COVID-19 khiến lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương tăng vọt

Trên khắp thế giới, đại dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với các loại nhựa sử dụng một lần như khẩu trang, găng tay và tấm che mặt…. Kết quả là, lượng rác thải nhựa đổ ra sông và các đại dương - vốn đã ngoài tầm kiểm soát - tăng vọt.

Khẩu trang và các loại rác thải nhựa gây ô nhiễm biển Adriatic. Ảnh chụp hồi tháng 8/2021

Đại dịch tạo ra hơn 8 triệu tấn chất thải nhựa

Các nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Khí quyển thuộc ĐH Nam Kinh (Trung Quốc) và Viện Hải dương học UC San Diego's Scripps (Mỹ) đã thực hiện dự đoán về mức độ và số phận của rác thải trong các đại dương trong thời đại dịch COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình rác thải nhựa trong đại dương mới được phát triển để định lượng tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc thải nhựa từ các nguồn trên đất liền. Dựa vào mô hình này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 8 triệu tấn chất thải nhựa liên quan đến đại dịch COVID-19 trong tổng số 25.900 tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương trên toàn cầu.

GS Yanxu Zhang thuộc Trường Khoa học Khí quyển thuộc ĐH Nam Kinh (Trung Quốc), tác giả nghiên cứu trên cho biết: "Mô hình mà chúng tôi áp dụng nghiên cứu mô phỏng cách nước biển di chuyển chất thải nhựa, nhờ gió, bị phân hủy bởi ánh sáng mặt trời, sinh vật phù du bám vào, đổ bộ lên các bãi biển và chìm xuống. Nghiên cứu này nhằm trả lời các câu hỏi như "điều gì xảy ra nếu chúng ta thêm một lượng nhựa nhất định vào đại dương?"".

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu hết rác thải nhựa từ đại dịch COVID-19 đang xâm nhập vào đại dương từ các con sông. Các con sông ở châu Á chiếm 73% tổng lượng nhựa thải ra, sông Shatt al-Arab mang theo 5.200 tấn rác thải PPE, sông Indus vận chuyển 4.000 tấn, còn con số của sông Dương Tử (Trung Quốc) là 3.700 tấn.

Kết hợp dữ liệu từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 vào năm 2020 – tháng 8/2021, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phần lớn chất thải nhựa toàn cầu đổ vào các đại dương là từ châu Á, trong đó chất thải bệnh viện chiếm phần lớn lượng thải trên đất liền.

"Khi chúng tôi bắt đầu thực hiện phép toán, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng lượng chất thải y tế về cơ bản lớn hơn đáng kể so với lượng chất thải từ các cá nhân và phần lớn đến từ các nước châu Á, mặc dù đó không phải là những nơi là tâm dịch" – nhà khoa học Amina Schartup thuộc Viện Scripps Oceanography, đồng tác giả nghiên cứu trên cho biết.

Cụ thể, 46% lượng rác thải nhựa toàn cầu xuất phát từ châu Á (do hoạt động sử dụng khẩu trang của cư dân), tiếp theo là châu Âu (24%), châu Mỹ (22%) và châu Phi (8%). Trong đó, 87,4% lượng rác thải là từ các bệnh viện, bao bì và bộ dụng cụ xét nghiệm chiếm khoảng 5%.

Nguy cơ tổn thương nghiêm trọng hệ sinh thái Bắc Băng Dương

Trong vòng 3 - 4 năm, một phần đáng kể của rác thải nhựa dự kiến sẽ đổ bộ lên các bãi biển hoặc lắng đọng dưới đáy biển. Một phần nhỏ hơn sẽ trôi theo các dòng chảy đại dương, cuối cùng bị mắc kẹt ở trung tâm các lưu vực đại dương, có thể trở thành các mảng rác và vùng tích tụ nhựa dạng mạch ở Bắc Băng Dương.

Mô hình nghiên cứu cho thấy khoảng 80% mảnh vụn nhựa đi vào Bắc Băng Dương sẽ nhanh chóng chìm xuống và một vùng tích tụ nhựa dạng mạch được mô hình hóa sẽ hình thành vào năm 2025.

Hệ sinh thái Bắc Băng Dương vốn được coi là dễ bị tổn thương do môi trường khắc nghiệt và biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu cho biết, tác động sinh thái tiềm ẩn của việc tiếp xúc với chất thải nhựa tích tụ ở Bắc Băng Dương có thể làm tăng thêm nhiều lo ngại.

Để chống lại dòng rác thải nhựa ra đại dương, các nhà nghiên cứu trên kêu gọi sự quản lý tốt hơn đối với rác thải y tế ở các tâm dịch COVID-19, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi cộng đồng toàn cầu nhận thức về tác động môi trường của thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và các sản phẩm nhựa khác, đồng thời phát triển các công nghệ tiên tiến để thu gom, phân loại, xử lý và tái chế chất thải nhựa tốt hơn, đồng thời phát triển các vật liệu thân thiện với môi trường hơn.

"Rác thải nhựa liên quan đến COVID-19 chỉ là một phần của một vấn đề lớn hơn mà chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ 21: rác thải nhựa. Để giải quyết vấn đề này, cần rất nhiều cải tiến kỹ thuật, chuyển đổi nền kinh tế và thay đổi lối sống" – nhà nghiên cứu Zhang nhấn mạnh.

Hà Anh (Theo Eurek Alert, Columbus Post)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//covid-19-khien-luong-rac-thai-nhua-do-ra-dai-duong-tang-vot-16921110912412463.htm