Cư Jút nỗ lực thực hiện chương trình MTQG

Tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình 1719), Cư Jút đã có sự thay đổi rõ rệt về đời sống, kinh tế, hạ tầng giao thông nông thôn.

Triển khai thực hiện chặt chẽ, hiệu quả

Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Cư Jút xác định nhiệm vụ hỗ trợ người dân phát triển ổn định, nhất là đồng bào DTTS làm nhiệm vụ chính trị quan trọng nên đã chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG để nâng cao đời sống đồng bào DTTS.

Hiện nay, Cư Jút đang nỗ lực thực hiện cùng lúc 3 chương trình MTQG. Trong đó, để thực hiện hiệu quả Chương trình 1719, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện phân công nhiệm vụ cho thành viên và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Đồng thời, huyện thành lập các Văn phòng điều phối của từng chương trình để tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo. UBND các xã, thị trấn cũng kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình cấp xã để tổ chức triển khai các chương trình, dự án.

Đến tháng 4/2024, Cư Jút đã hỗ trợ nước sinh hoạt cho 70 hộ (6 hộ được lắp đặt hệ thống nước sạch, 64 hộ được hỗ trợ bồn chứa nước

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, ban, ngành huyện và các xã, thị trấn đã có sự phối hợp, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách.

Trên cơ sở các quyết định, nghị định, quy định, hướng dẫn và chỉ đạo của Trung ương và tỉnh trong triển khai thực hiện Chương trình 1719, địa phương đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn huyện.

Công tác truyền thông, thông tin về Chương trình 1719 được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đồng bào DTTS; nhất là đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ cộng đồng, người có uy tín để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chương trình.

Việc kiểm tra và giám sát, đánh giá cũng được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ từ huyện đến cơ sở, theo sự phân cấp quản lý dự án, chính sách của chương trình. Vì vậy, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 ở huyện Cư Jút đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong 2 năm 2022 và 2023, thực hiện Dự án 1, Cư Jút đã hỗ trợ nhà ở cho 79 hộ (44 triệu đồng/hộ); nước sinh hoạt 70 hộ (6 hộ được lắp đặt hệ thống nước sạch, 64 hộ được hỗ trợ bồn chứa nước); đất sản xuất cho 3 hộ (22,5 triệu đồng/hộ). Huyện chuyển đổi nghề nghiệp cho 127 hộ (10 triệu đồng/hộ).

Đồng bào dân tộc Thái, xã Ea Pô được hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Dự án 6 chương trình MTQG

Về chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, huyện đã giải ngân được 1.768 triệu đồng để thực hiện mua sắm thiết bị, tổ chức tập huấn, luyện tập các chương trình văn hóa -văn nghệ; thành lập đội văn nghệ tại xã Ea Pô và xã Tâm Thắng...

Từ nguồn vốn chương trình, toàn huyện đã trao cho 39 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã Đắk Wil, Ea Pô và Đắk D'Rông bò cái sinh sản với tổng kinh phí hơn 976 triệu đồng. Tất cả bò giống đều được tiêm phòng đầy đủ và bảo đảm sinh trưởng tốt. Địa phương tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về xây dựng chuồng trại, chăn nuôi, chăm sóc, chế biến thức ăn, phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại…

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tính đến tháng 4/2024, tổng nguồn vốn đầu tư 3 chương MTQG trên địa bàn Cư Jút hơn 174 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã phân bổ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hơn 32 tỷ đồng; giảm nghèo bền vững hơn 26 tỷ đồng và xây dựng nông thôn mới hơn 115tỷ đồng; đạt 57% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, nhìn chung, hiện việc triển khai một số số dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719 trên địa bàn Cư Jút vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi bật là một số vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách, quy định của các chương trình.

Điển hình như Dự án 1, qua rà soát về đất ở, đất sản xuất có đối tượng thụ hưởng nhưng không bảo đảm về điều kiện để được hỗ trợ đất. Nguyên nhân là do các hộ được hỗ trợ đang sinh sống trên đất rừng, đất nông nghiệp chưa được quy hoạch khu dân cư nên đã gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

Tiểu dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng khó triển khai. Nguyên nhân do người lao động là đồng bào DTTS không muốn đi làm việc xa gia đình; khả năng về tài chính, tài sản thế chấp vay vốn không đủ điều kiện. Do vậy, việc tuyển dụng lao động là người DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện đi làm việc ở nước ngoài khó khả thi.

Còn tại tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9, đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện vì tạm thời đang dừng triển khai nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn đối với hộ đồng bào DTTS thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi...

Tính đến tháng 4/2024, tổng nguồn vốn đầu tư 3 chương MTQG trên địa bàn Cư Jút hơn 174 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã phân bổ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hơn 32 tỷ đồng; giảm nghèo bền vững hơn 26 tỷ đồng và xây dựng nông thôn mới hơn 115tỷ đồng; đạt 57% kế hoạch giai đoạn 2021-2025

Hiện nay, để đẩy nhanh việc triển khai các dự án của Chương trình 1719, hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND huyện Cư Jút chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác phối hợp, kịp thời rà soát những khó khăn, vướng mắc để tham mưu, đề xuất tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao.

Tiếp đó, huyện ưu tiên nguồn lực cũng như triển khai lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhằm giúp các xã này đạt được mục tiêu theo kế hoạch.

Hạ tầng giao thông nông thôn xã Cư K'nia được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân

Theo Phòng Dân tộc huyện Cư Jút, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện chương trình. Trong đó, người đứng đầu các ban, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các chương trình với tinh thần khẩn trương và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao.

Bên cạnh đó, huyện tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện và kịp thời, giao mục tiêu tiêu nhiệm vụ Chương trình 1719 cho các cơ quan, đơn vị phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Chủ động bố trí ngân sách địa phương đối ứng thực hiện chương trình theo quy định của Trung ương và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh. Công tác phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở được đẩy mạnh nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của xã, thị trấn trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình.

Giai đoạn 2021-2025, Cư Jút phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm là 1,5-2% trở lên; 100% hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giảm nghèo. Huyện phấn đấu có 2 thôn, bon thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Y Krak

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/cu-jut-no-luc-thuc-hien-chuong-trinh-mtqg-210139.html