa chọn duy nhất giúp một người nuôi sống gia đình", một chuyên gia có nhiều năm làm việc với môn thể thao này chia sẻ.

Gương mặt tiêu biểu nhất cho câu chuyện VĐV cử tạ vượt khó chính là Thạch Kim Tuấn. Vốn sinh ra trong một gia đình đông con, mẹ mất sớm, Thạch Kim Tuấn từng chấp nhận bỏ học khi còn nhỏ để sống với nghiệp cử tạ. Môn thể thao vất vả này chính là nguồn thu nhập giúp anh, cũng như các anh chị em trong gia đình có cuộc sống tốt hơn.

"VĐV Việt Nam còn gặp nhiều vất vả. Nếu có điều kiện tập luyện tốt hơn, rất nhiều đô cử Việt Nam đủ khả năng vươn tầm thế giới. Bởi, nếu chỉ xét thành tích dựa trên tiêu chí cường độ tập luyện, VĐV Việt Nam đã đứng nhất thế giới rồi", Thạch Kim Tuấn tâm sự.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/cu-ta-viet-nam-huong-den-nhung-muc-tieu-lon--i689486/