Công nghệ y tế tiên tiến của Israel nâng cao tỷ lệ sống sót với thương binh từ Gaza

A.I xem xét các bản chụp chiếu và gửi cảnh báo đến điện thoại của bác sĩ ở Sheba, trong khi tại Hadassah, những thương binh hồi phục nhanh chóng sau khi được phẫu thuật loại bỏ đạn bằng robot.

Bác sĩ Gal Yaniv bên chiếc máy tính hiển thị cách nền tảng Aidoc sử dụng AI để xác định chứng phình động mạch nhỏ có khả năng gây chết người trong não của nạn nhân vụ thảm sát lễ hội Nova hôm 7/10/2023. Ảnh: Times of Israel

Một phụ nữ 23 tuổi đã bị các tay súng Hamas bắn nhiều phát trong vụ thảm sát lễ hội âm nhạc Supernova gần khu định cư Re'im vào ngày 7/10. Một trong những viên đạn xuyên qua mắt trái của nạn nhân và găm vào bên phải não của cô.

Đến cuối ngày kinh hoàng đó, chiến binh Hamas đã tàn sát 1.200 người ở miền nam Israel, chủ yếu là dân thường. Thêm 240 người bị bắt làm con tin ở Gaza. Hàng nghìn người khác, giống như người phụ nữ tham gia lễ hội, bị thương và được đưa đến bệnh viện Israel.

Rất may, người phụ nữ trẻ đã sống sót. Cô cùng những thường dân và binh lính bị thương khác không chỉ phải cảm ơn các bác sĩ và nhân viên y tế vì đã cứu sống họ mà còn cả những công nghệ y tế mới do Israel phát triển.

Tỷ lệ tử vong của binh lính bị thương trong cuộc chiến tại Gaza hiện nay là 6,7%, thấp hơn một nửa so với tỷ lệ trong Chiến tranh Liban lần thứ hai và thấp hơn 2,5% so với Chiến dịch Vành đai Bảo vệ vào mùa hè 2014.

Kết quả này có thể là do việc sơ tán từ chiến trường đến bệnh viện nhanh hơn và thiết bị bảo hộ tốt hơn. Tuy nhiên, những tiến bộ y tế dựa trên công nghệ mới được phát triển kể từ các cuộc xung đột trước đó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ sống sót.

Một binh sĩ Israel bị thương trong cuộc chiến với Hamas, đang điều trị tại trung tâm phục hồi chức năng bệnh viện Sheba. Ảnh: AP

AI hỗ trợ mạnh mẽ điều trị bệnh nhân

Khi được đưa đến Trung tâm Y tế Sheba ở Ramat Gan, người phụ nữ tham dự lễ hội âm nhạc đã trải qua nhiều lần chụp chiếu và các bác sĩ phát hiện vị trí xuất huyết ở một trong các động mạch não của cô.

Bác sĩ Gal Yaniv, trưởng khoa phẫu thuật nội mạch tại bệnh viện Sheba, cho biết: “Tôi nhận được thông báo khi có bệnh nhân xuất huyết não đến khám vào ngày hôm đó”.

Thông báo đó không phải từ các đồng nghiệp của anh tại bệnh viện mà là một cảnh báo tự động đến máy tính và ứng dụng trên điện thoại của anh nhờ nền tảng trí tuệ nhân tạo có tên Aidoc.

Giáo sư Leon Kaplan thực hiện ca phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu có sự hướng dẫn của robot để lấy viên đạn ra khỏi cơ thể người lính bị thương, vào tháng 12/2023. Ảnh: Times of Israel

Mỗi lần thủ tục chụp quét được thực hiện tại Sheba đều được đẩy qua một máy chủ chuyên dụng được lập trình bằng công nghệ phát hiện bệnh lý của Aidoc. Bác sĩ X quang cũng sẽ đọc kết quả quét, nhưng Aidoc hoạt động nhanh hơn, và điều đó cực kỳ quan trọng khi mọi khoảnh khắc đều có giá trị cứu mạng bệnh nhân.

“Thời gian là sự sống. Aidoc gửi thông báo đến bác sĩ có liên quan dù họ ở đâu để xem xét vấn đề. Khi họ được nó, họ có thể xem kết quả chụp chiếu của bệnh nhân và bắt đầu lên kế hoạch điều trị cũng như các biện pháp can thiệp cần thiết ngay lập tức”, Yaniv nói.

