COVID-19 giúp thay đổi những thói quen

Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động toàn diện đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, tôn giáo... ở khắp nơi trên toàn thế giới nói chung và nước ta nói riêng. Theo đánh giá của các chuyên gia, hậu quả của đại dịch COVID-19 là chưa từng có trong lịch sử loài người, để lại nhiều hệ lụy mà phải mất một thời gian rất dài mới khắc phục để hồi phục, ổn định như trước. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tiêu cực thì cần có những nhìn nhận tích cực đối với cuộc sống thường ngày của mỗi người, mỗi gia đình…

Sau khi COVID-19 xuất hiện và gây ra nhiều thảm cảnh khôn lường, con người càng nhận ra sức khỏe bản thân mới là thứ đáng quý nhất trên đời. Mọi thứ khác đều rất mong manh và vô nghĩa trước vi rút SARS-CoV-2 vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, những người cao tuổi, có thể trạng yếu, mắc các bệnh nền… dễ trở thành “mồi ngon” của vi rút này. Vì thế, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mỗi người là hàng ngày không được coi thường, bỏ bê sức khỏe của mình trước nguy cơ các loại dịch bệnh cũ, mới luôn chờ chực xuất hiện đe dọa cướp đi mạng sống. Muốn vậy, cùng với ăn uống điều độ, khoa học, chúng ta phải thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao… để có sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn.

Bên cạnh đó, chúng ta dần hình thành và duy trì các thói quen tốt để sống an toàn hơn trong một môi trường luôn biến động phức tạp khó lường. Đơn giản như rửa tay trước khi ăn, rửa tay sau khi cầm nắm các vật dụng khi người khác đưa. Nếu như trước kia động tác này chưa phổ biến thì nay nó đã trở thành việc hàng ngày, đại trà đối với nhiều người, nhiều nhà. Hay việc đeo khẩu trang cũng vậy. Bây giờ, ra đường hay đến nơi công cộng, có thể thấy hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang để vừa bảo vệ mình vừa giữ cho người khác. Bây giờ, ai đến chốn đông người mà không đeo khẩu trang sẽ tự thấy mình không giống ai, cứ ngượng ngượng như chạy xe máy mà thiếu mũ bảo hiểm trên đầu vậy!

Hơn nữa, nhắc nhớ chúng ta là chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, nhất là trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Rồi khi ra ngoài phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K để có thể trở về nhà an toàn, khỏe mạnh. Thực tế cho thấy lâu nay, nhiều người cứ tùy tiện đi khắp nơi dẫu không cần lắm, đến khi bị phát hiện là F0, F1 thì mới sự lo lắng. Do đó, từng cá nhân giảm thiểu sự đi lại không cần thiết, chưa cấp bách chính là thiết thực góp phần phòng, chống làm cho dịch mau hạ nhiệt để cuộc sống trở lại bình thường mới.

Trong tình hình dịch bệnh, tình cảm gia đình được “làm mới” để từng thành viên trong nhà hiểu nhau, sống trách nhiệm và yêu thương nhau hơn. Những ngày chưa xảy ra dịch, vợ chồng làm việc cơ quan, công sở theo nhịp điệu bình thường. Hết giờ hành chính, chiều tan sở, chồng thường đến thẳng quán nhậu bù khú với bạn bè, còn vợ về nhà với chuyện nấu ăn, bảo ban con cái, giặt giũ… Dịch xảy đến, quán nhậu đóng cửa, chồng hết nơi “giao lưu”, chiều tan sở, về nhà thấy vợ vất vả với bao việc mới nhận ra lâu nay mình là chủ hộ mà vô tâm với bà xã quá. Thế là xắn tay áo chia việc, được “nẫu” khen, cười tít mắt như trúng số độc đắc. Nhờ thế, tình cảm chồng vợ lại hạnh phúc, vui vẻ như xưa.

Nếu tiếp tục tìm kiếm, chắc chắn sẽ phát hiện còn có những điểm tích cực khác mà COVID-19 “lại quả” cho chúng ta. Tất nhiên, so với những tác hại khủng khiếp mà đại dịch này gây ra, những điểm tích cực này rõ ràng giống như muối bỏ biển. Nhưng dù sao, chúng ta cũng cần nhìn nhận và thích ứng để sống chung tương đối hòa bình với nó trong thời gian tới - thời của bình thường mới mà con người phải biết thích nghi, thay đổi rất nhiều thứ để duy trì cuộc sống bình thường như bấy lâu nay.

XUÂN PHAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/148/266663/covid-19-giup-thay-doi-nhung-thoi-quen.html