COVID-19 tại ASEAN hết 22/11: Toàn khối trên 400 ca tử vong mới; Campuchia phục hồi nhanh sau đỉnh dịch

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 22/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 21.931 ca mắc COVID-19 và 477 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch hiện xấp xỉ 13.800.000 ca, trong đó trên 287.000 người tử vong.

Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Cambodia ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Cambodia ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 2/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 2/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao. Ngày 22/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 218 trường hợp, cao nhất khu vực.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 549 ca bệnh và 9 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Về số ca mắc mới, Việt Nam ngày 22/11 dẫn đầu Đông Nam Á với trên 10.000 ca.

Trong khi đó, Thái Lan vẫn là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 22/11 ghi nhận thêm trên 6.000 ca bệnh mới và 49 người tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 18/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 18/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 45 bệnh nhân mới và 4 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.

Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên.

Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Một quầy hoa quả tại khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một quầy hoa quả tại khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia phục hồi nhanh sau dịch bệnh COVID-19

9 tháng sau “Sự cố cộng đồng 20/2”, dịch COVID-19 tại Campuchia đã được kiểm soát, Campuchia đang nỗ lực mở cửa trở lại hoàn toàn các lĩnh vực xã hội.

Chủ tịch Hiệp hội các đại lý du lịch Campuchia, bà Chhay Sivlin cho rằng việc phục hồi sau “Sự cố cộng đồng 20/2” là một thách thức rất lớn, cần phải ghi nhớ và rút ra những bài học kinh nghiệm. Bà Chhay Sivlin đánh giá: “Vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống dịch COVID-19, cho phép Campuchia có thể mở cửa trở lại. Chính phủ và người dân Campuchia đã phải nỗ lực rất lớn để đảm bảo sự thành công của chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19. Điều quan trọng, thành công này của Campuchia đã được quốc tế biết đến”.

Ngày 21/11, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng cho biết Campuchia đã mở cửa trở lại hầu hết các lĩnh vực, học sinh được trở lại trường học. Du lịch sẽ là yếu tố quan trọng để giúp nền kinh tế Campuchia phục hồi. Tuy nhiên, Campuchia chưa thể nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Giao thông đông đúc trên một tuyến phố ở Phnom Penh, Cambodia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Giao thông đông đúc trên một tuyến phố ở Phnom Penh, Cambodia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, Tiến sĩ Li Ailan đánh giá: “Campuchia không chỉ đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao mà những đối tượng dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, người cao tuổi, những người mắc bệnh mãn tính và phụ nữ mang thai cũng được ưu tiên tiêm chủng. Tuy nhiên, WHO nhắc nhở rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc”.

Hãng Thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 21/11 đưa tin Bộ trưởng Bộ Du lịch nước này, ông Thong Khon cho biết, trên cơ sở kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong 3 ngày Lễ hội Nước từ 18 -20/11, Campuchia sẵn sàng đón du khách quốc tế đã tiêm vaccine đầy đủ phòng COVID-19.

Bộ trưởng Thong Khon nhấn mạnh rằng đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng để tiếp nhận khách du lịch quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia lo ngại tình trạng bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi mới đây bày tỏ lo ngại về tình trạng bất bình đẳng về vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu.

Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế Global Town Hall 2021 do Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) tổ chức ngày 20/11, Bộ trưởng Retno cho rằng hiện nay còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine toàn cầu. Vaccine thường sẽ được bán cho bên trả giá cao hơn. 64,99% người dân ở các nước thu nhập cao đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất 1 liều, trong khi đó ở các nước thu nhập thấp con số này chỉ là 6,48%.

Hơn 80% vaccine đã được chuyển đến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong khi đó các nước nghèo hơn chỉ nhận 0,4%. 56 quốc gia không đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tiêm chủng cho 10% dân số mỗi quốc gia vào tháng 9, con số này có thể lên đến 80 quốc gia không đạt chỉ tiêu đến hết năm 2021.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, 100 triệu liều vaccine có thể sẽ không được sử dụng hoặc hết hạn sử dụng ở Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm 2021. Đến tháng 5/2022, con số này được dự đoán lên đến 800 triệu liều.

Nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào chương trình chia sẻ vaccine COVAX như một phương tiện duy nhất để tiếp nhận vaccine. Tuy nhiên, đến nay mới có 507 triệu liều vaccine được phân phối theo chương trình COVAX, khả năng không đạt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều trong năm nay.

Trong khi đó, sản lượng toàn cầu hiện nay đạt gần 1,5 tỷ liều mỗi tháng, như vậy năng lực cung cấp vaccine trên toàn cầu là đảm bảo, song do tình trạng mất cân bằng và chủ nghĩa dân tộc về vaccine đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt vaccine ở nhiều nơi. Do đó, bà Retno khuyến khích các quốc gia giàu có với nguồn cung vượt cầu nên cân nhắc việc chia sẻ vaccine. Bà khẳng định tư duy chủ nghĩa dân tộc về vaccine cần phải chuyển thành chủ nghĩa toàn cầu về vaccine.

Ngày 22/11, Chính phủ Lào yêu cầu các đơn vị kinh doanh trên cả nước khi có ca nhiễm nội bộ cần tạm thời đóng cửa để làm vệ sinh, khử khuẩn và thực hiện các biện pháp sàng lọc, tách nhóm nguy cơ theo quy định của Ủy ban chuyên trách. Đơn vị nào không tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Chính phủ Lào cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị đội ngũ y tế, tình nguyện viên, phương tiện và thiết bị, ngân sách cho việc tăng cường và mở rộng hoạt động tiêm chủng.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-2211-toan-khoi-tren-400-ca-tu-vong-moi-campuchia-phuc-hoi-nhanh-sau-dinh-dich-20211123001901453.htm