Vị bác sĩ này cho biết: “Trong một sự kiện thương vong hàng loạt như ngày 7/10 và chiến tranh, Aidoc đặc biệt hữu ích trong việc hỗ trợ chúng tôi phân loại và ưu tiên chăm sóc bệnh nhân”.

Yaniv là nhà đồng sáng lập và giám đốc y tế tại Aidoc, nơi cung cấp 17 giải pháp AI về quang học (X-quang, chụp cắt lớp vi tính và siêu âm). Công ty được thành lập tại Sheba vào năm 2016 và công nghệ của họ được sử dụng tại bệnh viện từ năm 2018. Hiện có khoảng 1.200 bệnh viện trên toàn thế giới đang sử dụng nền tảng này.

Nhờ công nghệ AI tiên tiến này, nhóm bác sĩ thần kinh - mạch của Sheba đã có thể hành động nhanh chóng trong trường hợp nữ nạn nhân vụ 7/10 kể trên. Chụp động mạch đã phát hiện một vị trí phình động mạch nhỏ ở xa trong não của cô và phải đóng lại ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng vỡ bục nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Yaniv nói: “May mắn là mọi thứ đã được phát hiện kịp thời, được điều trị đúng cách và cô gái trẻ hiện đang hồi phục sau chấn thương này cũng như những vết thương khác tại trung tâm phục hồi chức năng của chúng tôi”.

Sử dụng robot phẫu thuật để loại bỏ đạn và mảnh đạn

Tại Trung tâm Y tế Hadassah ở Jerusalem, Tiến sĩ Josh Schroeder, trưởng khoa phẫu thuật dị tật cột sống, đã sử dụng robot trong công việc của mình cả thập kỷ qua.

“Phẫu thuật cột sống bằng robot để điều trị chứng vẹo cột sống và các dị tật khác là sống còn với chúng tôi. Chẳng hạn, robot sẽ hướng dẫn chúng tôi đặt vít ở đốt xương”, ông Schroeder nói.

Mặc dù công nghệ robot phẫu thuật đã xuất hiện khá lâu, phải đến cuối tháng 12/2023, ông Schroeder cùng với Giáo sư Leon Kaplan và Giáo sư Meir Liebergall mới sử dụng nó theo một cách mới để điều trị cho một người lính bị đạn mắc kẹt trong xương cùng – vốn là khối xương hình tam giác lớn ở cuối cột sống.

Để lại viên đạn trong cơ thể không phải là một lựa chọn vì nó sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh chạy xuống chân và còn có thể dẫn đến ngộ độc chì.

“Người lính ban đầu được đưa đến một bệnh viện khác và họ nói rằng họ chỉ có thể phẫu thuật bằng cách mổ phanh. Chúng tôi nói rằng chúng tôi có thể thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu với sự hỗ trợ của robot. Sẽ mất không quá một tiếng rưỡi thay vì nửa ngày. Và quá trình phục hồi sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều”, ông Schroeder cho biết.

Các bác sĩ phẫu thuật ở Hadassah đã sử dụng hệ thống hướng dẫn bằng robot Mazor do công ty Medtronic của Israel bán. Mỗi cơ sở của Hadassah ở Jerusalem lại có một robot như vậy. Ca phẫu thuật lấy viên đạn ra khỏi người người lính được thực hiện tại bệnh viện Ein Kerem.

Viên đạn được lấy khỏi khỏi người lính IDF bằng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có sự hướng dẫn của robot. Ảnh: Times of Israel

Nhóm đã tải lên các bản chụp cắt lớp vi tính từ trước khi phẫu thuật và hai kiểu chụp X-quang trong ca phẫu thuật. Robot đã hợp nhất tất cả thông tin đầu vào này và tính toán vị trí chính xác để đi vào và lấy viên đạn ra.

Tiến sĩ Schroeder cho biết: “Chúng tôi cũng đã sử dụng robot để thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nhằm khắc phục các vết gãy ở cột sống của người lính, loại bỏ các mảnh đạn và điều trị nhiều vết thương khác nhau cho các nạn nhân vụ 7/10”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể làm được điều này vì robot cung cấp cho chúng tôi đường đi hoàn hảo để khắc phục sự cố”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Times of Israel)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cong-nghe-y-te-tien-tien-cua-israel-nang-cao-ty-le-song-sot-voi-thuong-binh-tu-gaza-20240117194929152.htm