Covid-19: Malaysia hoàn thành 2 mũi vaccine cho 10% dân số, hơn 2.000 nhân viên y tế vẫn nhiễm bệnh sau tiêm chủng

Ngày 10/7, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết, nước này có tổng cộng 2.341 nhân viên y tế mắc Covid-19 sau khi đã được tiêm chủng, nhưng tất cả đều không xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng.

Tính đến ngày 4/7, Malaysia đã nhận được 12,6 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer và Sinovax, trong số 67 triệu liều đã ký hợp đồng mua. (Nguồn: Straitstimes)

Phát biểu tại một sự kiện ngày 10/7, Bộ trưởng Adham Baba chỉ rõ trong số 2.341 nhân viên y tế mắc Covid-19 sau tiêm chủng, có 778 người tình hình bệnh tật ở giai đoạn 1 và 1.559 người ở giai đoạn 2, chỉ có 2 người ở giai đoạn 3 và giai đoạn 4, không có ai ở giai đoạn 5.

Điều đó có nghĩa vaccine có thể giúp giảm số ca tử vong và mức độ nghiêm trọng của bệnh sau khi mắc, giúp người mắc Covid-19 không bị rơi vào giai đoạn 5. Nói cách khác, vaccine ngừa Covid-19 có thể bảo vệ nhân viên y tế khỏi tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Bộ trưởng Adham Baba lưu ý, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Malaysia, nước này đã có tổng cộng 9.392 nhân viên y tế bị mắc Covid-19. Trong đó, đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là y tá với tổng cộng 3.411 người và nhân viên y vụ với 1.229 người.

Ngoài ra, Bộ trưởng Adham Baba cho hay có tổng cộng 509 bác sĩ đa khoa tư nhân được ủy quyền cấp giấy phép cách ly tại nhà đối với người mắc Covid-19.

Trước đó, theo Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và sáng tạo Malaysia Khairy Jamaluddin, 3.197.890 người dân nước này đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, tương đương 10% dân số.

Ông Khairy đồng thời là Bộ trưởng Điều phối Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19, cho biết thêm, Malaysia đặt mục tiêu tiêm phòng Covid-19 cho tháng 7/2021 là 300.000 người/ngày. Tuy nhiên, trong 3 ngày gần đây, nước này đã tiêm tổng cộng cho 1 triệu người, nhờ vậy đã đạt được 1 trong 3 tiêu chí để chuyển sang giai đoạn 2 của Kế hoạch Hồi phục quốc gia.

Đề cập tới nguyên nhân mấy tháng trước số người được tiêm chủng tương đối ít, ông Khairy giải thích rằng, đó là do nguồn cung vaccine không đủ và sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine toàn cầu.

Ông Khairy cho biết thêm tới ngày 4/7, Malaysia đã nhận được 12,6 triệu liều vaccine của AstraZeneca, Pfizer và Sinovax trong số 67 triệu liều vaccine đã ký hợp đồng mua. Tỷ lệ sử dụng vaccine hiện nay là 90%. Do đó, vấn đề là về nguồn cung chứ không phải là vấn đề khả năng tiêm chủng của Malaysia.

Tham khảo dữ liệu được báo cáo bởi các quốc gia như Đức, Anh, Mỹ và Singapore, ông Khairy chỉ rõ khi 30-40% dân số được tiêm chủng đủ 2 liều vaccine, số ca mắc và số ca tử vong do Covid-19 bắt đầu giảm xuống. Malaysia sẽ đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cho 30-40% dân số vào cuối tháng 8/2021 và khi đó, số ca tử vong vì Covid-19 sẽ giảm xuống.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia đã quyết định đóng cửa toàn diện từ ngày 1/6 và đưa ra Kế hoạch Hồi phục quốc gia gồm 4 giai đoạn.

Hiện nay, Malaysia đang ở giai đoạn 1 và để chuyển sang giai đoạn 2 cần đáp ứng 3 yêu cầu: Số ca mắc Covid-19 hàng ngày dưới 4.000 ca, công suất sử dụng giường điều trị tích cực về mức trung bình và 10% dân số hoàn thành tiêm chủng.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-malaysia-hoan-thanh-2-mui-vaccine-cho-10-dan-so-hon-2000-nhan-vien-y-te-van-nhiem-benh-sau-tiem-chung-150953.html