Cù Mai Công: 'Sài Gòn không phải của riêng ai'

Là tác giả của nhiều cuốn sách về Sài Gòn, tác giả Cù Mai Công cho biết ông cố gắng chia sẻ hồi ức từ góc nhìn của mình để độc giả có thể hiểu và yêu mảnh đất này hơn.

Sau Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương tập 1 được phát hành vào năm 2022, tác giả Cù Mai Công mới đây tiếp tục cho ra mắt tập 2 của bộ sách. Vẫn như một thước phim để "tìm lại thời thanh xuân tươi đẹp của mình giữa một Sài Gòn rực rỡ”, “cùng tìm về một Gia Định trầm mặc, hoang sơ của những ngày đầu”, song Cù Mai Công quyết định chọn một góc nhìn khác để viết về vùng đất nơi mình lớn lên.

 Tác giả Cù Mai Công trong buổi ra mắt sách ngày 7/1 tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Đông Miên.

Tác giả Cù Mai Công trong buổi ra mắt sách ngày 7/1 tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Đông Miên.

Trong buổi giao lưu - giới thiệu sách vào sáng 7/1 tại Đường sách TP.HCM, Cù Mai Công cho biết dù mon men lên Sài Gòn từ năm 7, 8 tuổi, ông chưa bao giờ hết ngạc nhiên về mảnh đất này. “Khi yêu ai, yêu cái gì, ta sẽ tìm hiểu về nó. Từ cái lạ lùng đến yêu thương. Sự ngạc nhiên của tôi về Sài Gòn cho đến bây giờ vẫn còn, và khá chắc rằng nhiều người ở đây vẫn chưa hiểu hết về Sài Gòn”, ông chia sẻ.

Sài Gòn không phải của riêng ai

Theo Cù Mai Công, vùng đất Sài Gòn - Gia Định quá rộng lớn và thay đổi quá nhanh, với những nề nếp văn hóa, lối sống đa dạng và phong phú nên không ai dám tự nhận là mình hiểu hết về vùng đất này. Có lẽ vì vậy mà dù đã ra đến cuốn sách thứ tư về Sài Gòn và đang chuẩn bị cho cuốn sách thứ năm, Cù Mai Công vẫn không dám nhận mình là nhà nghiên cứu. Với ông, càng viết, càng tìm hiểu về vùng đất này, ông càng thấy kiến thức mình nhỏ bé.

“Tôi cảm thấy run sợ khi viết về Sài Gòn. Tôi hoàn toàn không khiêm tốn. Không phải riêng tôi mà rất nhiều người ở Sài Gòn khác cũng vậy, không một ai dám xưng mình là nhà Sài Gòn học vì nó quá rộng lớn”, ông nói.

 Cuốn sách Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương tập 2. Ảnh: H.Q.

Cuốn sách Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương tập 2. Ảnh: H.Q.

Theo tác giả, Sài Gòn qua góc nhìn của mỗi người có thể rất khác nhau. Đó là Sài Gòn của người dân miền Nam, Sài Gòn của những người miền Bắc nhập cư vào những năm 1954, 1975 hay Sài Gòn của những người từ miền Trung đến. Nhưng với ông, “tất cả đều là Sài Gòn, chính sự đa dạng đó đã tạo nên Sài Gòn”.

“Sài Gòn không phải của riêng ai. Khi chúng ta yêu ai, chúng ta thuộc về người đó. Vì chúng ta yêu Sài Gòn nên chúng ta cũng thuộc về Sài Gòn, cũng là người Sài Gòn rồi”, ông nói.

Đây cũng là lý do ông viết tiếp tập 2 của Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương, bởi “đã yêu thì ai lại không tìm hiểu. Nhưng tìm hiểu không chỉ để tìm hiểu, để nhìn lại quá khứ mà để yêu hơn, tin hơn một Sài Gòn - TP.HCM luôn tươi mới, hiện đại và nghĩa tình với nếp nhà Gia Định xưa: luôn trọng lễ nghĩa, tìm tòi cái mới và đặc biệt là yêu thương, chia sẻ”,

Một thành phố phát triển không ngừng

Với độ dày chỉ hơn 500 trang, hai tập Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương là kết quả của hàng nghìn tư liệu, hình ảnh được Cù Mai Công gom góp chuẩn bị suốt nhiều năm. Mặc dù không tự nhận là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, Cù Mai Công vẫn cho thấy ông luôn có sự hiểu biết sâu rộng về Sài Gòn cũng khả năng phát hiện những điều mới mẻ ở vùng đất này.

 Xe đò trước chợ Bến Thành thập niên 1920. Ảnh: FB Cù Mai Công.

Xe đò trước chợ Bến Thành thập niên 1920. Ảnh: FB Cù Mai Công.

Trong tập 2, bên cạnh những góc xưa cũ của Sài Gòn, Cù Mai Công đặc biệt dành một lượng lớn không gian để chia sẻ về kiến trúc hiện đại miền Nam. Theo tác giả, trung tâm của cụm Sài Gòn không phải là những kiến trúc quen thuộc thời Pháp thuộc, cũng không phải là những công thự vốn được nhiều người biết đến ngày nay, mà là hàng triệu ngôi nhà, công trình kiến trúc hiện đại ở Sài Gòn trước năm 1975.

Đây là một sự sáng tạo mang dấu ấn riêng của người Việt vốn được các kiến trúc sư thế giới khen ngợi nhưng ngày nay đã bị lãng quên. Để đưa vào tác phẩm những công trình kiến trúc tiêu biểu, tác giả đã cất công đi từng ngôi nhà, từng căn biệt thự và tìm hiểu cặn kẽ về kiến trúc thời xưa. Mỗi khi nhắc đến một công trình tiêu biểu, ông thậm chí có thể nêu rõ cả tên đường, số nhà cụ thể.

“Sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của Sài Gòn - TP.HCM những năm qua, như bao nhiêu năm trước vẫn luôn là một thực tế... Nhưng hẳn khó ai có thể phủ nhận người Sài Gòn tới giờ vẫn còn đó nếp sống xưa: phóng khoáng, chan hòa, rộng mở và sẻ chia. Và phải chăng đó là những hình ảnh bản chất, hồn cốt xưa cho sự phát triển mới của một đô thị lớn nhất đất nước”, ông viết trong phần kết của cuốn sách.

Đông Miên

Nguồn Znews: https://znews.vn/cu-mai-cong-toi-cam-thay-run-so-khi-viet-ve-sai-gon-post1453438.html