Công viên là diện mạo và sức sống mới của đô thị

Không gian sống ở các đô thị rất cần tới các công viên. Đó chính là những không gian xanh, là lá phổi của thành phố. Đồng thời là nơi người dân tìm đến để có thể hít thở bầu không khí trong lành hơn, được vui chơi trong các không gian tiện ích công cộng tốt hơn.

Tỷ lệ không gian xanh trên đầu người còn khiêm tốn

Hà Nội hiện có khoảng 60 công viên, vườn hoa lớn nhỏ, phục vụ cho khoảng 8,3 triệu dân. Nghĩa là cứ hơn 138.000 người sẽ có một không gian công cộng. Con số này quá khiêm tốn khi so sánh với nhiều quốc gia khác.

Tỉ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Thậm chí, tại các quận trung tâm, tỉ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Hiện nay, còn nhiều công viên bị bỏ hoang, chưa được đầu tư đúng mức, một số nơi đang vận hành xuống cấp.

Công viên với diện mạo và sức sống mới

Đã có những Công viên đang dần được trở lại với đúng chức năng của nó. Điển hình như Công viên Thống Nhất bỏ rào chắn, sắp tới kết nối với quảng trường của Hồ Thiền Quang; Công viên Thiên văn học mở cửa trở lại; Không gian xanh được tạo mới như ở Vườn cây Trúc sào ở hồ Trúc Bạch - trồng 7.500 cây...

Không gian xanh tại Vườn cây Trúc sào ở hồ Trúc Bạch

Theo đó, thành phố Hà Nội cũng mong muốn sẽ làm sống lại các công viên. Để có được một công viên, không gian xanh đúng nghĩa, còn cần làm nhiều việc khác, như: quản lý, vệ sinh môi trường, các hoạt động văn hóa, cộng đồng, người dân khi vào công viên cũng cần văn minh, lịch sự…

Vì công viên với không gian xanh không chỉ nơi tương tác giữa con người với thiên nhiên thông qua nhiều hoạt động đa dạng, mà nó còn là đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Nơi đây cũng sẽ được xem như lá phổi của đô thị.

Công viên mở ở TP.HCM

Tại TP.HCM, nhiều năm nay, đã không còn xuất hiện những hàng rào bao quanh các công viên, để người dân có thể thoải mái ra vào.

Nằm ở trung tâm quận 1 TP.HCM, có diện tích gần 6 ha, được TP.HCM xây dựng từ năm 1985, công viên Lê Văn Tám hiện có rất nhiều cây xanh phủ bóng mát, thay thế cho nghĩa trang hoang vắng trước đó.

Công viên Lê Văn Tám có rất nhiều cây xanh phủ bóng mát

Nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động giải trí cũng như các hội chợ, triển lãm. Công viên hàng ngày cũng luôn thu hút người dân đến tập thể dục dưới bóng mát của cây xanh, 40 năm qua, công viên chưa bao giờ thu phí nên là điểm thuận lợi cho nhiều người khi tìm nơi vui chơi, giải trí.

Công viên Lê Văn Tám hàng ngày luôn thu hút người dân đến tập thể dục dưới bóng mát của cây xanh

Em Đỗ Hữu Trung - Quận 1, TP.HCM chia sẻ: "Trường của tụi em là trường THPT Võ Thị Sáu cũng ở gần đây nên khi trường em có những hoạt động như Flasmob hoặc kéo co thì lớp tụi em sẽ thuê những dụng cụ liên quan để tụi em tập dượt với nhau".

Em Trương Quang Bảo - Quận 1, TP.HCM cho biết: "Ở công viên này không thu phí ra vào mà chỉ tốn phí gửi xe máy và xe đạp, bãi giữ xe cũng rất rộng phù hợp với nhiều người để vô đây làm những hoạt động hay chỉ đơn giản là tham quan này nọ, giúp ích cho mọi người có một không gian để mọi người có chỗ nói chuyện, không gian ở đây cũng trong sạch, ở đây có nhiều cây xanh".

Nhóm bạn trẻ tới công viên Lê Văn Tám để tập luyện cho một hoạt động chuẩn bị diễn ra tại trường

Hay anh Đỗ Quốc Vương - Quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: "Hàng tuần, cứ mỗi buổi sáng, mình hay ra công viên tập thể dục, sau mỗi buổi học thì mình cũng ra đây để họp nhóm rất mát mẻ. không gian mở của công viên rất hợp lý, tất cả mọi người mọi tầng lớp đều có thể tới đây để tập luyện thể dục thể thao".

Chị Huỳnh Nguyễn Bảo Quyên - Quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ: "Mọi người có thể tới đây thể dục thể thao, đánh cầu, đá bóng mỗi buổi sáng. Mọi người ra vô cũng khá đông, không bán vé nên mọi người cũng tự nhiên, thoải mái hơn".

Cặp đôi anh Đỗ Quốc Vương và chị Huỳnh Nguyễn Bảo Quyên ra công viên chơi cầu lông vào mỗi buổi sáng trước một ngày làm việc mới

Toàn TP.HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Trong đó, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn khu vực ngoại thành. Các công viên lớn ở TP.HCM đã không còn hàng rào từ hàng chục năm nay, điều này cho thấy việc quản không gian sinh hoạt công cộng trong đời sống đô thị theo tư duy rào chắn đã không còn phù hợp.

