CÔNG TÁC THAM MƯU, GIÚP VIỆC CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI NGÀY CÀNG ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUA CÁC NHIỆM KỲ

Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc của Quốc hội. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Văn phòng Quốc hội liên tục có nhiều cải tiến, đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ toàn diện các mặt công tác của Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội

Quá trình phát triển của Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ

Ngày 16/1/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 87-NQ/TVQH quy định cơ quan giúp việc cho Quốc hội là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Văn phòng đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân ngày càng vững mạnh, giúp Quốc hội thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội nhằm xây dựng và bảo vệ vững chức miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng và thống nhất nước nhà. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân cả nước đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.

Hiến pháp 1980 được Quốc hội ban hành quy định Hội đồng Nhà nước là cơ quan Thường trực của Quốc hội và là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 7/1981, Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội trở thành Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước có trách nhiệm phục vụ mọi hoạt động của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Tiếp đó, theo quy định của Hiến pháp 1992, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập lại là Cơ quan thường trực của Quốc hội. Ngày 26/9/1992, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 01/UBTVQH về việc đổi tên Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thành Văn phòng Quốc hội với chức năng, nhiệm vụ đầy đủ hơn, đến Nghị quyết 02/UBTVQH ngày 17/10/1992 Văn phòng Quốc hội được kiện toàn các vụ chuyên môn giúp việc Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trong giai đoạn từ 1992 đến 2003, Văn phòng Quốc hội đã có nhiều đổi mới, cải tiến để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ.

Ngày 1/10/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 417 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội. Hoạt động của Văn phòng Quốc hội thực sự có bước phát triển vượt bậc, không chỉ tăng về số lượng công việc mà chủ yếu là công tác tham mưu, phục vụ đã đạt được chất lượng, hiệu quả cao hơn, đi vào nề nếp.

Đến năm 2012, trước những yêu cầu tiếp tục đổi mới, cải tiến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó dành toàn bộ Điều 8 quy định về những cải tiến, đổi mới công tác bảo đảm liên quan trực tiếp đến Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân.

Tiếp theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 618/2013/UBTVQH sửa đổi một số điều của Nghị quyết 417/2003/UBTVQH để tổ chức Văn phòng Quốc hội theo nguyên tắc phân công rõ chức năng, nhiệm vụ để phục vụ một cách có hiệu quả hơn các hoạt động của Quốc hội. Đến năm 2014, Luật Tổ chức Quốc hội đã thành lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội, đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội.

Công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng Quốc hội ngày càng đổi mới, nâng cao về chất lượng

Nhiều đổi mới, cải tiến trong tổ chức, hoạt động của Văn phòng Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại

Nghiên cứu về nội dung này, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, những năm gần đây, Văn phòng Quốc hội có nhiều đổi mới, cải tiến trong tổ chức, hoạt động, quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội trong cải tiến quy trình lập pháp, nâng cao hiệu quả tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật; tăng tính chủ động, dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật;… Nghiên cứu, đề xuất áp dụng nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực về cải tiến, đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; Phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về lựa chọn nội dung, cách thức tiến hành giám sát… góp phần giúp Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát thường xuyên hơn, chất lượng và hiệu quả được nâng lên, tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức xúc của thực tiễn cuộc sống, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Đồng thời, Văn phòng Quốc hội còn tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của nhân dân. Tham mưu, phục vụ Quốc hội tổ chức công tác đối ngoại đúng trọng tâm và hiệu quả. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các hoạt động tham mưu, phục vụ của Văn phòng Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của Quốc hội, ĐBQH. Đã có nhiều đổi mới, cải tiến trong việc tham mưu, phục vụ các chương trình làm việc, các hoạt động cũng như về quy trình, thủ tục thực hiện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức nghiệp vụ thư ký ngày càng bài bản; hiệu quả, việc tổng hợp ý kiến của ĐBQH nhanh chóng, kịp thời, chính xác,…

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII

Ngoài ra, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng còn cho rằng, Văn phòng Quốc hội đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng nhiều phần mềm như Thư viện số, phần mềm đăng ký phát biểu, tranh luận; phần mềm cung cấp thông tin, tư liệu, tra cứu nhanh; phần mềm nhận dạng tiếng nói. Đặc biệt, lần đầu tiên, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu, tổ chức, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội họp trực tuyến diễn ra an toàn, thông suốt.

Công tác thông tin, tuyên trình về hoạt động của Quốc hội được chú trọng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý báo chí; việc tổ chức thông tin tuyên truyền khác được tăng cường, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và sự ủng hộ đối với các quyết sách của Quốc hội, đưa chính sách, pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Quốc hội, ĐBQH với cử tri, với nhân dân.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Văn phòng Quốc hội

Đặc biệt, trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Văn phòng Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, cải tiến mạnh mẽ trong công tác tham mưu, giúp việc Quốc hội. Với vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội đã triển khai, thực hiện và hoàn thành nhiều yêu cầu, nhiệm vụ khá nặng nề, trong đó có những nội dung đột xuất, mới, khó, phức tạp. Tập thể và từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng đã không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống, đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới, cải tiến cách thức làm việc theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn, thúc đẩy tư duy sáng tạo, ý chí phấn đấu, nâng cao năng lực dự báo tình hình và kịp thời phản ứng đối với nhiều vấn đề phát sinh, chủ động tham mưu, đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp...

Ghi nhận và đánh giá cao những kêt quả đạt được của Văn phòng Quốc hội, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công việc của Văn phòng Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, hướng tới một Quốc hội ngày càng phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền; quy trình, quy phạm chuẩn mực hơn, từ phong cách, thái độ làm việc đều chuyên nghiệp hơn.

Như vậy, kể từ giai đoạn sơ khai, trải qua các nhiệm kỳ Quốc hội, đến nay cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội ngày càng được hoàn thiện; chất lượng công tác tham mưu, giúp việc không ngừng được nâng lên; đáp ứng yêu cầu đổi mới Quốc hội trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-van-phong-quoc-hoi.aspx?itemid=83674