Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương - Trên 'nóng', dưới cũng đang 'nóng'

Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), trong năm 2023, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp đẩy mạnh PCTNTC và đạt được nhiều kết quả.

Công phá vào những lĩnh vực khó

Theo đánh giá của Ban Nội chính Trung ương-Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, các Ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã triển khai quyết liệt, toàn diện, từ công tác phát hiện, xử lý đến phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, các địa phương đẩy mạnh PCTNTC trong những lĩnh vực khó, phức tạp, những vụ việc tồn đọng kéo dài. Tập trung chỉ đạo tăng cường, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên sai phạm. Trong đó, các Ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát.

Sau hơn một năm rưỡi đi vào hoạt động, các Ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã đưa 679 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo (riêng năm 2023 có 260 vụ án, vụ việc). Các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can (tăng gần 2 lần so với năm 2022). Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài được chỉ đạo xử lý quyết liệt, dứt điểm. Trong đó, nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Đơn cử như tại Thanh Hóa, các cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh và nhiều giám đốc sở, bí thư huyện ủy...

Bên cạnh đó, các Ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại các cơ quan chống tham nhũng; chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này khi có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực. Đơn cử như tỉnh An Giang kỷ luật 15 tổ chức đảng, 72 đảng viên trong các cơ quan bảo vệ pháp luật theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khởi tố Phó chánh Thanh tra tỉnh. Ngoài ra, nhiều địa phương như Quảng Bình, Cần Thơ kỷ luật cấp phó ngành Thanh tra tỉnh; Lai Châu khởi tố Chánh Thanh tra tỉnh...

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Những kết quả trên khẳng định sự chuyển biến rõ nét, bước tiến mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; khắc phục ngày càng hiệu quả tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Giờ đây, “trên nóng” và dưới cũng đang “nóng” lên. Những kết quả đạt được góp phần tạo bước tiến mới, đột phá trong công tác PCTNTC; qua đó giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với công tác PCTNTC của Đảng.

Chia sẻ về kết quả, kinh nghiệm trong công tác PCTNTC của tỉnh Sơn La, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo PCTNTC tỉnh Sơn La cho biết, bằng nhiều biện pháp đồng bộ và tinh thần quyết tâm, năm 2023, toàn tỉnh Sơn La phát hiện 31 vụ phạm tội tham nhũng, tiêu cực với 54 bị can, tăng 20% so với trung bình các năm trước đây khi chưa có Ban chỉ đạo PCTNTC tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đông, để làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực thì trước hết phải làm tốt công tác dự báo. Ban chỉ đạo PCTNTC tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan của tỉnh tổng hợp các loại sai phạm phổ biến, những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực thông qua kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo PCTNTC tỉnh phân công một đồng chí trong Ban chỉ đạo trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan có những dạng sai phạm này tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm cho cán bộ, công chức, viên chức để làm tốt công tác phòng ngừa, tránh lặp lại sai phạm. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Sơn La quyết liệt triển khai việc ký cam kết trách nhiệm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...

Tại tỉnh Tuyên Quang, tinh thần quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực được khẳng định rõ ngay từ đầu nhiệm kỳ và được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo. Đồng chí Phùng Tiến Quân, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành nghị quyết chuyên đề về PCTNTC. Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang hết sức chú trọng, duy trì nền nếp, hiệu quả. Có thời điểm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân 2 lần/tháng; qua đó chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng, tiêu cực do nhân dân phản ánh.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2023, các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã phát hiện, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý 780 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 252 vụ án, vụ việc do các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy tự phát hiện.

Bài và ảnh: MINH MẠNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/nghi-quyet-va-cuoc-song/cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-tai-cac-dia-phuong-tren-nong-duoi-cung-dang-nong-761803