Công nghiệp Halal - thị trường mới giàu tiềm năng

Thu Thảo

BPO - Công nghiệp Halal là ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, bao gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch và thủy sản… Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp (DN)Bình Phước hoàn toàn có thế mạnh để theo đuổi và hướng đến một thị trường mới nhiều tiềm năng.

Thị trường rộng mở

Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới hiện phục vụ khoảng 2 tỷ người. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu cũng đạt tới 7.000 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Không chỉ vậy, nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… cũng ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Sản phẩm của doanh nghiệp điều Bình Phước có thể tiếp cận thị trường Halal rộng lớn. Trong ảnh: Công nhân trong giờ làm việc tại Công ty TNHH Vinahe (TX. Phước Long) - đơn vị có đa dạng sản phẩm hạt điều xuất khẩu

Sản phẩm của doanh nghiệp điều Bình Phước có thể tiếp cận thị trường Halal rộng lớn. Trong ảnh: Công nhân trong giờ làm việc tại Công ty TNHH Vinahe (TX. Phước Long) - đơn vị có đa dạng sản phẩm hạt điều xuất khẩu

Tại hội thảo phát triển ngành Halal tại tứ giác tăng trưởng Brunei - Indonesia - Malaysia - Philippines: Cơ hội hợp tác cho Bình Phước - Việt Nam vừa được Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức mới đây, ông Trần Anh Vũ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brunei Darussalam cho biết, khu vực tăng trưởng Brunei - Indonesia - Malaysia - Philippines hay còn gọi là khu vực BIMP - EAGA, bao gồm Brunei và một số tỉnh thuộc 3 nước Indonesia, Malaysia, Philippines có tiềm năng trở thành đối tác Halal quan trọng của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng.

“4 nước có tổng dân số hơn 400 triệu người và đang tích cực tăng cường kết nối kinh tế, hợp tác Halal, trong đó Brunei có thể trở thành trung tâm trung chuyển, kinh doanh của đảo Borneo và toàn BIMP - EAGA. Chứng chỉ Halal do chính quyền Indonesia, Malaysia và Brunei cấp là một trong những chứng chỉ uy tín nhất thế giới, có thể coi là công cụ rất quan trọng để sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Halal rộng lớn” - đại sứ Trần Anh Vũ cho biết.

“Thị trường Halal là thị trường đang phát triển, mức độ cạnh tranh không quá cao, rất thuận lợi cho DN vừa và nhỏ. Hơn nữa, sang năm 2024, Indonesia sẽ dời thủ đô từ Jakarta về đảo Borneo - đây là một tỉnh trong tiểu vùng BIMP - EAGA và cơ hội sẽ ngày càng lớn hơn cho Việt Nam” - ông Nasir Latif, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Transavia Development Corporation Group, Brunei phát biểu tại hội thảo.

Đẩy mạnh hợp tác

Nhu cầu sản phẩm Halal rất lớn, nhưng các DN thực phẩm của nước ta chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ. Nguyên nhân là do để đưa sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi DN phải có chứng nhận Halal cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, do sự khác biệt về tiêu chuẩn Halal ở mỗi nước, chứng chỉ Halal được xác nhận ở nước này chưa chắc đã được công nhận ở nước khác; vấn đề chi phí cho thẩm định cơ sở sản xuất Halal. Đây là những rào cản các DN gặp phải khi tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng này.

Đại biểu và doanh nghiệp tham dự hội thảo phát triển ngành Halal tại tứ giác tăng trưởng Brunei - Indonesia - Malaysia - Philippines: Cơ hội hợp tác cho Bình Phước - Việt Nam

Đại biểu và doanh nghiệp tham dự hội thảo phát triển ngành Halal tại tứ giác tăng trưởng Brunei - Indonesia - Malaysia - Philippines: Cơ hội hợp tác cho Bình Phước - Việt Nam

Tháo gỡ những khó khăn nêu trên, bà Suserena Hj Mohd Hashim, Giám đốc chuỗi cung ứng Tập đoàn Ghanim International Corporation, Brunei cho biết, DN nhỏ và vừa hoàn toàn có thể hợp tác với DN của Brunei để tận dụng chứng chỉ Halal của các DN này. Tập đoàn Ghanim International Corporation là DN của Chính phủ Brunei, chịu trách nhiệm đồng hành phát triển ngành Halal cũng như khu vực BIMP - EAGA hiện rất quan tâm đến Việt Nam. “Các DN của Việt Nam có thể hợp tác sản xuất theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Ghanim hoặc Ghanim sản xuất nhưng mang nhãn hiệu của Việt Nam. Không chỉ vậy, Ghanim có rất nhiều cơ sở sản xuất đạt chuẩn Halal và DN Việt Nam có thể thuê để sản xuất sản phẩm của mình và cùng phân phối với Ghanim” - bà Suserena Hj Mohd Hashim cho biết thêm. Đây chính là “cơ hội vàng” để DN nhỏ và vừa của Bình Phước tận dụng thâm nhập vào thị trường này.

Theo tiêu chuẩn Halal, rau đậu và các loại hạt như: đậu phộng, hạt điều… được xem là sản phẩm phù hợp với chế độ ăn uống đạo Hồi đã đề ra trong kinh Koran. Trong khi đó, với hơn 280 DN và hơn 400 cơ sở kinh doanh, chế biến hạt điều, Bình Phước được xem là trung tâm chế biến hạt điều số 1 của thế giới với chất lượng thơm ngon. Tại Việt Nam, Bình Phước là địa phương duy nhất được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hạt điều, hoàn toàn phù hợp yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn trong quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal.

Đề xuất với Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei cùng lãnh đạo các tập đoàn kinh tế và đối tác tại Brunei, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước Trần Quốc Duy nhấn mạnh, Bình Phước mong muốn được tiếp cận các kênh phân phối, đối tác phù hợp để xuất khẩu nông sản, hàng hóa tiêu biểu, đạt chuẩn Halal; đồng thời mời gọi các nhà đầu tư Brunei có uy tín đến Bình Phước tìm hiểu để đầu tư vào các dự án phù hợp, đặc biệt là xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm.

“Chúng tôi mong muốn Đại sứ quán cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế quan tâm, hỗ trợ Bình Phước triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên sâu về Halal cho tỉnh” - ông Trần Quốc Duy bày tỏ.

Tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Ả-rập Xê-út vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đã đại diện tỉnh Bình Phước ký thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh (Ả-rập Xê-út) và là 1 trong 4 địa phương của Việt Nam ký thỏa thuận này tại diễn đàn. Trong khuôn khổ diễn đàn, Công ty TNHH AISHA OUD đến từ tỉnh Bình Phước đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm trầm hương của mình và được tiếp xúc với nhiều DN là thành viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh. Đây là những bước đi đầu tiên để DN Bình Phước tiếp cận thị trường Halal giàu tiềm năng.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/149463/cong-nghiep-halal-thi-truong-moi-giau-tiem-nang