'Công nghiệp Đào tạo' - điều ước cho tương lai TP.HCM

Về mặt giáo dục và nghiên cứu, TP.HCM đang có cơ ngơi và thành tích không nhỏ. Nhưng làm sao phát triển chúng trở thành một 'Công nghiệp Đào tạo' hoàn chỉnh, chất lượng cao như thế mạnh của Boston hay Paris, Oxford và Cambridge là điều đáng suy ngẫm.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu mạch bài về vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh và giải pháp phát triển để xứng danh Hòn ngọc Viễn đông trong kỷ nguyên mới nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2024.

Xem lại bài 1: Để thực sự xứng đáng là Thành phố mang tên Bác

Xem lại bài 2: TP.HCM: Kỳ vọng tạo mô hình phát triển mới cho cả nước

Boston - Thủ đô cội nguồn của Cách mạng Mỹ còn là nơi nổi tiếng về đào tạo Y khoa, Công nghệ, Kinh doanh và Luật. Đầu tháng Tư năm nay, đến đây, dù ít thời gian, tôi vẫn ghé vào hai “địa chỉ chất xám” lừng danh là Đại học Harvard và Đại học MIT.

Ở Paris hoa lệ cũng vậy, năm 1993, lần đầu “chạm ngõ”, tôi bị hút ngay về Đại học Sorbonne - “ngôi đền học thuật” của Triết, Văn chương và các ngành Nhân văn. Đến Anh quốc, tôi và nhiều người không quên ghé Oxford và Cambridge là hai “thánh địa” Đại học, nơi chào đời nhiều nhân tài và giải thưởng khoa học.

Quả thật, thế giới có hàng trăm đại đô thị lâu đời, giàu có và xinh đẹp nhưng không phải nơi nào cũng tự hào và được bốn phương hâm mộ về sức mạnh tri thức và trí tuệ, như những “kỳ quan” kể trên.

Hơn 20 năm qua, có dịp “la cà” tại những đô thị hội tụ nhiều học đường tinh hoa toàn cầu, tôi lại bâng khuâng thầm nghĩ đến thành phố quê nhà. Vâng, Sài Gòn của tôi, trẻ trung hơn nhiều, từng được coi là “Hòn Ngọc Viễn Đông” về nhiều mặt.

Song hiện tại, có lẽ nét nổi bật và ấn tượng bao trùm của thành phố vẫn là công nghiệp và giao thương. Từ đây cho đến hết phần còn lại của nửa đầu của thế kỷ 21, ngoài vị trí trung tâm kinh tế hàng đầu, liệu thành phố đô hội bậc nhất Việt Nam còn được mọi người nhắc đến như một “lò đào tạo” tầm cỡ quốc tế hay không?

Về mặt giáo dục và nghiên cứu, TP.HCM đang có cơ ngơi và thành tích không nhỏ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Thừa kế “Đất học” xa xưa

Khi khởi động bất cứ ngành công nghiệp nào hoặc một sự nghiệp lâu dài, người ta đều tìm hiểu để thừa kế và tận dụng các “gia sản” hay đẹp của các thế hệ đi trước.

Với TP.HCM, qua 4 thế kỷ xây dựng dưới nhiều thể chế khác nhau, con cháu ngày nay may mắn có được một khối “gia sản” lớn lao từ quản trị hành chính đến quản trị kinh tế, văn hóa và giáo dục. Sài Gòn - từ lúc người Việt điều hành vào cuối thế kỷ 17, đã trở thành “Đất Học”, sau khi thành công trong việc khai phá “Đất Mới” và “Đất Nghịch”.

Mặc dù trời cho mưa gió thuận hòa, thiên nhiên trù phú nhưng tổ tiên người Sài Gòn đã khổ công học hỏi cách chung sống và mưu sinh trong hoàn cảnh cọp beo, cá sấu, sông rạch đầy hiểm nguy bất định. Trước khi Pháp xâm chiếm, năm 1859, theo Gia Định Thành Thông Chí và ghi chép của nhiều khách phương Tây, người Sài Gòn thành thạo chuyện sông nước, vườn tược và nhất là buôn bán. Không ít người làm ăn rành rọt tiếng Hoa (Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu…), tiếng Trảo Oa (Indonesia, Ấn Độ) và một số nước Tây Dương (Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp).

