Công tác đoàn và phong trào thanh niên hiện nay - những vấn đề đặt ra (Bài 3)

Thực tế cho thấy, ngoài nguyên nhân khách quan do nhiều đoàn viên, thanh niên đi học, đi làm xa thì những nguyên nhân như bất cập về cơ chế, chính sách, quy định về độ tuổi, trình độ chính trị đối với cán bộ đoàn, đặc biệt là một số đoàn viên, thanh niên chưa có nhận thức đúng về vai trò của tổ chức đoàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, phong trào đoàn ở cơ sở.

Thực tế cho thấy, ngoài nguyên nhân khách quan do nhiều đoàn viên, thanh niên đi học, đi làm xa thì những nguyên nhân như bất cập về cơ chế, chính sách, quy định về độ tuổi, trình độ chính trị đối với cán bộ đoàn, đặc biệt là một số đoàn viên, thanh niên chưa có nhận thức đúng về vai trò của tổ chức đoàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, phong trào đoàn ở cơ sở.

Với quan điểm “Cán bộ là gốc của mọi công việc” và câu cửa miệng của nhiều người “cán bộ nào, phong trào ấy”; đặc biệt với cán bộ làm công tác đoàn thanh niên thì lại càng đúng.

Từ khi thực hiện 3 người đảm nhiệm 7 chức danh ở các thôn, bản, tổ dân phố (gọi chung là thôn), đương nhiên chức danh người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội phải kiêm nhiệm, trong đó có bí thư chi đoàn. Với những chức danh kiêm nhiệm, cụ thể ở đây là bí thư chi đoàn thôn phải kiêm nhiệm, mỗi năm tổ chức đoàn được cấp 3 triệu đồng để duy trì hoạt động chung. Tình thế buộc họ vượt lên khó khăn để làm việc với nhiệt huyết và tinh thần của tuổi trẻ.

Công tác đoàn và phong trào thanh niên hiện nay - những vấn đề đặt ra (Bài 2)

Anh Vũ Văn Giang, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Bát Xát cho biết: Trên địa bàn thị trấn từng có bí thư chi đoàn thôn sau một thời gian đảm trách nhiệm vụ đã xin thôi vì phụ cấp không có, trong khi công việc nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế gia đình.

Trường hợp khác là chị Phạm Thị Gấm xin nghỉ giữ cương vị Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng) từ tháng 3/2023 để khởi nghiệp kinh doanh tại nhà. Được biết, 7 năm chị tham gia công tác đoàn, 4 năm giữ cương vị Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã, phụ cấp hằng tháng trừ chi phí đóng bảo hiểm còn được hơn 1 triệu đồng. Đang ở tuổi 32, chỉ còn vài năm nữa là hết tuổi đoàn, mặc dù được cấp ủy đảng quy hoạch chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên xã, nhưng chị Gấm vẫn quyết định xin nghỉ. “Chưa nói đến việc quy hoạch có trở thành hiện thực hay không, cái cần nhất là thu nhập để ổn định cuộc sống hằng ngày thì không thể đáp ứng, vì vậy tôi phải tự tìm phương án cho cuộc sống của mình. Công việc kinh doanh thuận lợi, thu nhập cao hơn nhiều mà lại có thời gian chăm sóc gia đình”, chị Gấm trải lòng.

Qua tìm hiểu thực trạng tại các huyện: Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai, vấn đề được cán bộ đoàn các cấp nêu là việc cần bố trí kinh phí hoạt động cho tổ chức đoàn cơ sở và phụ cấp cho cán bộ đoàn ở thôn, tổ dân phố.

Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định, hướng dẫn về tiêu chí, quy trình đánh giá, giới thiệu đoàn viên ưu tú làm cán bộ đoàn còn nhiều bất cập, càng làm cho việc bố trí nhân sự bí thư chi đoàn ở thôn, tổ dân phố trở nên khó khăn.

Anh Nguyễn Ngọc Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Theo quy chế, độ tuổi làm cán bộ đoàn khá trẻ nên khó khăn cho công tác quy hoạch dài hạn, nhất là cán bộ chủ chốt. Ngoài ra, việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến thắt chặt việc tuyển dụng nhân sự trẻ, mới, đồng thời cũng thu hẹp cơ hội cho cán bộ đoàn khi hết tuổi công tác. Trong khi đó, tổ chức đoàn lại đòi hỏi cán bộ trẻ tuổi, điều này khiến nhiều đoàn viên không nhiệt huyết và mong muốn tham gia công tác đoàn, nhất là những đoàn viên đang là công chức tại một cơ quan, đơn vị đã có vị trí việc làm ổn định.