Câu chuyện xây dựng thành phố xanh của thủ đô Bangkok (Thái Lan) và Paris (Pháp)Công viên rừng Benjakitti tại Thái Lan

Không chỉ tại Việt Nam, một vấn đề mà rất nhiều đô thị lớn ở Đông Nam Á đang gặp phải là tốc độ phát triển kinh tế không đi cùng với chiến lược duy trì môi trường sống xanh, sạch cho người dân.

Thủ đô Bangkok (Thái Lan) nằm trong số các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh trên thế giới. Những tòa cao ốc cao chọc trời đua nhau mọc lên, cũng có nghĩa, cùng lúc, không gian sống thân thiện với thiên nhiên bị thu hẹp. Trong nỗ lực để cho thành phố này trở nên xanh hơn và đáng sống hơn vào năm 2030, chính quyền Bangkok đang tăng cường mở rộng diện tích công viên cây xanh ngay trong đô thị.

Thành phố đã cải tạo khu vực đặt các nhà máy thuốc lá, biến nơi đây thành Công viên rừng Benjakitti tới 72ha. Với thiết kế kết hợp giữa cái cũ và cái mới, các kiến trúc sư đã giữ lại hơn 1.700 cây trưởng thành ban đầu của Benjakitti. Sau đó, trồng đan xen gần 7.000 cây non nhằm tạo ra thảm thực vật xanh tốt trong công viên.

Các kiến trúc sư đã giữ lại hơn 1.700 cây trưởng thành ban đầu của Benjakitti, sau đó trồng đan xen gần 7.000 cây non nhằm tạo ra thảm thực vật xanh tốt trong công viên

Ngoài thảm thực vật phong phú, những lạch nước và mô đất trong công viên cũng đóng vai trò quan trọng khi tạo ra môi trường sinh thái ngập nước, thân thiện với động vật hoang dã. Đồng thời, nó còn giúp điều hòa hệ thống xử lý và lọc nước thải từ các khu vực lân cận. Vào những ngày cuối tuần, công viên lớn nhất Bangkok này có thể đón tới hơn 10 nghìn người ghé thăm.

Những lạch nước và mô đất trong công viên cũng đóng vai trò quan trọng khi tạo ra môi trường sinh thái ngập nước, thân thiện với động vật hoang dã

Theo Cơ quan quản lý đô thị Bangkok, mỗi người dân thành phố này hiện chỉ được hưởng 7m2 không gian xanh. Mục tiêu của thành phố là tăng diện tích đó lên 10m2 mỗi người vào năm 2030 thông qua chương trình xây dựng công viên rừng.

Paris thực hiện kế hoạch "rừng đô thị"

Dù là một trong những thủ đô xanh nhất châu Âu, nhưng Paris vẫn đặt mục tiêu xanh hơn với kế hoạch "Rừng đô thị", xây dựng 300 ốc đảo phủ xanh khắp thành phố từ nay cho tới năm 2030.

Tại đây, các công nhân đang trồng cây xanh tại Place de Catalogne, một bùng binh gần ga xe lửa Montparnasse. Dự án trồng 478 xây này là một phần của kế hoạch biến thủ đô nước Pháp thành "rừng đô thị" mà theo Thị trưởng Paris - bà Anne Hidalgo, sẽ giúp giảm bớt tiếng ồn, ô nhiễm cũng như hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Bùng binh Place de Catalogne do kiến trúc sư người Tây Ban Nha Ricardo Bofill thiết kế vào những năm 1980, vốn là khu vực đông đúc phương tiện giao thông qua lại suốt nhiều thập kỷ qua. Nơi đây từng được người Paris ví von là ốc đảo nóng bức của thành phố.

Bùng binh Place de Catalogne vốn là khu vực đông đúc phương tiện giao thông qua lại suốt nhiều thập kỷ qua

Bà Anne Hidalgo - thị trưởng thành phố Paris chia sẻ: "Nhiệt độ mà người ta cảm nhận trong khu rừng nhỏ này sẽ thấp hơn 4 độ so với bên ngoài".

Cũng theo bà Anne Hidalgo - thị trưởng Paris, thành phố cũng có kế hoạch tận dụng nước mưa để tưới cho các khu rừng.

Thành phố Paris có kế hoạch tận dụng nước mưa để tưới cho các khu rừng

Trong những năm gần đây, khu vực bùng binh Place de Catalogne đã được chuyển đổi thành một nút giao thông thân thiện và là điểm khởi đầu của các "làn đường xanh" dành cho xe đạp dẫn đến vùng ngoại ô phía Nam. Sau khi dự án ở Place de Catalogne thành hình vào tháng 6/2024, một số địa điểm tương tự sẽ được thiết lập, bao gồm phía trước tòa thị chính Paris.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/cong-vien-la-dien-mao-va-suc-song-moi-cua-do-thi-222907.htm