Covid-19: Kinh tế Đức 'tê liệt' vì thiếu vắng hội chợ cuối năm

Việc hủy bỏ hàng loạt các hội chợ thương mại do đại dịch Covid-19 đã trở thành thảm họa đối với nền kinh tế Đức khi quốc gia này là nơi tổ chức của 4/10 hội chợ thương mại lớn nhất thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Các hội chợ thương mại đã đóng một vai trò trung tâm trong đời sống kinh tế Đức kể từ thời xa xưa, khi các thương gia thường tập trung tại các thành phố như Leipzig để buôn bán rượu vang, lông thú, ngũ cốc và giao lưu văn hóa.

Các sự kiện và triển lãm thương mại hầu như hủy bỏ vì đại dịch. (Nguồn: The New York Times)

Các sự kiện và triển lãm thương mại hầu như hủy bỏ vì đại dịch. (Nguồn: The New York Times)

Trung tâm triển lãm thế giới bị lung lay

Trước đây, kỳ Hội chợ Hanover năm 1947 - trưng bày máy công cụ và các mặt hàng công nghiệp - được coi là bước ngoặt trong sự phục hưng kinh tế của Đức sau Thế chiến II. Hội chợ đã thu hút hơn 700.000 khách hàng tiềm năng từ khắp nơi trên thế giới và giúp tái kết nối nước Đức với nền kinh tế quốc tế.

Đại dịch đã buộc các nhà tổ chức phải dừng đầu tư vào Hội chợ Hanover năm nay, cũng như hủy bỏ hàng chục sự kiện nhỏ lẻ trên khắp cả nước như VeggieWorld ở Munich, International Toy Fair ở Nuremberg và Horse & Hunt ở Hanover.

Theo nghiên cứu của Viện Ifo ở Munich, thông thường mỗi năm các hội chợ thương mại mang lại cho nước Đức khoảng 28 tỷ Euro (tương đương 33 tỷ USD). Số tiền này là nguồn thu từ các trung tâm hội nghị, khách sạn, nhà hàng, hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ cho các kì hội chợ thương mại.

Tuy nhiên, đại dịch ập đến khiến kinh tế thế giới chao đảo, nguồn doanh thu khổng lồ từ các hội chợ thương mại bị giảm sút đáng kể kèm theo những thiệt hại khó có thể đong đếm như: các đơn đặt hàng bị hủy hoặc trì hoãn vô hạn, các mối quan hệ đối tác biến mất, sự đứt gãy mối dây liên kết trong kinh doanh mà phải rất lâu sau mới có thể nối lại được...

Là người thường xuyên góp mặt mặt tại hội chợ công nghiệp thể thao ISPO ở Munich và hội chợ công nghiệp xe đạp Eurobike ở Friedrichshafen, ông Jan Lorch, Giám đốc Bán hàng của hãng quần áo và thiết bị ngoài trời Vaude cho biết, các hội chợ triển lãm - ngoài việc mang lại cơ hội tiếp cận thị trường bán lẻ, còn giúp các nhà sản xuất tìm hiểu và cập nhật những chuỗi cung ứng mới nhất.

Xoay xở trong bối cảnh dịch bệnh

Một số hội chợ đã chuyển sang trực tuyến thay cho các hội chợ truyền thống do giãn cách xã hội. Thế nhưng, trên thực tế các sự kiện trực tuyến không thể giúp lấp đầy các phòng khách sạn, nhà hàng hoặc cung cấp công ăn việc làm cho những người làm trong ngành hội chợ - triển lãm. Rất nhiều công ty đang trên bờ vực vỡ nợ.

Hội chợ mang lại nguồn lợi lớn không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế Đức. (Nguồn: The New York Times)

Hội chợ mang lại nguồn lợi lớn không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế Đức. (Nguồn: The New York Times)

Đã có những dấu hiệu cho thấy ngay cả sau khi có vaccine phòng Covid-19, đại dịch có thể để lại hậu quả vĩnh viễn cho ngành triển lãm. Các triển lãm xe đã bị hủy bỏ vào phút cuối cùng trong tháng Ba vừa qua và Ban tổ chức dự kiến sẽ hủy bỏ sự kiện năm tới.

Triển vọng diễn ra những sự kiện chính của ngành công nghiệp ô tô cũng đang trở nên mờ mịt một phần bởi vì các công ty ô tô đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu các triển lãm có mang lại lợi ích tương ứng hay không.

Một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho thấy, gần một nửa số công ty Đức muốn cắt giảm chi tiêu cho các hội chợ thương mại và chuyển sang tổ chức nhiều hội chợ trực tuyến hơn.

Ngược lại, nhà kinh tế học Horst Penzkofer cho biết, các hội chợ thương mại vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các công ty nhỏ, vốn không đủ khả năng chi trả cho lực lượng bán hàng quốc tế.

Nikolaj Schnoor, Giám đốc điều hành Công ty kính mắt Đan Mạch Lindberg, cho biết công ty đã tổ chức các buổi giới thiệu trực tuyến để giới thiệu các thiết kế mới nhất của mình sau khi hầu hết các hội chợ thương mại trong ngành bị hủy bỏ ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, ông Schnoor vẫn hy vọng các hội chợ thương mại sẽ sớm được nối lại.

Triển vọng phục hồi ảm đạm

Để vực dậy ngành hội chợ, triển lãm, Chính phủ Đức đã cho phép hội chợ thương mại diễn ra trong hầu hết thời gian của năm nếu các nhà tổ chức hạn chế số lượng khách tham quan và thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các sự kiện đã bị hủy bỏ vì do lệnh hạn chế đi lại và không khuyến khích du khách nước ngoài. Nhiều nhà triển lãm cũng e ngại không muốn chi tiền cho các sự kiện có thể bị hủy vào phút cuối.

Các hạn chế xã hội mới nhất ở Đức có hiệu lực vào ngày 1/11 đến tháng 12, bao gồm lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với các hội chợ thương mại. Riêng Hội chợ ở thành phố Erfurt có tên Provention không bị ảnh hưởng bởi đây là nơi giới thiệu các công ty sản xuất chất khử trùng, máy lọc không khí và các sản phẩm khác để đối phó với đại dịch.

Michael Kynast, Giám đốc Điều hành của Messe Erfurt, một đơn vị tổ chức hội chợ thương mại của thành phố nhận định các công ty từ nhỏ đến lớn rất cần hội chợ thương mại để tìm thị trường cho sản phẩm mới và xúc tiến thương mại. Có những công ty thu được 80% doanh thu từ các hội chợ triển lãm.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, không ai có thể đoán được khi nào thì các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại sẽ được nối lại. Ngay cả khi các hạn chế được dỡ bỏ, các nhà triển lãm cũng không muốn tham gia các sự kiện vì lo ngại vấn đề an toàn trong khi đại dịch chưa kết thúc.

(theo The New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-kinh-te-duc-te-liet-vi-thieu-vang-hoi-cho-cuoi-nam-130755.html