Công khai, minh bạch hoạt động giám sát của Quốc hội

Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, vào sáng ngày 17/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh và ĐBQH Nguyễn Duy Thanh.

Chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh và ĐBQH Nguyễn Duy Thanh.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, là năm bản lề quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch.

Hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng được cải tiến, đổi mới từ việc xây dựng thể chế cho đến việc triển khai thực hiện từng nội dung giám sát. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng cho hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đã đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, định hướng trong quá trình triển khai giám sát. Theo đó, đã khảo sát, làm việc trực tiếp với 33 địa phương, Chính phủ, các Bộ, ngành; tổ chức nhiều tọa đàm, hội nghị tham vấn chuyên gia…

Đặc biệt, lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành giám sát đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; qua đó, thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trung thực, khách quan thực tế trong việc đánh giá những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ được giao.

Hoạt động “giám sát lại” được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để xem xét và tiến hành chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Việc xem xét báo cáo được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể. Lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và tiếp tục thảo luận báo cáo này tại kỳ họp thứ 6; đồng thời, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả; ghi nhận những dấu ấn tích cực trong hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), của ĐBQH.

Đại biểu nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.

Đại biểu nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.

Với những kết quả quan trọng của năm 2023, Hội nghị nhất trí cao với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình giám sát năm 2024 ở các nội dung trọng tâm: Hoạt động giám sát chuyên đề; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; hoạt động “giám sát lại”; xem xét báo cáo; hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; nội dung giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của các Đoàn ĐBQH, ĐBQH.

Sau khi lắng nghe phần tham luận, thảo luận của các đại biểu tham dự hội nghị với tinh thần “ngắn, bức thiết, trọng tâm, hiệu quả” liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội; ý kiến của Chính phủ; những thuận lợi, khó khăn, kết quả đạt được của hoạt động giám sát Quốc hội và từng ĐBQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, công tác giám sát ngày càng được nhận thức, quán triệt sâu sắc, nâng cao hiệu quả từ giám sát tối cao của Quốc hội đến hoạt động giám sát của từng ĐBQH.

“Hoạt động giám sát phải hướng đến hiệu quả thực chất, đổi mới, tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế về hoạt động giám sát, các hình thức giám sát, đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Công tác thẩm tra văn bản phải được xác định "từ sớm" và "từ xa", không trông chờ, thụ động. Hoạt động giám sát chuyên đề phải cần thiết, thời sự, gắn với nguyện vọng của cử tri. Công khai, minh bạch tất cả các hoạt động, kết quả giám sát”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng thời nhấn mạnh nêu cao vai trò trách nhiệm của từng ĐBQH, của Quốc hội. Tăng cường công tác điều hòa, phối kết hợp triển khai các hoạt động giám sát của Quốc hội./.

Quốc Rin

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cong-khai-minh-bach-hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi-a30090.html