Công chúa Đồng Xuân - vén ẩn tình, bày lịch sử

Với 'Công chúa Đồng Xuân', nhà văn Trần Thùy Mai đã khắc họa lại toàn bộ bức tranh lịch sử triều Nguyễn giai đoạn bắt đầu đương đầu trực tiếp với cuộc xâm lăng của nước Pháp, qua một chân dung bi kịch cá nhân.

Từ mối hàm oan…

Bộ tiểu thuyết hai tập Công chúa Đồng Xuân (NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2023) có bối cảnh kéo dài 40 năm từ 1859 đến 1900, sát theo các mốc cuộc đời của công chúa Đồng Xuân, đồng nghĩa cũng là các mốc lịch sử thời kỳ Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, với sân khấu chính là cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phái chủ chiến và chủ hòa trong triều đình nhà Nguyễn. Một nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, không những đại diện, mà còn song hành với một thời kỳ lịch sử.

Công chúa Đồng Xuân tên thật là Nguyễn Phúc Gia Phúc, là con gái thứ 35, và cũng là con gái út của vua Thiệu Trị, mẹ là Cung nhân Hồ Thị Ý Nhi. Mười sáu tuổi, Gia Phúc lấy phò mã Đô úy Nguyễn Lâm, con trai của Võ Hiển điện Đại học sĩ Nguyễn Tri Phương. Năm 1873, Phò mã Nguyễn Lâm tử trận khi Pháp công thành Hà Nội lần thứ nhất, công chúa trở thành góa phụ. Ở tuổi 26, “lá ngọc cành vàng” đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng đó chưa phải là bất hạnh lớn nhất.

Trần Thùy Mai đã ấp ủ chấp bút Công chúa Đồng Xuân từ lâu. Khi còn công tác tại Đại học Sư phạm Huế, trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, đặc biệt ghi chép được các ca dao, truyện kể, bài vè sử xứ Thừa Thiên, nhà văn phát hiện trong ký ức nhân dân có hai nhân vật triều Nguyễn được ghi dấu đậm nét là Từ Dụ thái hậu và Tôn Thất Thuyết. Nhân vật thứ nhất - Từ Dụ thái hậu, đã được bà chuyển tác thành bộ tiểu thuyết hai tập cùng tên ra mắt năm 2019, xoay quanh chủ đề cung đấu với những âm mưu, xung đột trong cung cấm.

Nhân vật còn lại - Tôn Thất Thuyết, thì đóng vai trò then chốt trong tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân. Ông là thủ lĩnh phe chủ chiến, còn đối lập với ông, Gia Hưng vương Hồng Hưu là người phe chủ hòa. Cả hai cùng với Nguyễn Văn Tường đều là phụ chính đầu triều lúc bấy giờ. Sự nghiệp chính trị của Hồng Hưu bị kết liễu bằng hai vụ việc, một là vụ loạn dâm với em gái cùng cha khác mẹ, chính là Đồng Xuân công chúa, hai là án thông đồng với Khâm sứ Đại Pháp Pierre Paul Rheinart.

Bìa cuốn sách Công chúa Đồng Xuân. Ảnh: Minh Hùng

Bởi thế, nhân vật chính của tiểu thuyết đồng thời cũng là bị can chính của một trong hai nghi án lớn nhất thời Nguyễn. Án đầu triều trước đó là án Mỹ Đường, xoay quanh Ứng Hòa công Mỹ Đường, con trai trưởng của hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, đích trưởng tôn của Hoàng đế Gia Long, bị vu tội tư thông với mẹ ruột là Anh Duệ vương phi Tống Thị Quyên. Hậu cục là vương phi họ Tống bị gia hình, còn Mỹ Đường thì thân bại danh liệt.

Hai vụ án chấn động triều Nguyễn đều được các nhà bình luận hậu thế nhận định dường như là các vụ hàm oan nhằm động cơ chính trị. Điểm chung là chứng cứ không thuyết phục, thuần túy dựa trên lời tố giác, dẫn đến hai nghi can đều bị khép tội và xét xử một cách vội vã.

