COVID-19: Ấn Độ lại ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Một ngày sau khi trở thành quốc gia thứ hai có số ca mắc COVID-19 vượt 20 triệu ca chỉ sau Mỹ, ngày 5/5, Ấn Độ lại ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục là 3.780 ca, nâng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 tại nước này lên 226.188 người.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 382.315 ca mắc, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 20.665.148 ca. Đây cũng là ngày thứ 14 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới.

Sự gia tăng các ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ đã khiến hệ thống bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh và oxy y tế, trong khi các nhà xác và lò hỏa táng tràn ngập thi thể nạn nhân xấu số.

Trong ngày 5/5, hai chuyến tàu tốc hành vận chuyển oxy y tế đã đến thủ đô New Delhi để hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Tới nay, đã có hơn 25 chuyến tàu vận chuyển oxy y tế đến các khu vực khác nhau trên cả nước. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục hỗ trợ Ấn Độ vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Bất chấp mỗi ngày Ấn Độ lại ghi nhận thêm những kỷ lục buồn về tình hình dịch bệnh, chính phủ liên bang vẫn loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn dù một số bang đã áp đặt lệnh giới nghiêm hoặc phong tỏa một phần. Thủ đô New Delhi vẫn đang thực hiện lệnh phong tỏa thứ ba, sẽ hết hiệu lực vào ngày 10/5 tới. Trong khi đó, một số kỳ thi cũng đã bị hủy hoặc hoãn trước diễn biến dịch bệnh phức tạp.

Trái ngược với sự gia tăng số ca mắc, tiến độ triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Ấn Độ lại giảm mạnh do vấn đề nguồn cung và bàn giao. Ít nhất ba bang, trong đó có Maharashtra, đã báo cáo về sự khan hiếm vắc xin, buộc những địa phương này phải đóng cửa một số trung tâm tiêm chủng.

Nhằm góp phần đối phó với làn sóng dịch bệnh đang tàn phá đất nước, cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã quyết định sẽ cung cấp 6,7 tỉ USD dưới dạng các khoản vay với lãi suất thấp để hỗ trợ các nhà sản xuất vắc xin, bệnh viện và các đơn vị y tế khác.

Thống đốc ngân hàng trung ương Shaktikanta Das cho biết các khoản vay với lãi suất thấp sẽ được giải ngân cho đến ngày 31/3 năm sau. Trong bối cảnh các bệnh viện phàn nàn về tình trạng thiếu trầm trọng oxy y tế, giường bệnh và vắc xin, các biện pháp mới này nhằm cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp trong giai đoạn dịch bệnh. Ông Das nhấn mạnh mục tiêu trước mắt là cứu sống người dân và khôi phục sinh kế "bằng mọi cách". Quan chức này cũng cam kết sẽ triển khai các biện pháp "đặc biệt" nếu cuộc khủng hoảng y tế diễn biến xấu đi.

* Tại Nhật Bản, Chính phủ có thể sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía tây trong bối cảnh chưa có dấu hiệu cho thấy dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ sớm lắng dịu ở nước này bất chấp những biện pháp quyết liệt của chính quyền các địa phương.

Tính đến 10 giờ sáng 3/5, tổng số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản là 605.613 người, tăng 36.533 người so với một tuần trước đó. Đây là tuần thứ 9 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này tăng. Số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản cũng tăng thêm 410 ca trong tuần qua lên 10.400 người.

Trong số 4 tỉnh, thành nằm trong phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp từ ngày 25/4, Osaka ghi nhận thêm 7.945 ca trong tuần từ 27/4 đến 3/5, Tokyo có thêm 5.832 ca, Hyogo 3.347 ca và Kyoto 954 ca. Số bệnh nhân tử vong vì dịch COVID-19 trong tuần ở Osaka là 137 người, tiếp đến là Hyogo (39 người), Tokyo (22 người) và Kyoto (5 người).

Đáng chú ý, dù Nhật Bản đang trong kỳ nghỉ lễ dài, nước này ngày 4/5 vẫn ghi nhận thêm 4.202 ca nhiễm, trong đó Osaka có 884 ca và thủ đô Tokyo có 609 ca, và 50 ca tử vong vì dịch COVID-19. Số bệnh nhân nặng trên toàn quốc là 1.083 ca, giảm 1 người so với mức cao kỷ lục 1 ngày trước đó.

Trong bối cảnh đó, chính quyền tỉnh Osaka đang cân nhắc đề nghị chính phủ gia hạn tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 11/5 tới. Nhiều khả năng tỉnh Osaka sẽ quyết định liệu có nên đưa ra đề nghị trên hay không tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh vào ngày 6 hoặc 7/5.

Trao đổi với báo giới, Thống đốc Osaka Hirofumi Yoshimura nêu rõ: “Quan điểm của chúng tôi về tình hình hiện nay là khó nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp đã áp dụng trong tình trạng khẩn cấp".

Trong khi đó, trong cuộc trao đổi với ông Nobuhiko Okabe, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm và là Cố vấn đặc biệt của Chính phủ Nhật Bản diễn ra 4/5, Thủ tướng Suga Yoshihide thừa nhận cảm thấy khó khăn trong việc quyết định liệu có nên dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 vào ngày 11/5 tới hay không khi số ca nhiễm mới vẫn chưa giảm.

Cùng ngày, chính quyền tỉnh Tokushima ở miền Tây Nhật Bản đã đề nghị chính phủ đưa tỉnh này vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm. Đề nghị này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tokushima ghi nhận 60 ca nhiễm mới, cao kỷ lục trong 1 ngày.

Hiện Tokushima đang yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống đóng cửa vào lúc 21 giờ. Nếu áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, chính quyền tỉnh sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống ở TP Tokushima đóng cửa trước 20h.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255276/covid-19--an-do-lai-ghi-nhan-so-ca-tu-vong-trong-ngay-cao-nhat.html