Không ảnh học xá Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký với hơn 30.000 m2, ra đời năm 1927 (nay là trung học chuyên Lê Hồng Phong). Ảnh tư liệu

Khu vực trung tâm của Sài Gòn là Thành Gia Định (1790) – một kiến trúc đồ sộ, lần đầu tiên kết hợp thiết kế và công nghệ Âu-Á. Năm 1815, bản đồ Sài Gòn do Trần Văn Học vẽ đã sử dụng kỹ thuật họa đồ đương đại của phương Tây.

Khi đến thăm Thủy xưởng Gia Định (Ba Son) vào năm 1819-1820, thuyền trưởng Mỹ - John White rất khâm phục nguyên liệu và chất lượng đóng tàu biển loại lớn. Trong khi ấy, từ năm 1813, Trường thi Gia Định (nay là khu đất Nhà văn Hóa Thanh Niên số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận Một) được thành lập, là nơi tổ chức thi tuyển nhân tài cho cả Nam Bộ. Thêm một nét son của “Sài Gòn – Đất Học” là vị danh sư Võ Trường Toản cùng mô hình trường lớp dân lập, dạy chữ nghĩa và đạo đức làm người, được truyền tụng cho đến bây giờ.

Học xá bốn mặt tiền của Trường nữ sinh bản xứ (Gia Long, sau này là Minh Khai) những năm 1920. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, thể chế phong kiến lạc hậu đã kìm hãm sự phát triển của Sài Gòn và cả nước. Xã hội thuần nông, tự cung tự cấp, giao thương bó hẹp, thiếu chuyên gia và nhân công trên nhiều lĩnh vực. Vậy mà, hệ thống trường lớp thuở ấy khá đơn giản, thiếu vắng kiến thức khoa học và kỹ thuật. Thêm nữa, chữ Hán phức tạp, không phải là công cụ phổ cập trong dân chúng.

Những kiến nghị của các sĩ phu thức thời như Nguyễn Trường Tộ, trong đấy nhấn mạnh phải thay đổi giáo dục, kể cả việc đưa người ra nước ngoài học hỏi ngoại ngữ, kinh doanh và “cơ xảo” (công nghệ), đều không được lắng nghe, hay thực hiện đầy đủ. Dấu ấn “học làm quan” là một trong những di hại còn ảnh hưởng xuyên suốt các đời sau.

Tích sản giáo dục hiện đại

Những điều bất cập ấy bắt đầu thay đổi, nhường bước cho một hệ thống giáo dục hiện đại hơn, khi Sài Gòn chuyển sang quyền quản trị bởi một đế quốc công thương và công nghệ hùng cường.

Trong vòng 100 năm (1859-1955), từ một thành thị phong kiến, Sài Gòn “lột xác” chuyển thành một đô thị tân tiến, khởi tạo nhiều thế mạnh trong khu vực Đông Dương và châu Á.

Xưởng đóng tàu của quân đội tại Bình Khánh, cửa ngỏ nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè của TP.HCM. Ảnh: Phúc Tiến

Trước nhất, trong 50 năm đầu, thành phố xây đắp thành công Công nghiệp Hàng hải (cảng, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền), Giao thông vận tải (đường sắt, đường thủy, đường bộ ), Chế biến Nông sản (lúa gạo, cao su, nông hải sản). Đồng thời, nhanh chóng hình thành một ngành dịch vụ hoàn toàn mới mẻ là Tài chính (Bảo hiểm,Ngân hàng và buôn bán cổ phiếu công ty). Sang đến thập niên 1950, Sài Gòn mở mang thêm nhiều ngành tiểu thủ và công nghiệp Sản xuất hàng tiêu dùng và Công nghiệp Xây dựng, Công nghiệp Hàng Không.

Để cung cấp nhân lực cho cuộc biến đổi lớn lao đó, chính quyền Pháp cùng các trí thức Tây học của Sài Gòn chung tay xây dựng một hệ thống trường lớp tân tiến chưa từng có. Hệ thống khởi động từ việc giảng dạy bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp từ cấp phổ thông cho đến các bậc học khác và các ngành học chuyên biệt.

Sân trước ở cổng vào Trung học petrus Trương Vĩnh Ký, chú ý tháp đồng hồ mang kiểu dáng của Khuê Văn Các. Ảnh tư liệu

Lần lượt trên đất Sài Gòn, ra đời các trường chuyên ngành ở trình độ cao như trường Thông Ngôn (1863), Sư phạm (1871), Hành chính (1873), Y tế thực hành (1903), Kỹ thuật công nghiệp (1904), Cơ khí và Hàng hải (1906), Mỹ thuật (1913).

