Con vắt dài gần 3cm trong mũi người đàn ông

Xuất hiện các triệu chứng ho, khó thở, khạc ra máu tươi, người đàn ông đi khám phát hiện con vắt sống trong mũi.

Hình ảnh con vắt ở trong khoang mũi bệnh nhân.

Bác sĩ CKI. Phạm Ngọc Thành, Trưởng khoa TMH-RHM Bệnh viện ĐK Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, ngày 15/5, khoa tiếp nhận bệnh nhân Đ.Đ.Q (38 tuổi, ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) nhập viện với triệu chứng ho, khó thở, khạc ra máu tươi.

Sau khi thăm khám, nội soi tai mũi họng, phát hiện có dị vật sống đang di chuyển trong khe mũi xoang, màu sắc giống với niêm mạc mũi. Các bác sĩ đã tiến hành gây tê và thực hiện gắp dị vật trong mũi bệnh nhân, đồng thời bơm rửa, vệ sinh sạch sẽ khoang mũi tránh biến chứng viêm nhiễm.

Dị vật được xác định và con vắt dài khoảng 3 cm.

Theo lời kể bệnh nhân, khoảng một tuần trước anh Đ.Đ.Q. đi vào rừng và có dùng nước khe, suối. Các bác sĩ nhận định đây có thể là nguyên nhân khiến vắt chui vào mũi người bệnh.

Dị vật là con vắt dài gần 3cm được gắp ra từ mũi bệnh nhân Đ.Đ.Q. Ảnh: ĐH

Sau khi con vắt được gắp ra khỏi mũi, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không còn khó thở và chảy máu.

Theo bác sĩ Thành, nếu dị vật là con vắt nằm trong mũi ở các ngách khe sẽ gây phù nề, xuất tiết, tắc nghẽn dẫn đến viêm mũi xoang, hoặc có thể bám hút ở các mạch máu lớn hoặc di chuyển xuống thanh quản. Nếu để lâu sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu mũi dai dẳng và gây thiếu máu mạn tính.

Do đó, người dân không nên sử dụng nguồn nước không đảm bảo ở các khe suối để uống, sinh hoạt, đề phòng đỉa, vắt chui vào hốc tự nhiên của cơ thể. Đối với những người thường xuyên tắm suối, ao, hồ, khi có những triệu chứng như ngạt tắc mũi, vướng họng kèm theo có chảy máu mũi, ho khạc ra máu, khàn tiếng cần đi khám nội soi tai mũi họng ngay để loại trừ dị vật sống ở đường hô hấp trên, BSCKI. Phạm Ngọc Thành khuyến cáo.

Vắt là sinh vật tương cận của loài đĩa, chúng thuộc lớp Hirudinea, ngành giun đốt Annelida. Khi hút máu, tuyến nước bọt ở quanh miệng của chúng tiết ra chất chống đông máu hirudin chảy vào chỗ hút máu làm cho máu không đông được, gây chảy máu; khi vắt bám ký sinh ở một số cơ quan trong cơ thể để gây triệu chứng bệnh lý.

Vắt sống ở đất, kích thước dài khoảng từ 2 đến 4 cm khi ở trạng thái nghỉ. Chúng có 5 chi gồm khoảng 15 loài phân bố ở nhiều nơi khác nhau trong những khu vực ẩm ướt vùng nhiệt đới thuộc châu Á, Đông Nam Á, châu Phi, Nam Mỹ...

Vắt sống ở đất rất đói máu, chúng thường ẩn núp trong các hốc đá, dưới lá cây, dòng suối... Khi người hoặc các loại động vật đi qua, vắt búng nhảy và bám vào để hút máu. Vết hút máu trên da thường không đau nhưng gây chảy máu kéo dài, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi chúng chui vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa...

Khánh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/con-vat-dai-gan-3cm-trong-mui-nguoi-dan-ong-169230518085157195.htm