Công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine: Hứa hẹn tương lai mũi tiêm kết hợp phòng Covid-19 và cúm

Theo báo The Times (Mỹ), các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển các mũi tiêm vaccine kết hợp phòng Covid-19, bệnh cúm mùa và các loại virus khác.

Việc áp dụng công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine Covid-19 để sản xuất vaccine phòng bệnh cúm sẽ mang lại hiệu quả phòng ngừa tốt hơn trước các chủng virus cúm luôn thay đổi. (Nguồn: Houston Methodist)

Việc áp dụng công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine Covid-19 để sản xuất vaccine phòng bệnh cúm sẽ mang lại hiệu quả phòng ngừa tốt hơn trước các chủng virus cúm luôn thay đổi. (Nguồn: Houston Methodist)

Thời gian gần đây, các công ty dược phẩm lớn như Moderna, Sanofi, Pfizer/BioNTech... đã nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine phòng bệnh cúm dựa trên công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine Covid-19.

Dù cúm được xem như một loại bệnh theo mùa quen thuộc, không lây lan mạnh như Covid-19 nhưng là nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn người tử vong hàng năm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, hàng năm, thế giới có từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong liên quan đến cúm mùa. Chỉ riêng tại Mỹ, con số này từ 12.000 đến 52.000 ca.

Được biết, các loại vaccine phòng cúm hiện nay đều sử dụng chủng virus bất hoạt được đưa và cơ thể người để kích thích sinh kháng thể. Quá trình sản xuất loại sinh phẩm này phải mất mất hàng tháng để nuôi trong trứng gà với quy trình kiểm soát nghiêm ngặt.

Trong khi đó, để dự đoán chủng chủ đạo của mùa, các nhà khoa học thường phải xem xét bốn chủng cúm khác nhau trước khi mùa cúm thực sự bắt đầu.

Dựa theo dự báo về chủng virus cúm chủ đạo, các nhà sản xuất vaccine sẽ nhận được mẫu virus "ứng viên" dùng để chế tạo vaccine. Mẫu virus đó sẽ được tiêm vào các quả trứng gà đã được thụ tinh, từ đó chiết xuất các mẫu virus bất hoạt để chế tạo vaccine.

Vaccine phòng cúm mùa tuy đã được các hãng sản xuất từ lâu nhưng không đạt hiệu quả cao như mong muốn của các cơ quan y tế. Từ năm 2004-2019, hiệu quả của vaccine cúm dao động từ 10-60%, trong đó, vaccine cho mùa cúm 2018- 2019 chỉ đạt 29%.

Kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, hai hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech và Moderna đã phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ mRNA, cho phép rút ngắn thời gian sản xuất so với công nghệ bất hoạt thông thường.

Nếu ứng dụng công nghệ mRNA, các hãng dược phẩm có thể sản xuất vaccine cúm với thời gian ngắn, có thể cung cấp được sản phẩm gần với thời gian bắt đầu mùa cúm hơn. Điều này mang lại hiệu quả phòng ngừa tốt hơn trước các chủng virus cúm luôn thay đổi.

Không chỉ có thế, các nhà khoa học cũng đang cố gắng nghiên cứu phát triển các mũi tiêm vaccine kết hợp phòng Covid-19, bệnh cúm và các loại virus khác.

Từ lâu, người Mỹ vẫn luôn do dự về việc tiêm vaccine cúm, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người phải tiêm chủng phòng bệnh cúm hơn. Theo báo cáo của CDC Mỹ, trong năm 2019-2020, 48,4% người trưởng thành ở Mỹ được chủng ngừa cúm, tăng 3,1 % so với năm trước.

Trong khi đó, đã có 62,5% dân số Mỹ tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, 56,3% được tiêm chủng đầy đủ hai mũi và 3,9% đã được tiêm liều tăng cường.

Việc nghiên cứu tạo ra loại vaccine kết hợp phòng Covid-19, bệnh cúm và các loại virus khác sẽ khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân tiêm chủng, đồng thời giúp tăng miễn dịch cộng đồng.

(theo WebMD)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-nghe-mrna-trong-san-xuat-vaccine-hua-hen-tuong-lai-mui-tiem-ket-hop-phong-covid-19-va-cum-164916.html