Thực tế khi đi tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, việc quy định tuổi nghỉ hưu chung của cán bộ, công chức tăng, trong khi quy định tuổi cán bộ đoàn vẫn giữ nguyên cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác bố trí cán bộ đoàn, nhất là ở xã, phường, thị trấn. Đối với thôn, bản, tổ dân phố, ngoài quy định độ tuổi của cán bộ đoàn còn vấn đề kiêm nhiệm thêm các chức danh khác cũng gây khó cho việc bố trí nhân sự của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Thực tế những năm qua, công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên đã được các cấp bộ đoàn trong tỉnh quan tâm, triển khai với nhiều giải pháp. Nổi bật như việc tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống cách mạng của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các đợt tình nguyện hướng về cơ sở, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, vì cuộc sống cộng đồng, hoặc hành trình tìm về địa chỉ đỏ…

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện còn một số thanh niên lười rèn luyện, thiếu động cơ, mục đích vào Đoàn. Một số đoàn viên, thanh niên nhiệt huyết nhưng lý tưởng, niềm tin vào tổ chức đoàn bị phai nhạt, không thật sự yêu tổ chức đoàn, vì thế, sau khi học xong, đi làm việc thì không tham gia sinh hoạt nữa. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 cũng đánh giá: “... hiện còn một bộ phận thanh niên chưa chuyên tâm vào việc rèn luyện, học tập, công tác, lao động sản xuất. Số ít thanh thiếu niên thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên ở một số đơn vị còn thiếu chiều sâu, chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa. Các giải pháp triển khai, cụ thể hóa các phong trào hành động cách mạng để tạo môi trường cho đoàn viên phấn đấu, rèn luyện còn thiếu cụ thể, chưa đồng bộ…”.

Anh Trần Văn Quân, Bí thư Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, trong tổng số gần 5.500 đoàn viên toàn khối, chỉ có hơn 860 là đảng viên; nhất là số lượng đoàn viên khối công nhân, học sinh - sinh viên chiếm 3/4 tổng số nhưng số lượng được kết nạp Đảng hằng năm rất thấp. Một số đơn vị chưa quan tâm đến công tác phát triển đảng viên là đoàn viên, thanh niên; một số nơi, vai trò của tổ chức đoàn trong phát triển đảng viên còn mờ nhạt, chưa tạo ra được môi trường để đoàn viên, thanh niên phấn đấu, rèn luyện.

Theo chị Long Thị Thu Hà, Bí thư Huyện đoàn Mường Khương, việc đoàn viên, thanh niên không mặn mà với phong trào, công tác đoàn có nguyên nhân từ công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Nhìn ở khía cạnh công tác tuyên truyền, việc giáo dục đoàn viên, thanh niên hiện còn cứng nhắc, rập khuôn; nội dung, phương thức hoạt động của chi đoàn cơ sở chậm đổi mới, chưa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên. Từ đó, vai trò của tổ chức đoàn chưa được phát huy, khả năng vận động, tập hợp đoàn viên, thanh niên còn hạn chế.

Còn chị Trương Thị Vân Anh, Bí thư Thành đoàn Lào Cai đánh giá, hiện nay, có một số thanh niên ở khu vực thành thị thiếu bản lĩnh, chưa có lập trường tư tưởng vững vàng; sa vào lối sống hưởng thụ, xa rời tổ chức đoàn… Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bồi dưỡng lý tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lôi kéo, làm lung lạc niềm tin của thế hệ trẻ - lực lượng kế cận của cách mạng, rường cột của nước nhà.

Những bất cập về mặt cơ chế chính sách dẫn đến khó khăn cho hoạt động, công tác đoàn không nằm trong khả năng của một địa phương, rất cần có tiếng nói chung kiến nghị Trung ương xem xét sửa đổi phù hợp. Mặt khác, các cấp bộ đoàn phải thật sự năng động, sáng tạo tìm nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên.

Nội dung: Vũ Sơn - Thành Phú
Đồ họa: Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cong-tac-doan-va-phong-trao-thanh-nien-hien-nay-nhung-van-de-dat-ra-bai-3-post371098.html