Công tích các thái giám triều Lê qua di sản văn bia

Trong lịch sử, Bắc Giang là miền đất sinh ra nhiều thái giám có đóng góp nổi bật trong việc bảo vệ cương thổ và xây dựng quê hương đất nước. Di sản của họ để lại cho hậu thế là những công trình kiến trúc, di sản tư liệu văn bia có giá trị đặc biệt.

Trong gần hai thế kỷ (1593 - 1788), bia ký Bắc Giang đã ghi danh tước của hơn một trăm vị quan thái giám. Qua văn bia thời Lê ở Bắc Giang cho thấy sự đóng góp tiền của các quan thái giám cho làng xã thời Lê Trung Hưng rất lớn.

Họ thường công đức để trùng tu tôn tạo đình, chùa làng và các công trình phúc lợi công cộng. Họ là lớp người có điều kiện để đóng góp giúp đỡ làng xã giải quyết những khó khăn về kinh tế nên được nhiều làng xã tôn vinh, phụng thờ.

 Lăng đá Phương Quận công Ngọ Công Quế (xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa).

Lăng đá Phương Quận công Ngọ Công Quế (xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa).

Sự ra đời của hàng trăm ngôi chùa, ngôi đình, sinh từ, lăng mộ đá có quy mô kiến trúc đồ sộ nay đã là các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với công lao của các quan thái giám.

Nó được xem là hiện tượng văn hóa đặc thù ở xứ Bắc. Tính từ triều vua Hoằng Định (1601 - 1619) đến niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1787) trải 11 đời vua và đặt/dùng 20 niên hiệu thì hầu hết các niên đại đều xuất hiện văn bia khắc ghi những đóng góp của quan thái giám cho việc xây dựng, tôn tạo các công trình kiến trúc của cộng đồng làng xã.

Khảo sát một số văn bia thời Lê ở Bắc Giang, công tích của quan thái giám được phản ánh rất rõ. Văn bia Cấp nghĩa điền ngân hứa Bình Chương xã khắc ghi công tích Lân Quận công Lương Đăng Minh người xã Bình Chương (nay là thôn An Thịnh, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng).

Ông được 4 làng xã ở huyện Yên Dũng thờ làm Thành hoàng. Vào năm 1649, Lân Quận công có nhiều công lao phò giúp phủ Chúa, được chúa Trịnh Tráng tin dùng phong tước cho ông nội và bố mẹ hai bên nội ngoại...

Ông cấp ruộng, bạc xây đình cho bản xã, lại cúng 6 mẫu ruộng và 40 nén bạc để chi dùng vào việc chung. Và, 11 năm sau (1660), vì: “Ngài muốn để tiếng thơm cho hậu thế, nên bỏ tiền ra dựng miếu thờ Thành hoàng và 50 nén bạc, ruộng sản lượng 136 gánh, 3 cái ao. Dân xã ghi nhớ công ơn, tôn ông làm hậu Thần, phối thờ ở miếu phúc thần”.

Phương Quận công Ngọ Công Quế người xã Quế Trạo xưa (nay là xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa) được 5 văn bia khắc ghi công đức của ông với quê hương. Văn bia Linh Quang từ chỉ chi bi (1697) khắc ghi vào năm 1694, ông bỏ tiền giúp dân xã làm tòa đình ngói, đến năm 1697 ông ban cho huệ điền sản lượng 200 gánh và ruộng hương hỏa sản lượng 10 gánh, 400 quan tiền sử, vì vậy được bầu làm hậu Thần. Đến năm 1701 ông lại cho ruộng sản lượng 100 gánh, ruộng hương hỏa sản lượng 14 gánh, 400 quan tiền sử.

Văn bia Phúc Nham tự tam bảo thị bi ở chùa thôn Ngọc Lâm (TP Bắc Giang) tạo năm Thịnh Đức 4 (1656) lại ghi việc xin miễn thuế để giảm khó khăn cho dân: Chợ Phúc Nham, huyện Yên Dũng ở cạnh chùa Phúc Nham, thuộc sở hữu của nhà chùa.

Trước đây bị nha lại ức hiếp thu thuế, gần đây nhờ quan Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Nội phủ giám, Đô Thái giám, Chưởng giám, Đô đốc Ninh Quận công Thân tướng công, tâu lên nhà Chúa, xin lệnh chỉ miễn cho.

Nay chùa có việc sửa chữa, ông lại cúng 250 quan tiền sử, một số người giàu sang trong xã cũng đóng góp tiền để chi phí. Vậy dựng bia kỷ niệm, ghi công những người đóng góp tiền của.

Ngoài ra, còn rất nhiều thái giám thời Lê ở Bắc Giang khắc ghi công trạng trên văn bia. Văn bia Bắc Giang là nguồn tư liệu chính, rất phong phú để các nhà quản lý văn hóa khai thác, phát huy giá trị.

Nhiều di sản văn hóa là các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, các công trình phúc lợi cộng đồng ở các làng xã Bắc Giang còn tồn tại đến ngày nay là nhờ tâm đức và sự đóng góp rất lớn của các quan thái giám.

Nguyễn Văn Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/dulichbg/tu-lieu-bac-giang/320311/cong-tich-cac-thai-giam-trieu-le-qua-di-san-van-bia.html