COVID-19 tại ASEAN hết 2/1: Cả khối trên 305.000 ca tử vong; Philippines vọt tăng ca nhiễm

Trong ngày 2/1, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận trên 29.400 ca mắc COVID-19 và 295 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong từ đầu dịch lên 305.447 ca.

Các chú voi đội mũ ông già Noel, đeo khẩu trang phân phát quà cho các em học sinh trong bữa tiệc Giáng sinh ở Ayutthaya, Thái Lan, ngày 24/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/1/2022, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 29.442 ca mắc mới COVID-19 và 295 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 14.948.641 trường 21638 và 303.572 ca tử vong. Toàn khối có 13.916.296 bệnh nhân đã bình phục.

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế đi xuống mạnh ở các quốc gia, trừ Việt Nam và Philippines.

Việt Nam dẫn đầu về ca mắc và tử vong mới trong ASEAN với lần lượt 16.498 ca và 221 ca trong ngày 2/1. Như vậy, tổng số ca mắc đã lên tới 1.763.040 trường hợp, bao gồm 32.831 ca tử vong. Đến nay nước ta đã ghi nhận 20 ca nhiễm biến thể Omicron và bệnh nhân nhiễm Omicron đầu tiên đã ra viện ngày 2/1 sau 2 tuần theo dõi sức khỏe.

Người dân thăm trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan, ngày 24/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Philippines, ca nhiễm mới đang tăng nhanh trở lại sau khi đã giảm xuống dưới ngưỡng 500 ca/ngày. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 4.600 ca nhiễm, 25 ca tử vong. Giới chức Philippines đã cảnh báo nguy cơ tăng mạnh số ca mắc COVID-19 trong dịp nghỉ lễ mừng Năm mới 2022.

Trước đó, ngày 30/12, Philippines cho biết nước này sẽ duy trì cảnh báo dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 2 cho đến ngày 15/1/2022 bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm mới và quan ngại về biến thể Omicron. Ở mức cảnh báo cấp độ 2, một số doanh nghiệp và sự kiện tại các địa điểm trong không gian kín được phép hoạt động với tối đa 50% công suất và áp dụng với những người đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản; đối với các cơ sở ngoài trời, công suất hoạt động tối đa là 70% với điều kiện tất cả những người tham gia đã tiêm đủ liều cơ bản.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 21/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 3.386 ca, có xu hướng đi lên so với những tuần trước. Với sự xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu. Bộ Y tế Malaysia ngày 28/12 đã quyết định rút ngắn thời gian giãn cách tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 đối với những người đã hoàn thành tiêm vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech và AstraZeneca từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này phát hiện thêm 306 ca nghi nhiễm biến thể Omicron.

Thái Lan đứng thứ tư khu vực về ca nhiễm mới với 3.112 ca và 12 ca tử vong trong 24 giờ qua. Kể từ ngày 16/12, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã quyết định kéo dài thời gian cách ly đối với những người đến nước này theo các chương trình hộp cát và cách ly từ 5 ngày lên 7 ngày. Quyết định này nhằm đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron và sự gia tăng các ca nhiễm ở một số nước.

Ngày 30/12, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhằm ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Omicron, các quan chức chính phủ sẽ làm việc tại nhà sau kỳ nghỉ Năm mới 2022, trong khi học sinh có thể quay lại học trực tuyến. Khu vực tư nhân cũng đang được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca nhiễm mới tại Singapore vẫn lên xuống quanh ngưỡng 500, với chỉ 456 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong mới. Song song với công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó nguy cơ bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron, Singapore cũng nới lỏng một số biện pháp giãn cách, theo đó từ ngày 1/1/2022, làm việc tại nhà sẽ không còn là bắt buộc, các công ty, cơ quan được phép cho 50% số nhân viên trở lại làm việc trực tiếp. Việc điều chỉnh này là nhờ số ca nhiễm mới hàng ngày hiện nay đã giảm mạnh.

Trong khi đó, Campuchia chỉ ghi nhận 3 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong mới trong ngày. Chính quyền các tỉnh Campuchia giáp biên giới với Thái Lan đang xem xét áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19, trong đó có khả năng áp dụng cách ly bắt buộc và xét nghiệm PCR, do lo ngại biến thể Omicron lây lan mạnh từ dòng người lao động di cư nhập cảnh.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Lào, Bộ Y tế ngày 2/1 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 684 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố và 6 ca tử vong do COVID-19. Như vậy sau 4 ngày liên tục ghi nhận ở mức 4 con số, số ca mắc mới tại nước này đã giảm xuống mức 3 con số, giảm 339 ca so với ngày 1/1. Thủ đô Viêng Chăn cũng ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng giảm 253 trường hợp so với ngày 1/1 nhưng vẫn đứng đầu cả nước với 121 ca trong một ngày. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 112.767 ca, trong đó có 380 người tử vong.

Để tiếp tục giảm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được bàn hành; đồng thời tiếp tục chuẩn bị trung tâm cách ly và cơ sở điều trị đầy đủ, chuẩn bị ngân sách dự phòng để mua vật tư y tế, vaccine, thuốc điều trị, dung dịch xét nghiệm và các thiết bị cần thiết.

Cảnh vắng vẻ trên đường phố trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại Luang Prabang, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-21-ca-khoi-tren-305000-ca-tu-vong-philippines-vot-tang-ca-nhiem-20220102232408455.htm