Công tác phòng, chống cháy rừng tại các tỉnh Tây Bắc: Phòng ngừa từ sớm, từ xa

Mặc dù cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Bắc đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về phòng, chống cháy rừng (PCCR), nhưng gần đây các vụ phá rừng, đốt nương dẫn đến cháy rừng vẫn có chiều hướng gia tăng.

Phòng ngừa từ sớm, từ xa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày đầu tháng 4, tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên…, nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 độ C đến 38 độ C, có nơi trên 38 độ C, độ ẩm tương đối thấp, chỉ từ 35% đến 55%. Đây cũng là thời điểm người dân đốt nương làm rẫy chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên... xảy ra hơn 10 vụ cháy rừng lớn nhỏ, gây thiệt hại hàng chục ha rừng các loại.

Hiện trường vụ cháy rừng chiều 5-4 xảy ra tại phường Chiềng An, TP Sơn La, tỉnh Sơn La.

Hiện trường vụ cháy rừng chiều 5-4 xảy ra tại phường Chiềng An, TP Sơn La, tỉnh Sơn La.

Nhằm hạn chế tình trạng đốt nương, PCCR và ô nhiễm không khí, ngày 6-4 UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Công điện số 1157 về việc tăng cường công tác đốt dọn thực bì, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, PCCR mùa khô năm 2023. Yêu cầu các địa phương tạm dừng hoạt động xử lý thực bì bằng đốt lửa kể từ ngày 6-4 đến hết ngày 15-4; thực hiện linh hoạt các biện pháp để hạn chế thấp nhất việc dọn thực bì bằng đốt lửa gây ảnh hưởng đến môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm cháy rừng.

Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả công tác PCCR, chính quyền các địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu các nguy cơ xảy ra cháy rừng. Quá trình khảo sát tại địa bàn xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, chúng tôi được biết, toàn xã Tả Phìn có tổng diện tích đất rừng trên 2.197 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 43%. Xác định được các nguy cơ dẫn đến cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô năm 2022 - 2023, UBND xã Tả Phìn đã thành lập Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng và phân công lịch trực cho các thành viên, kiểm tra công tác PCCR tại các thôn bản.

Được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn xã Tả Phìn, ông Trịnh Văn Kiên, Kiểm lâm viên, bộc bạch: “Để ngăn chặn hiệu quả nguy cơ cháy rừng, chúng tôi đã tham mưu cho địa phương thành lập các tổ chuyên trách và xây dựng kế hoạch PCCCR, gắn với từng địa bàn cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên bám nắm địa bàn, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao để kịp thời có phương án xử trí tình huống phát sinh”.

Ông Tẩn A Bình, Trưởng bản Trị Xoang, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ kể: "Hằng năm, trước khi bước vào đầu mùa khô, các Tổ trưởng của Tổ Chuyên trách cấp bản đều được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Quá trình tập huấn, các Tổ trưởng còn được tham quan diễn tập thực binh PCCCR. Sau khi được tập huấn, các tổ xây dựng kế hoạch và phân công thành viên tuần tra, kiểm tra, phát băng cản lửa để PCCR…".

Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác PCCR mùa khô hanh, kiểm lâm địa bàn và cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ của UBND huyện Sìn Hồ cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã, ban hành quy chế hoạt động của Tổ chuyên trách PCCR các bản; hướng dẫn nhân dân, các thành phần tham gia hoạt động trong rừng khi đốt dọn, xử lý hiện trường trồng rừng, làm đường băng cản lửa. Xây dựng các phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”... Do triển khai kịp thời các giải pháp và làm tốt công tác tuyên truyền, nên từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La phối hợp với các chủ rừng treo biển cảnh báo PCCR.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La phối hợp với các chủ rừng treo biển cảnh báo PCCR.

Là một trong những đơn vị được giao quản lý diện tích rừng không nhỏ tại địa bàn xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, nhiều năm nay Đồn Biên phòng Mường Lèo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) luôn chủ động làm tốt công tác phối hợp PCCR. Nói về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, Trung tá Tạ Diên Thọ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Lèo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) cho rằng, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo PCCR cấp tỉnh cũng đã thành lập các đoàn công tác, duy trì chế độ trực PCCCR 24/24 giờ, tuần tra PCCR tại các vùng trọng điểm, vùng giáp ranh, chủ động các phương tiện, dụng cụ PCCCR để sẵn sàng sử dụng khi có cháy rừng xảy ra.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện. Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các Chi cục Kiểm lâm trong thời kỳ cao điểm về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCR; tăng cường công tác phối hợp với các chủ rừng thực hiện tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và công tác PCCCR; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, hồ sơ lâm sản; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện truy xuất xác định rõ nguồn gốc lâm sản đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm Luật Lâm nghiệp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.

Thực hành xử trí tình huống chữa cháy rừng trong diễn tập tại xã Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).

Thực hành xử trí tình huống chữa cháy rừng trong diễn tập tại xã Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).

Chủ động hướng dẫn và quản lý chặt chẽ người dân trong việc đốt nương, đốt thực bì… Xây dựng, biên soạn nội dung gắn với hình ảnh tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, quản lý, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã cho các đối tượng; làm cho người dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cong-tac-phong-chong-chay-rung-tai-cac-tinh-tay-bac-phong-ngua-tu-som-tu-xa-725303