Công lý nào trong vụ 'làm phiền 20 phút'?

Dù rất phiền nhưng cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương cần phải nhanh chóng minh định đây là vụ án oan chứ chuyện 'làm phiền 20 phút' mà cũng quyết khởi tố, truy tố cho bằng được thì sẽ gây ra hệ lụy rất phiền không chỉ cho những người trong cuộc.

Cổng nhà đang mở. Ba người đàn ông bước vào, những muốn trao đổi, bàn bạc. Nhưng nữ chủ nhà lánh mặt. 20 phút sau, cảnh sát tới. Ba người đàn ông bị khởi tố.

Chuyện trong phim chăng?

Không, đây là vụ án xảy ra ở TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Đọc bài về vụ ba bị can Trần Minh Đức, Trần Thị Mỹ Hạnh và Vũ Ngọc Sang (cùng ngụ TP.HCM) bị khởi tố vì “làm phiền người khác 20 phút” làm tôi nghĩ ngợi.

Tôi không biết nếu rơi vào tình huống tương tự, tôi sẽ phải làm gì cho đúng. Bởi người mà các bị can này làm phiền không phải không có liên quan gì, mà là bên bán nhà cho ông Trần Minh Đức (một trong ba bị can kể trên).

 Bị can Trần Minh Đức kêu oan suốt nhiều năm qua. Ảnh: VH

Bị can Trần Minh Đức kêu oan suốt nhiều năm qua. Ảnh: VH

Việc bán nhà không hoàn tất là vì “người bị làm phiền” (bà NTT) trở ý không đi đến cùng giao dịch mua bán giữa đôi bên. Cụ thể, bà T đã đem căn nhà bà ký hợp đồng mua bán cho ông Đức đi làm hoàn tất thủ tục giấy tờ, rồi đem bán cho người khác (và nhiều người khác, theo thông tin về vụ việc). Điều đó khiến cho ông Đức muốn tìm bà T (người bán nhà) để giải quyết mọi việc. Vì tính tới thời điểm đó, ông Đức đã thanh toán cho bà T 250 triệu đồng, tương đương 100% giá trị căn nhà mà hai bên mua bán.

Ông Đức đã cố tìm cách gặp bà T để giải quyết, yêu cầu lấy lại tiền nhưng bà T tránh mặt. Và ông Đức cùng hai người khác đến nhà tìm bà T nói chuyện. Bà T bỏ đi, gọi điện thoại cho công an với lý do “bị làm phiền” và sau đó, ba người đàn ông này trở thành bị can do “20 phút làm phiền bà T”.

Câu chuyện nghe có vẻ buồn cười nhưng diễn tiến của nó chỉ có “buồn” chứ không thể nào “cười” được.

Tôi đọc đi đọc lại, rồi cũng không biết chúng ta sẽ làm gì cho phải trong tình huống này. Khi mà chúng ta gom góp tiền bạc tích góp của mình, thậm chí vay mượn. Rồi chúng ta tin tưởng người bán, giao dịch mua nhà, đưa hết tiền cho người ta. Rồi sau đó, người ta đem căn nhà đó đi bán cho người khác.

Lẽ thường tình, không ai ngay lập tức mang hồ sơ ra tòa nhờ phân xử. Bởi trong bất kỳ tình huống nào, “ngồi xuống với nhau nói chuyện phải quấy” cũng luôn được ưu tiên hàng đầu. Và việc đi tìm người giữ tiền của mình, hứa bán nhà cho mình mà không bán để nói cho ra lẽ và đòi lại tiền mà mình đã giao là chuyện quá sức hợp lý, hợp tình. Và thử hỏi có ai trong tình huống đó mà không mất ăn mất ngủ, ruột gan rối bời vì sợ mất tiền nên tìm cách nói chuyện cho xong chứ chờ tòa thì biết đến bao giờ.

Vậy mà cuối cùng những người này lại vướng vào vòng lao lý. Tôi không hiểu tại sao. Và để cẩn trọng hơn cho phần thắc mắc của mình, tôi đã tìm đọc thông tin, xem lúc ông Đức và hai bị can khác vào nhà bà T thì họ có phá cửa nhà hay gây hấn gì không nhưng tình tiết thể hiện là hoàn toàn không có.

Chính vì lẽ đó, không có hành vi nào của ba bị can có dấu hiệu của tội “xâm phạm chỗ ở của người khác” hay việc “gây rối trật tự công cộng”, mà chỉ đơn giản là “làm phiền người bán nhà cho mình”.

Việc loay hoay trả hồ sơ điều tra bổ sung tận ba lần đối với vụ việc này chắc cũng nói lên một điều là việc khép tội có gì đó chưa thuyết phục. Người ta hay nói với nhau là lỡ bắt đầu rồi, không thể nào kết thúc một vụ việc thành “không có gì” được. Nó kỳ lắm.

Tôi thì nghĩ khác. Pháp luật không có kỳ hay không. Pháp luật là phải chắc chắn, vững vàng và thuyết phục. Bởi bất kỳ vụ việc nào, hành động pháp lý nào thì ngoài sự trừng trị, sức răn đe cho người khác, còn là điều giúp người ta an tâm và có niềm tin vào công lý.

Và dù rất phiền nhưng tôi nghĩ cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương cần phải nhanh chóng minh định đây là vụ án oan để có cách thức đình chỉ, xử lý vấn đề sao cho ổn thỏa, mang lại công lý, niềm tin cho mọi người. Chứ chuyện “làm phiền 20 phút” như vậy mà cũng quyết khởi tố, truy tố cho bằng được thì đúng là gây ra hệ lụy rất phiền, không chỉ cho những người trong cuộc.

Tôi tin và mong mỏi mọi việc đều công tâm, đúng đắn với mỗi phận người.

Luật sư ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-ly-nao-trong-vu-lam-phien-20-phut-post755499.html