'Cú sút' ở sân Mỹ Đình

Báo chí phản ảnh nhiều về sự nhếch nhác của khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình, trong đó có sân bóng đá, đến mức Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hai cú sút thành bàn của Tiến Linh và Phạm Tuấn Hải giúp tuyển Việt Nam thắng CLB Borussia Dortmund 2-1 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình tối 30/11 có thể làm hài lòng người hâm mộ trong một trận cầu nặng tính giao hữu.

Thế nhưng, có một “cú sút” khác, cũng từ sân Mỹ Đình khiến niềm vui chiến thắng kia được thay thế bằng sự phiền lòng, nếu không muốn nói là rất đáng xấu hổ.

Vào phút 86 của trận đấu, trong lúc tuyển Việt Nam chuẩn bị thực hiện quả phạt 11m thì xà ngang khung thành bên phía CLB Borussia Dortmund nhô hẳn lên. Hình ảnh khá hài hước là thủ môn đội bạn đã cố gắng “bật nhảy” nhiều lần để đưa xà ngang vào đúng vị trí nhưng bất thành.

Loay hoay một hồi, một chiếc thang được đưa đến để khắc phục sự cố trên sau 5 phút trận đấu bị gián đoạn. Ống kính truyền hình đã “đặc tả” nhiều khuôn mặt khán giả tỏ ra ngao ngán trước sự cố này.

Nếu chỉ có từng ấy trục trặc thì người hâm mộ sẵn sàng thể tất, nhưng hình ảnh bổ nhào của khu kỹ thuật trước trận mưa khiến ban tổ chức phải điều nhân viên mặc áo mưa ra để dựng lại và giữ chặt cho khỏi đổ lần nữa thì không một lời thanh minh nào có thể xoa dịu được sự bực tức của người hâm mộ.

Chưa hết, ống kính truyền hình đã nhiều lần “soi rọi” mặt sân cỏ Mỹ Đình, xấu đến mức chẳng khác gì sân bóng cấp… huyện, vì không một sân vận động của câu lạc bộ nào ở giải V-League mà tệ như thế cả. Nên nhớ rằng, sân Mỹ Đình là sân vận động quốc gia, nơi diễn ra các sự kiện thể thao lớn của đất nước chứ không phải một sân bóng đá “phủi” mà xấu hay tốt thế nào cũng được.

Lâu nay báo chí đã phản ảnh khá nhiều về sự nhếch nhác của khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình, trong đó có sân bóng đá, đến mức Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và chỉ ra những sai phạm với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng từ sự lỏng lẻo của những người quản lý ở đây.

Tuy nhiên, việc khắc phục những tồn tại không những không được thực hiện rốt ráo, mà ngày càng nhếch nhác thêm. Những gì diễn ra qua trận cầu giữa tuyển Việt Nam với CLB Borussia Dortmund đã cho thấy điều đó.

Tính chất của một trận bóng đá giao hữu, dĩ nhiên không quá quyết liệt như khi tranh giải. Cái chính vẫn là học hỏi kinh nghiệm từ một đội bóng mạnh như Borussia Dortmund. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với sự hời hợt trong khâu tổ chức.

Cuối tháng này sẽ diễn ra giải VFF Cup. Sân vận động Mỹ Đình một lần nữa sẽ đón đội tuyển quốc gia Việt Nam tranh tài với các đội bóng trong khu vực. Nếu những người có trách nhiệm ở sân Mỹ Đình vẫn cứ tiếp tục phơi bày sự luộm thuộm như ở trận cầu tối 30/11 thì họ sẽ ăn nói thế nào trước hàng chục ngàn khán giả trên sân và hàng triệu người Việt Nam xem qua tivi đây?

Hàng triệu người Việt, trong đó có Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn luôn nuôi một khát vọng là đến ngày nào đó đội tuyển bóng đá nước nhà sẽ có mặt ở một sân chơi lớn như World Cup. Thế nhưng trước khi nghĩ đến điều to tát ấy, hãy bắt đầu chu đáo từ những điều nhỏ nhất, như việc đừng để khung cầu môn bị tuột ra như trận cầu giao hữu vừa qua chẳng hạn.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cu-sut-o-san-my-dinh-post617389.html