Việt sử giai thoại khi bàn về án Mỹ Đường cung cấp thêm một manh mối: “Thời ấy, có hai tội thuộc hàng đại ác không thể tha, ấy là bất trung và thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh chẳng có biểu hiện gì, vậy thì Minh Mạng muốn được yên vị trên ngai, ắt phải khép Mỹ Đường vào tội thất đức là thông dâm với mẹ. Ôi, giá mà Mỹ Đường chẳng phải cháu đích tôn của Gia Long thì đời ông sẽ êm thấm biết ngần nào...”.

Vậy chăng, nếu Nguyễn Phúc Hồng Hưu không phải là một nhân vật chủ chốt của phái chủ hòa, không liên đới mâu thuẫn với phái của Tôn Thất Thuyết, thì số phận của ông lẫn Đồng Xuân công chúa sẽ không phải chịu bi khốc?

Sự thật là sự thật nào?

Tại sao nhà văn Trần Thùy Mai lại chọn vụ án công chúa Đồng Xuân làm đề tài cho tiểu thuyết của mình? Theo lời tác giả, vụ án xảy ra vào đêm trước khi kinh đô thất thủ, sự kiện được coi là “một trong những chấn thương lớn để lại ám ảnh sâu sắc trong đời sống văn hóa Việt”. Một chuỗi sự kiện biến động và song hành như vậy, hiển nhiên có vấn đề của riêng nó.

Về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam sau 1986, nhìn chung các nhà nghiên cứu cố gắng khái quát thành các khuynh hướng chính, có thể kể đến như tái hiện, phục dựng và minh định lại bức tranh lịch sử (theo quan điểm của nhà văn); hay ở một đối cực, lấy lịch sử làm bối cảnh cơ sở để tự do hư cấu; hoặc tận dụng lịch sử như một chất liệu để diễn giải các vấn đề lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng…; đối thoại với lịch sử, mượn lịch sử để suy nghiệm về thời cuộc cùng những vấn đề đương đại.

Tự thân tái minh định lịch sử cũng có hai chiều cạnh, một là “điền vào chỗ trống”, nhà văn vận dụng óc hư cấu sáng tạo bổ sung vào những chi tiết sử học còn đang bỏ ngỏ hoặc khiếm khuyết (như các tác phẩm của Hàn Thế Dũng, Ngô Văn Phú, Đan Thành, Hoàng Quốc Hải), hai là “lật ngược” quan niệm cố hữu về sự kiện và nhân vật lịch sử có vấn đề (Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Lại Giang, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thân).

Công chúa Đồng Xuân, cùng Từ Dụ thái hậu trước đó cho thấy rõ quan điểm tiếp cận của Trần Thùy Mai đối với tiểu thuyết lịch sử, đặc biệt là trong sự chuyển dịch từ âm hưởng khuấy động, hiệu triệu tập thể của tiểu thuyết truyền thống - bắt nguồn chủ nghĩa lãng mạn/anh hùng, cảm hứng lịch sử dân tộc - sang chủ thuyết nhân đạo. Lịch sử là một đại tự sự cấu tạo nên từ nhiều tiểu tự sự riêng tư của mỗi người. Lúc này, cái cá nhân, nhân văn được chú trọng và lên ngôi.

Ngay cả vấn đề hai phái chủ chiến và chủ hòa cũng được nhận định lại bằng lăng kính bình thản, công tâm. Nếu trước đây, phe chủ chiến thường được xem như lá cờ chính nghĩa, dựa theo truyền thống yêu nước đánh giặc, “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” ngàn xưa, thì phái chủ hòa bị quy là chủ hàng (và chủ bại), nhu nhược, dâng đất bán nước.