Đặc biệt, ngay từ năm 1891, Sài Gòn đã có Viện Pasteur là cơ sở chế tạo vaccine, nghiên cứu bệnh nhiệt đới và đào tạo nhân viên, kỹ thuật viên trong lĩnh vực Y Sinh. Mặt khác, vào năm 1920, trường Thương mại Đông Dương được thành lập với cả hai cơ sở bổ khuyết cho nhau ở Hà Nội và Sài Gòn.

Sau 1902, Hà Nội được chọn là Thủ đô của Liên bang Đông Dương, nhiều nguồn lực chính trị và văn hóa được dồn về đây, tiêu biểu là Viện Đại học Đông Dương – thành lập năm 1917. Song Sài Gòn ở vai trò đô thị tiên phong hiện đại hóa và là một “thủ đô kinh tế” cũng đã là chiếc nôi “Đào tạo và Sáng tạo” của nhiều ngành nghề trên toàn Liên bang.

Vào năm 1954, khi đất nước tạm chia đôi, phần lớn nhân lực Viện Đại học Đông Dương và một số trường trung học danh tiếng ở Hà Nội được dời vào Sài Gòn. Trong 20 năm kế tiếp, một loạt cơ sở đào tạo hiện đại và hùng mạnh đã chào đời và phát triển nhanh chóng khắp các tỉnh thành mà cỗ máy chính yếu, lớn nhất được đặt ở Sài Gòn - thủ phủ của miền Nam.

Hệ thống Đại học của sài Gòn và miền Nam tập trung đào tạo chuyên gia của các ngành căn bản từ Sư phạm, Y tế đến Khoa học và Công nghệ, Nông Lâm, Kinh doanh và Luật, cùng các ngành Nhân văn và Nghệ thuật (không kể Chính trị và Quân sự).

Từ những năm 1970, loại hình Đại học Cộng đồng 2 năm theo lối Mỹ đã được thí điểm quanh Sài Gòn. Ngoài cấp Đại học và Cao đẳng, Sài Gòn còn có nhiều trường trung cấp đào tạo kỹ thuật viên cho các ngành công nghiệp và y tế. Ở bậc phổ thông có thêm loại hình Trung học Tổng hợp vừa dạy chữ, vừa dạy nghề.

Đáng chú ý Hải Học viện Nha Trang, có từ thời Pháp, được đặt trong đội hình của Viện Đại học Sài Gòn, chuyên huấn luyện các chuyên gia nghiên cứu biển. Trung tâm quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Đại học Bách khoa TP.HCM) bắt đầu giảng dạy Điện toán (máy tính).

Bằng cấp của Viện Đại học Sài Gòn được Mỹ và nhiều nước khác công nhận. Rất tiếc, sau chiến tranh, tất cả hệ thống đào tạo đa dạng và cởi mở của Sài Gòn và miền Nam không được tiếp quản hiệu quả. Thậm chí xáo trộn, làm uổng phí nhiều kinh nghiệm và nhân lực quý giá.

Bến Nhà Rồng, trung tâm thành phố Sài Gòn về đêm. Ảnh: Phúc Tiến

Điều ước trước tượng đài Harvard

Dẫu sao, sau tháng Tư năm 1975, tinh thần học hỏi, tác phong công nghiệp, sức sống thị trường và ý thức dân chủ vẫn là những “tài sản vô hình” tiềm ẩn bền chặt trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và ngay cả trong đào tạo. Chúng tồn tại ở Sài Gòn và miền Nam, đồng thời lan tỏa trong nhiều vùng miền.

Từ lúc đất nước đổi mới, trở lại kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, khối “gia sản” chất xám và các nề nếp đào tạo - hình thành hơn hai thế kỷ ấy đã đóng góp đáng kể trong sự hưng phục mạnh mẽ của kinh tế và doanh nghiệp của thành phố và cả nước.

Thế nhưng, cho đến nay, trước những bước chuyển lớn lao về nhiều mặt trên toàn cầu, không riêng TP.HCM mà toàn thể các tỉnh thành của Việt Nam đều mong muốn khu vực Giáo dục - Đào tạo phải được đầu tư tốt hơn, phục vụ hiệu quả hơn.

Đó cũng là niềm mong ước của tôi khi chạm tay vào tượng đài Joseph Harvard trên sân ngôi “thánh đường đào tạo”. Chắc hẳn tôi và nhiều người dân Việt Nam - có dịp tiếp cận những học đường tinh hoa của các nước tiên tiến lớn nhỏ, đều kỳ vọng đất nước phải tiến hành cải cách Giáo dục - Đào tạo sâu rộng và nhanh chóng.

