Công nghệ định hình lại ngành công nghiệp sách

Công nghệ đã thổi sức sống mới vào lĩnh vực xuất bản. Giờ đây, trải nghiệm với sách có thể trở nên phong phú hơn nữa trong tương lai với công nghệ thực tế ảo, số hóa, âm thanh….

Kể từ khi được hình thành đến nay, ngành sách đã trải qua nhiều biến đổi đáng kể. Từ việc phát minh giấy cói cho đến sự xuất hiện của sách điện tử, cách công chúng nhìn nhận và tiếp cận với văn học liên tục bị ảnh hưởng bởi các công nghệ mới.

Với sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số, các lĩnh vực xuất bản truyền thống, bao gồm cả ngành sách, đã phải thích ứng và tìm ra những cách tiếp cận sáng tạo. Từ việc đơn giản tiếp cận với sách in, độc giả ngày nay có rất nhiều cách đến gần thế giới văn học.

Sách nói

Có thể nói thế giới sách đã đón nhận sự thay đổi đáng kể nhờ thế giới công nghệ. Sách điện tử cho tới nay đã được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là từ khi doanh số bán sách điện tử đã vượt qua doanh số sách in trên nền tảng Amazon từ năm 2012.

Nhu cầu về sách nói cũng tăng vọt, bằng chứng là doanh số bán sách nói ở Anh đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2013. Mặc dù độc giả vẫn đánh giá cao những cuốn sách hay nhưng họ đang có nhiều lựa chọn hơn về cách đọc.

Tuy nhiên, trong khi đã góp phần tăng cường sự tiếp cận với tri thức và trình độ đọc viết trên quy mô lớn, công nghệ vẫn chưa hỗ trợ đầy đủ cho ngành xuất bản. Theo một nghiên cứu gần đây của công ty tham vấn về truyền thông và xuất bản What’s New In Publishing, các thiết bị trợ lý giọng nói, như Alexa của Amazon, Trợ lý của Google, Siri của Apple, Cortana của Microsoft và Bixby của Samsung - hiện được cài đặt trên hơn một tỷ thiết bị trên toàn thế giới, xác nhận 43,2% các truy vấn cơ bản liên quan đến Danh sách tác phẩm bán chạy nhất của New York Times.

Các thiết bị này hiện chưa đáp ứng được yêu cầu trên và do đó, nghiên cứu khuyến nghị các nhà xuất bản nên quan tâm đến việc đưa sách nói của mình đến với các thiết bị này bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ.

Sách điện tử

Người tiêu dùng đang nhận thấy sách in và sách điện tử đều có sức hấp dẫn và hiện tại, nhu cầu về sách in và sách điện tử vẫn liên tục tăng. Các dự báo chỉ ra rằng doanh số bán sách điện tử sẽ tăng trung bình 7% từ năm 2020 đến năm 2025. Xu hướng này có ý nghĩa quan trọng đối với toàn ngành xuất bản vì nhiều yếu tố.

Thứ nhất, sách sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, với nhiều lựa chọn giá cả phải chăng và có thể tiếp cận nhanh chóng.

Thứ hai, nhiều công nghệ xuất bản cũng đang được tập trung cho mảng sách điện tử. Ví dụ, ngoài các nền tảng đọc sách điện tử hiện tại, người dùng hiện có thể tìm kiếm các nền tảng riêng chuyên cho từng thể loại. Với tiểu thuyết, FictionMe đang là một lựa chọn để người dùng tìm kiếm các tiểu thuyết hay nhất.

Số hóa thư viện

Kể từ những năm đầu Internet mới phát triển, khái niệm về thư viện số hóa đã bắt đầu được quan tâm. Thư viện số sẽ lưu trữ tài liệu ở định dạng số, có thể truy cập được từ máy tính hoặc các thiết bị khác. Một số thư viện số chỉ có thể được truy cập từ mạng cục bộ, trong khi nhiều thư viện khác có thể được truy cập từ xa thông qua mạng máy tính.

Năm 1971, ba năm trước khi Internet đi vào hoạt động, Michael Hart đã thành lập Project Gutenberg, thư viện kỹ thuật số sớm nhất cho tới nay. Mục tiêu ban đầu của Hart là công bố rộng rãi và miễn phí 10.000 cuốn sách được tham khảo nhiều nhất vào cuối thế kỷ này. Nhưng tính đến năm 2010, thư viện trực tuyến miễn phí Project Gutenberg đã có hơn 30.000 tác phẩm có thể được tải xuống miễn phí.

Dự án thư viện số này đang liên tục gia tăng được số đầu sách. Ảnh: X.

Đại học Stanford cũng đang cộng tác với Google Books để số hóa sách bằng máy quét lật trang tự động, có thể quét 1.000 trang một giờ. Google Books, được ra mắt từ năm 2004, cho tới nay đã quét hơn 10 triệu cuốn sách.

Ngoài ra, một công ty Trung Quốc cũng tuyên bố đã số hóa hơn một nửa số sách xuất bản bằng tiếng Trung kể từ năm 1949. Theo The New York Times, dựa trên ước tính con người đã xuất bản ít nhất 32 triệu cuốn sách trong suốt lịch sử thì phần lớn số sách này có thể được số hóa trong vòng 50 năm.

Công nghệ điện toán đám mây

Các ứng dụng phần cứng và phần mềm được hưởng lợi từ công nghệ điện toán đám mây đang cách mạng hóa ngành xuất bản. Công nghệ này cho phép lưu trữ, phân tích hiệu quả và thực hiện đa nhiệm các chức năng xuất bản, bao gồm công việc thiết kế, hiệu đính và chỉnh sửa bản sao ở mọi múi giờ khác nhau.

Ví dụ hệ thống quản lý tài sản kỹ thuật số của Deanta, Lanstad, đang cung cấp giải pháp dựa trên đám mây giúp đơn giản hóa việc lưu trữ, truy xuất và chia sẻ an toàn các dự án xuất bản, thúc đẩy sự cộng tác và tiết kiệm chi phí trong ngành xuất bản.

Cá nhân hóa nội dung và xuất bản theo nhu cầu

Ngành xuất bản đã thay đổi đáng kể nhờ cá nhân hóa nội dung, sử dụng dữ liệu của người đọc để hiểu sở thích cá nhân và cung cấp nội dung tùy chỉnh. Các nền tảng và thuật toán kỹ thuật số cũng ngày càng góp phần nâng cao mức độ tương tác của độc giả thông qua quảng cáo có mục tiêu và đề xuất được cá nhân hóa.

Sau khi nhu cầu của người dùng được xác định chi tiết, ngành xuất bản cũng tìm ra các phương thức đáp ứng nhu cầu này. Về phía các tác giả, họ cũng có thể tự xuất bản tác phẩm theo ý muốn và xu hướng này ngày càng tăng.

Những cuốn sách nổi tiếng như The Joy of CookingChicken Soup for the Soul đều được tự xuất bản.

Có thể thấy công nghệ đã thổi sức sống mới vào lĩnh vực xuất bản. Giờ đây, trải nghiệm với sách có thể trở nên phong phú hơn nữa trong tương lai với công nghệ thực tế ảo, số hóa, âm thanh….

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-nghe-dinh-hinh-lai-nganh-cong-nghiep-sach-post1450301.html