Công nghệ tên lửa Houthi sử dụng có nguồn gốc từ đâu?

Lực lượng vũ trang Houthis của Yemen đã tấn công tên lửa vào 21 tàu đi qua khu vực Biển Đỏ, khiến giao thông qua khu vực này đình trệ; câu hỏi đặt ra là tên lửa của Houthi có nguồn gốc từ đâu?

Lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen thông báo đã tấn công 21 tàu chiến và tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ, trong đó có nhiều tàu chở hàng và tàu chiến của phương Tây.

Đánh giá từ các thông tin công khai, mặc dù được sự hộ tống của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ và Anh, nhưng tên lửa của Lực lượng vũ trang Houthi vẫn bắn trúng nhiều tàu chở hàng trên Biển Đỏ.

Khó khăn của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ không phải là việc bảo vệ với tàu chở hàng, mà là khu vực này có địa hình phức tạp; khi các tàu hàng phải theo một luồng nhất định, trong khi địa hình ven bờ hiểm trở, có thể bố trí bí mật các bệ phóng tên lửa chống hạm.

Mặc dù có sự xuất hiện của tàu sân bay USS Eisenhower và 5 tàu chiến trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của Hải quân Mỹ và Anh, nhưng tên lửa chống hạm của Houthi liên tục đột phá thành công, đánh trúng các tàu chở hàng di chuyển trên Biển Đỏ; thậm chí là cả tàu chiến của Anh.

Cuộc tấn công bừa bãi của lực lượng vũ trang Houthi vào các tàu chở hàng trên Biển Đỏ cũng đã cho thế giới thấy được sức mạnh thực sự của tên lửa có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nga; nhưng sâu sa hơn là của Liên Xô.

Trên thực tế, tên lửa của lực lượng vũ trang Houthi đến từ Iran; trong khi công nghệ tên lửa của Iran đến từ Trung Quốc và Nga, và đó là công nghệ tên lửa tương đối lạc hậu của Trung Quốc và Nga, đều được phát triển từ thập niên 1960 đến 1980.

Ví dụ, vào những năm 1980, Trung Quốc đã xuất khẩu tên lửa chống hạm C-802 và công nghệ sản xuất loại tên lửa này sang Iran. Kể từ đó, Iran đã phát triển nhiều loại tên lửa chống hạm dựa trên tên lửa mẫu C-802.

Trong số đó, phiên bản nâng cấp C-802 là tên lửa chống hạm Noor của Iran, vào năm 2006 đã được lực lượng vũ trang Hezbollah ở Liban, bắn trúng tàu khu trục Harnit của Israel bằng 2 tên lửa liên tiếp, làm hư hại con tàu này.

Vào những năm 1990, Iran đã sử dụng công nghệ tên lửa phòng không Hongqi 2 (Hồng Kỳ 2) của Trung Quốc để phát triển tên lửa đạn đạo chiến đấu tầm ngắn M7; mà thực chất tên lửa Hồng Kỳ 2 chính là mẫu tên lửa SAM-2 của Liên Xô.

Đồng thời, hai hệ thống tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn có trọng lượng lớn là Fatah và Conqueror của Iran, cũng có nguồn gốc sâu từ tên lửa Scud của Liên Xô, được Iran nhập qua ngả Triều Tiên vào thập niên 1980.

Tên lửa đạn đạo chống hạm mà lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen sử dụng có nguồn gốc từ Iran, công nghệ tên lửa đạn đạo chống hạm của Iran là từ Liên Xô, từ những năm 1970, 1980. Công nghệ tên lửa sớm nhất của Liên Xô được Iran sử dụng, chính là mẫu tên lửa đạn đạo Scud-D.

Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980 - 1988), để đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Baghdad, Iraq đã bắn 190 tên lửa Scud vào Iran, điều này có thể đã góp phần mang lại một cuộc đàm phán hòa bình thuận lợi hơn cho Iraq.

Kể từ đó, Iran bắt đầu mua công nghệ tên lửa Scud từ nhiều nguồn khác nhau. Iran đã phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm dựa trên công nghệ tên lửa đạn đạo Scud-D với nhiều mẫu khác nhau, biến Iran thành “cường quốc” tên lửa ở khu vực Trung Đông.

Vào những năm 1970, Cục thiết kế đặc biệt số 385 của Liên Xô đã bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm P-33, được trang bị dẫn đường hỗn hợp (chủ động-thụ động) và đầu tự dò đầu cuối. Mấu chốt của tên lửa P-35 là hệ thống tìm kiếm tự động mục tiêu trên đầu tên lửa.

Khi tên lửa đạn đạo P-35 quay trở lại bầu khí quyển ở độ cao dưới 30 km, lúc này hệ thống tìm kiếm mục tiêu tự động bắt đầu hoạt động, có thể tìm kiếm các mục tiêu lớn hơn 20 mét vuông trên biển để tấn công. Thậm chí đầu thu của tên lửa P-35 có thể chặn thụ động radar hoặc tín hiệu vô tuyến của đội hình tàu địch, để hiệu chỉnh tọa độ vị trí của chúng.

Tên lửa đạn đạo chống hạm của Iran là công nghệ cũ của tên lửa Liên Xô. Do đó, đặc tính kỹ thuật của tên lửa đạn đạo chống hạm mà lực lượng Houthi sử dụng gần như giống với tên lửa của Liên Xô. Tốc độ ở giai đoạn cuối của tên lửa không cao vì phải dựa vào hệ thống tìm kiếm tự động để tìm kiếm mục tiêu, tốc độ quá nhanh rất dễ bỏ sót.

Tên lửa đạn đạo chống hạm trong giai đoạn cuối có tốc độ khoảng 2 Mach, độ cao hơn 30 km và góc khi rơi tương đối lớn; do vậy việc đánh chặn loại tên lửa này của các hệ thống phòng không trên tàu chiến là tương đối khó khăn so với các loại tên lửa chống hạm hành trình.

Do tên lửa đạn đạo chống hạm sử dụng công nghệ dẫn đường quán tính + thiết bị đầu cuối quang học, nên sự can thiệp bằng các phương pháp tác chiến điện tử của Hải quân Mỹ sẽ không có tác dụng gì cả.

Hiện nay, tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chống hạm và công nghệ tên lửa phòng không của lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen, đều đến từ Iran. Trong khi công nghệ tên lửa của Iran đến từ công nghệ cũ của Trung Quốc và Nga nhưng vũ khí phòng không Mỹ và phương Tây cũng khó đánh chặn. Ảnh: Wikipedia, CNN, Sina.

Tiến Minh (Theo CNN, Sina)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cong-nghe-ten-lua-houthi-su-dung-co-nguon-goc-tu-dau-1954729.html