Cuộc cải cách “Trồng Người” của Việt Nam đã đến lúc phải mang tính đột phá, mạnh dạn và quyết liệt để tương xứng và đáp ứng tốt nhất cho một nền kinh tế thanh xuân đang “xung độ” và những đòi hỏi cấp bách vượt qua những thử thách lớn như đại dịch virus, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và AI và các biến động địa chính trị.

TP.HCM vốn là đầu tàu kinh tế năng động bấy lâu, có nhiều “gia sản học đường” vô giá, đồng thời là cửa ngõ quốc tế về cả tài lực và nhân lực, rất cần thiết là đầu tàu của cuộc cải cách “Kiến thiết Nhân lực”. Tôi tin chính quyền và người dân thành phố sẵn sàng đồng thuận và quyết tâm xây dựng lại hệ thống trường lớp theo hướng tiên tiến và thực dụng, trở thành “Công nghiệp Đào tạo” chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Trước hết, chúng ta phải thay đổi quan niệm, không thể xem Giáo dục - Đào tạo chỉ là một phần của khu vực “Văn hóa - Xã hội” và áp dụng những chính sách điều hành như kiểu phục vụ “phúc lợi xã hội”.

Thực tế, Giáo dục – Đào tạo khi gắn với Kinh tế thị trường đã là một ngành “Công nghiệp không khói” cung ứng nhân lực có kiến thức toàn diện và giỏi nghề - giỏi kỹ năng cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Là Công nghiệp, các trường lớp đều cần đất đai và môi trường thích hợp để xây dựng các “lò đào tạo” chất lượng.

Trong quy hoạch của thành phố đến nay, vẫn còn thiếu vắng những không gian ưu tiên cụ thể cho trường lớp và kể cả các Viện nghiên cứu. Không ít người vẫn “say mê” lấy đất để làm khu du lịch, khu căn hộ cao cấp, khu thương mại sang trọng ở các nơi đồi cao, ven sông, điện - nước và cơ sở hạ tầng đầy đủ chứ không nghĩ đến làm Đào tạo hay Y tế.

Trong trung tâm thành phố, nhìn các khu đất trường học bề thế - bốn mặt tiền, với đầy đủ tiện nghi từ phòng học, sân bãi đến ký túc xá như Petrus Ký (Lê Hồng Phong), Gia Long (Minh Khai), Marie Curie, bác ái (Đại học Sài Gòn) được xây dựng từ thời Pháp, các thế hệ sau không khỏi ngạc nhiên về tầm nhìn và sự ưu ái đầu tư cho học hành của các thế hệ trước.

Hiện tại, đầu tư cho “Công nghiệp Đào tạo” cần được coi như là đầu tư cho đường cao tốc vành đai 1-2-3, cho Metro 5-7 line phủ kín thành phố. Vốn liếng - tài lực và nhân lực cho ngành Công nghiệp chất lượng cao này cần đến trước nhất từ “Nhà Nước” nhưng đồng thời còn phải mở rộng đến “Nhà Dân”.

Mong sao tất cả trường học công lập hay tư thục ở TP.HCM và các tỉnh thành khác đều được tham dự đấu thầu nhận tài trợ của chính quyền và các doanh nghiệp cùng nhiều nguồn khác trong các dự án xây dựng hoặc nâng cấp học xá, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, chỉnh trang đô thị, hỗ trợ khởi nghiệp.

Đặc biệt, khu vực Đại học - Cao đẳng của thành phố với hàng vạn sinh viên cần nêu gương trở thành những cơ sở đào tạo phi lợi nhuận thực sự. Các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào giáo dục nên chuyển sang vai trò là các nhà tài trợ thiện nguyện chứ không phải cổ đông nhằm đến cổ tức đơn thuần.

Có vậy, chúng ta mới có thể hình thành các Đại học tự chủ và tài năng như Harvard và top các trường Đại học của Mỹ hay các mô hình tương tự ở các nước công nghiệp hàng đầu.

Sẽ còn nhiều điều ước khác của tôi và những người yêu quý giáo dục, yêu quý thành phố và đất nước của mình. Chỉ mong điều đầu tiên có thể hiện thực sớm đó là đừng quên bàn thảo các yếu tố Giáo dục - Đào tạo trong khi vạch ra những dự án kinh tế, sử dụng hàng ngàn tỷ, hàng trăm tỷ tiền thuế của dân và tài nguyên – vốn không phải vô tận của quốc gia!

Phúc Tiến

Phúc Tiến

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-nghiep-dao-tao-dieu-uoc-cho-tuong-lai-tp-hcm-2275313.html