COVID-19 tại ASEAN hết 6/2: Campuchia có 111 ca mắc Omicron; Indonesia hạn chế người cao tuổi ra khỏi nhà

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 6/2, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 89.663 ca mắc COVID-19 và 475 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 17.072.406 ca, trong đó 315.583 người tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 4/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 6/2, Indonesia có số ca mắc mới cao nhất ASEAN với 36.075 ca. Tổng số ca mắc ở Indonesia từ đầu đại dịch COVID-19 là 4.516.480.

Việt Nam có số ca mắc mới cao thứ hai trong ngày 6/2 với 14.112 ca. Thái Lan đứng thứ ba ASEAN với 10.879 ca mắc mới. Tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 2.497.001 ca mắc.

Singapore có 10.390 ca mắc mới trong ngày 6/2. Tới nay, Singapore đã ghi nhận tổng cộng 390.071 ca mắc COVID-19.

Malaysia có 9.117 ca mắc mới trong ngày 6/2. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.904.131 ca mắc COVID-19.

Tiếp đó là Philippines (8.361 ca); Myanmar (346 ca); Lào (290 ca) và Campuchia (111 ca).

Về số ca tử vong, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (312 ca), Việt Nam (63 ca), Indonesia (57 ca), Thái Lan (20 ca), Malaysia (17 ca), Lào (4 ca) và Singapore (2 ca).

Campuchia có số ca mắc Omircon tăng ở mức 3 con số ngày thứ hai liên tiếp

Một điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 14/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 6/2, Campuchia ghi nhận 111 ca nhiễm mới biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm biến thể này tăng ở mức 3 con số.

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Campuchia cho biết trong số ca nhiễm mới có 16 ca nhập cảnh và 95 ca lây nhiễm trong nước. Tuyên bố nêu rõ nước này không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 trong 33 ngày qua.

Campuchia phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 14/12/2021. Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.332 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 544 ca nhập cảnh và 788 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, Campchia đã ghi nhận tổng cộng 121.773 ca mắc COVID-19 và 3.015 ca tử vong. 118.122 bệnh nhân đã phục hồi.

Cho đến nay, 14,36 triệu người Campuchia, hay 89,7% dân số nước này, đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19. Trong số này, 13,77 triệu người (86%) đã được tiêm đủ các liều vaccine cơ bản.

Malaysia đạt mục tiêu tiêm chủng của WHO

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Sungai Buloh, Malaysia, ngày 28/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia đã đạt được mục tiêu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra là 70% dân số hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022.

Số liệu thống kê của trang “Our World in Data” (OWID) cho thấy Malaysia đã tiêm chủng cho hơn 70% dân số.

Theo OWID, Malaysia là một trong 20 quốc gia hàng đầu có tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm chủng cao nhất.

Tính đến ngày 4/2 vừa qua, 78,8% dân số Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng, theo đó 25,7 triệu liều vaccine đã được tiêm. Song song với đó, 517.107 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 đã đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer, qua đó hơn 80% dân số nước này sẽ được tiêm chủng đầy đủ.

Đăng tải trên website, WHO cho rằng sự xuất hiện nhanh chóng của biến thể Omicron là lời cảnh báo rõ ràng về mối đe dọa dịch bệnh và cho thấy tầm quan trọng của mức độ bao phủ tiêm chủng ở tất cả các quốc gia.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin ngày 6/2 cho biết nước này đang ở giữa làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron và số ca mắc mới COVID-19 sẽ sớm tăng lên tới 15.000 ca/ngày.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang Twitter cá nhân, ông Khairy viết: “Số ca mắc mới mỗi ngày tại Malaysia sẽ sớm tăng lên 15.000 ca khi biến thể Omicron chiếm ưu thế. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 1 triệu người cao tuổi chưa tiêm liều vaccine tăng cường".

Trước đó, đăng tải trên trang Twitter cùng ngày, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah dự báo số ca mắc mới hằng ngày ở nước này sẽ quay trở lại thời kỳ cao điểm khoảng 22.000 ca vào cuối tháng 3 tới nếu mức độ lây nhiễm (R0) vẫn ở mức 1,2. Tuy nhiên, do mức độ bao phủ vaccine của Malaysia đang rất tốt nên sẽ hạn chế được những ca bệnh có biểu hiện nghiêm trọng. Ông cũng khuyến cáo người dân nên tiêm liều vaccine tăng cường cũng như tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn (giãn cách xã hội) để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Indonesia hạn chế người cao tuổi ra khỏi nhà

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia ngày 4/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Điều phối Vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan đã yêu cầu người dân từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh nền và chưa được tiêm vaccine COVID-19 không được ra khỏi nhà trong tháng tới.

Bộ trưởng Luhut cho biết, số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gia tăng khá nhanh chóng trong vài ngày qua cùng với các dữ liệu có được thì hầu hết bệnh nhân COVID-19 tử vong đều là người cao tuổi. Điều này rất quan trọng, mọi người không nên xem nhẹ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Đối với những trường hợp có biểu hiện nhẹ nên tự cách ly và điều trị tại nhà, song những bệnh nhân thuộc nhóm người cao tuổi cần được đưa ngay đến bệnh viện hoặc khu cách ly tập trung.

Trước đó, Người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia, Siti Nadia Tarmizi cho biết các bệnh đi kèm như tăng huyết áp đến đái tháo đường là nguyên nhân khiến số ca tử vong do COVID-19 tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-62-campuchia-co-111-ca-mac-omicron-indonesia-han-che-nguoi-cao-tuoi-ra-khoi-nha-20220206202700295.htm