Công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng

Sau khi các Luật được ban hành, công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống sớm phát huy hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã trình bày Báo cáo tóm tắt tham luận về công tác chuẩn bị triển khai Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước năm 2024 - Ảnh: VGP/ĐH

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã trình bày Báo cáo tóm tắt tham luận về công tác chuẩn bị triển khai Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, năm 2023, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung cao độ xây dựng, hoàn thiện trình cơ quan có thẩm quyền các dự án Luật quan trọng.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (Luật số 28/2023/QH15). Đây là đạo luật với nhiều điểm mới, bước tiến lớn trong phương thức quản trị hiệu quả, bền vững tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; thay đổi tư duy, phương thức quản trị, quản lý tổng hợp, thống nhất bằng công cụ kinh tế trên nền tảng công nghệ số và hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định.

Đặc biệt, ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Sau khi các Luật được ban hành, công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống sớm phát huy hiệu quả. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động xác định rõ nhiệm vụ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành 2 đạo luật nêu trên, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu là: Tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.

Về tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, ngay sau khi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương cung cấp các điểm mới, những nội dung cơ bản của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước để phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hội nghị nghe Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã trình bày Báo cáo tóm tắt tham luận về công tác chuẩn bị triển khai Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước năm 2024 - Ảnh: VGP/ĐH

Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương trong việc tuyền truyền, phổ biến Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước bằng nhiều hình thức phù hợp. Đặc biệt, ngày 6/3/2024, Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước…

Về triển khai các đề án thí điểm, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng 2 đề án thí điểm gồm: Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác (thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội) và Đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy…

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng cho biết một số nội dung trọng tâm sẽ triển khai trong năm 2024 như: tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, thành phố; xây dựng Kịch bản nguồn nước…

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước để nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/cong-tac-to-chuc-thi-hanh-luat-la-khau-het-suc-quan-trong-102240307104119274.htm