Nhà văn Trần Thùy Mai trò chuyện với độc giả trong buổi giao lưu ra mắt bộ tiểu thuyết lịch sử Công chúa Đồng Xuân tại Hà Nội, tháng 1.2023. Ảnh: CTV

Song, khi lắng xét từ nhận thức đương đại, ranh giới tốt - xấu phân minh sẽ bị xóa nhòa. Ngay cả trong số những người chủ hòa, cũng có một trí thức yêu nước với nhân cách lớn, và không may cuộc đời là bi kịch cá nhân lớn: Phan Thanh Giản. Dưới cái nhìn cảm thông hơn, cũng có thể giải pháp của họ, trong một trạng huống ngặt nghèo của lịch sử, là để giảm thiểu thương vong xương máu nhân dân.

Viết Công chúa Đồng Xuân, là Trần Thùy Mai muốn tìm một sự thật cho nhân vật đầy bi thương và oan khuất này. Sự thật ở đâu sau một bản án vội vã, đặt giữa chồng chéo những xung đột căng thẳng triều chính. Các sử gia hậu thế có chắc đã chiêu tuyết cho nàng? Sâu xa hơn nữa, là sự thương cảm mang thiên tính nữ tác giả dành cho một thân phận nữ đa truân nhưng đầy tình yêu-sống, tình yêu-với-tình yêu.

Một trong những đặc sắc tài tình của tiểu thuyết lịch sử, là cấp cho những sự kiện và nhân vật vốn vô tri trên văn tự một cái “hồn” sinh động. Không chỉ công chúa Đồng Xuân, những nhân vật lịch sử có thật như vua Tự Đức, Từ Dụ thái hậu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Đoàn Trưng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Phúc Hồng Hưu đều hiển hiện ấn tượng, có sắc thái cá tính riêng qua mỗi trang viết. Còn một nhân vật hư cấu như Nguyễn Chí, xuất hiện để biểu trưng cho sự chứng kiến và tham dự của tác giả lẫn người đọc vào từng sự kiện, trong từng mối quan hệ với từng nhân vật, thậm chí hơn thế nữa, lấy chính mình minh giải mối hàm oan cho nàng công chúa.

Sự thật là sự thật nào? Sứ mệnh của tiểu thuyết gia không phải là lệ thuộc quá nhiều vào sự kiện lịch sử, để tìm cách “chép lại” nhân vật lịch sử “đúng” nhất nhân danh sự thật, bởi đó là công việc của sử gia. Trái lại, với quyền hư cấu và diễn giải của mình, họ “khắc họa” một chân dung nhân vật lịch sử sống động nhất có thể thông qua văn chương. Đó là sự thật của nhà văn.

Nhà văn Trần Thùy Mai sinh năm 1954, quê ở huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, thành phố Huế. Bà sáng tác văn chương khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh và sinh viên Đại học Sư phạm Huế (trước 1975).

Trần Thùy Mai đã in 16 tập sách, một số tác phẩm tiêu biểu: Thị trấn hoa quỳ vàng (1994), Trò chơi cấm (1998), Quỷ trong trăng (2001), Người khổng lồ núi Bạc (2002), Thương nhớ Hoàng Lan (2003), Mưa đời sau (2005), Trăng nơi đáy giếng (2010), Từ Dụ thái hậu (2019), Công chúa Đồng Xuân (2023)… Trong đó, một số tiểu thuyết được chuyển thể thành phim và kịch: Gió thiên đường, Thập tự hoa (2005), Trăng nơi đáy giếng (2009)…

Nhà văn Trần Thùy Mai đã được trao các giải thưởng: Giải A, Văn học nghệ thuật Cố đô với tập truyện ngắn Thập tự hoa (2005); Giải cống hiến vì cộng đồng do Ủy ban Kết nghĩa TP.HCM và Thành phố San Francisco trao tặng (2001); Giải thưởng Sách Hay với tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu (2020); Giải nhất tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Từ Dụ thái hậu (2020)...

Trang Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cong-chua-dong-xuan-ven-an-tinh-bay-lich-su-38588.html