Công ước ASEAN: Chung tay phòng chống mua, bán người

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm thực hiện Công ước ASEAN phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ngày 11/7/2023, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tiếp nhận đơn trình báo của nạn nhân Lý Thị M., sinh năm 2003, dân tộc Mông, trú tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái về việc bị một nhóm đối tượng lừa sang Trung Quốc để bán. Với thủ đoạn lên mạng xã hội facebook tìm kiếm “con mồi”, rồi tiếp cận làm quen, tán tỉnh yêu đương, khi đã tạo được lòng tin với nạn nhân, đưa về nhà ra mắt và đưa đi tham quan, du lịch, các đối tượng mua bán người đã móc nối với nhau để đưa người qua biên giới bán.

Qua điều tra, xác minh, khai thác thông tin từ các đối tượng: Thào A Dơ (sinh năm 1988, dân tộc Mông, trú tại xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn), Sùng A Sì (sinh năm 1973, dân tộc Mông, trú tại xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn), Hoàng Thị Duyến (sinh năm 1991, dân tộc Giáy, trú tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát) cho thấy đây là hành vi phạm tội có tổ chức của một đường dây mua bán người qua biên giới tại Lào Cai. Ngày 31/7/2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mua bán người xảy ra tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai và tổ chức điều tra theo thẩm quyền…

 Tiếp nhận các nạn nhân bị mua bán trở về qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

Tiếp nhận các nạn nhân bị mua bán trở về qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.

Từ tháng 1/2021 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ mua bán người xảy ra trên địa bàn, với tổng số 28 đối tượng, trong đó đã đưa ra xét xử 26 bị cáo là người dân tộc thiểu số; 4 bị cáo là nữ; 14 bị cáo có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi. Các vụ án, vụ việc về mua bán người đều được tiến hành điều tra, xác minh theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, không bỏ lọt tội phạm, không có oan sai. Đối với các nạn nhân trong vụ án mua bán người, trẻ em gái bị bóc lột tình dục đều được áp dụng quy trình điều tra thân thiện tại phòng Điều tra thân thiện (đặt tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai) với sự trợ giúp về pháp lý của trợ giúp viên pháp lý, người thân của bị hại.

 Nạn nhân bị mua bán trở về được tỉnh Lào Cai hỗ trợ nơi ở, chăm sóc y tế, học nghề, hỗ trợ tìm việc làm.

Nạn nhân bị mua bán trở về được tỉnh Lào Cai hỗ trợ nơi ở, chăm sóc y tế, học nghề, hỗ trợ tìm việc làm.

Ông Nguyễn Tường Long, Giám đốc Ban Quản lý Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Giám đốc Nhà nhân ái Lào Cai (Sở Lao động, Thương binh và xã hội) cho biết: Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 38 nạn nhân. Đối với các nạn nhân có nhu cầu trở về nơi cư trú, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, đơn vị tiếp nhận sẽ kết nối với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với gia đình đưa, đón nạn nhân trở về nơi cư trú an toàn, ổn định cuộc sống.

Các nạn nhân bị mua bán trở về có nguyện vọng vào Cơ sở hỗ trợ nạn nhân của tỉnh đều được hỗ trợ đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định, như tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ học nghề, học văn hóa theo nhu cầu, đúng quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.

Mặc dù công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh đã được cải thiện nhưng còn hạn chế do thủ tục tư pháp, rào cản ngoại giao, ảnh hưởng tới tiến độ điều tra vụ án. Công tác tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân ở khu vực vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vì trình độ am hiểu pháp luật của một số người dân còn hạn chế.

 Ban Quản lý dự án “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai phối hợp với Trường THCS Quang Kim (Bát Xát) tổ chức truyền thông “Nâng cao nhận thức phòng, chống mua, bán người” cho các em học sinh.

Ban Quản lý dự án “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai phối hợp với Trường THCS Quang Kim (Bát Xát) tổ chức truyền thông “Nâng cao nhận thức phòng, chống mua, bán người” cho các em học sinh.

Để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện thường xuyên và đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức tuyên truyền. Trong giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 8.796 buổi cả trực tiếp và trực tuyến với tổng số 359.520 lượt người tham gia; 6 diễn đàn về phòng, chống mua bán người với 6.245 lượt người dân, giáo viên và học sinh, sinh viên tham gia; cấp phát 11.950 cuốn tài liệu, 1.700 cuốn sổ tay “Bài học từ những câu chuyện về mua bán người”, lắp đặt 1.850 pa nô tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm...

Qua đó, người dân đã cung cấp 713 nguồn tin có liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, trong đó có 320 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người.

 Ngành chức năng tỉnh Lào Cai tích cực tuyên truyền công tác phòng chống mua, bán người tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Ngành chức năng tỉnh Lào Cai tích cực tuyên truyền công tác phòng chống mua, bán người tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về các thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người cho người dân; kịp thời xác minh, xử lý tội phạm mua bán người; làm tốt việc hỗ trợ nạn nhân… góp phần kiềm chế tội phạm mua bán người, ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cong-uoc-asean-chung-tay-phong-chong-mua-ban-nguoi-post376862.html