Còn sức, tôi còn đi tìm đồng đội

Quảng Trị những ngày tháng Bảy nóng bỏng gió Lào, trong làn khói hương trầm mặc, người lính già Trần Thái Toàn đã bao lần rưng rưng nước mắt, khập khiễng đi thắp hương các phần mộ, tưởng nhớ đồng đội hy sinh. Mỗi lần vào đây, ông còn có thêm một nhiệm vụ nữa là tìm kiếm thông tin liệt sĩ 'vì mệnh lệnh trái tim'.

Tôi may mắn là chỉ bị thương

Cựu chiến binh Trần Thái Toàn là hội viên Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, thương binh hạng ¾. Trong ngôi nhà ở số 171, đường Mỹ Độ, phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang), câu chuyện xoay quanh những ngày gian khổ ở chiến trường với nhiều kỷ niệm khó quên được ông kể lại.

Cựu chiến binh Trần Thái Toàn.

Tháng 5/1971, chàng trai Trần Thái Toàn khi ấy vừa tròn 19 tuổi lên đường nhập ngũ biên chế trong đội hình Tiểu đội 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Chiến đấu bên nước bạn Lào gần một năm, đơn vị được lệnh về Quảng Trị - một trong những chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất lúc bấy giờ. Hiển hiện trong ông là trận đánh bên bờ sông Thạch Hãn đầu tháng 11/1972, trận này ông bị thương nặng.

Ông Toàn kể: Sau khi tái chiếm được Thành cổ Quảng Trị, mặc dù bị thiệt hại nặng về người và phương tiện chiến tranh, do bị thúc ép về chính trị (cuộc đàm phán Paris về Việt Nam), địch vẫn tập trung lực lượng hòng vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm tiếp Ái Tử, Đông Hà nhằm khôi phục lại tuyến phòng thủ Đường 9.

Về phía ta, sau khi rút khỏi Thành cổ ngày 15/9/1972, ta chủ trương chuyển hẳn sang phòng ngự để giữ vững những vùng giải phóng. Trung đoàn 18 vừa rút ra, được giao nhiệm vụ phòng ngự trận địa, bảo vệ vững chắc khu vực phòng ngự chủ yếu của Sư đoàn, cũng là khu vực phòng ngự then chốt của Mặt trận B5 là Nhan Biều, Ái Tử và sân bay Ái Tử.

Chiều 1/11, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 thông báo địch có ý định vượt sông Thạch Hãn tấn công Nhan Biều, Ái Tử. Trung đoàn trưởng lệnh cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu cao. Đêm hôm đó trời mưa rét, Tiểu đoàn 8 báo cáo không có gì xảy ra, nhưng chỉ sau khoảng 30 phút, Tiểu đoàn trưởng lại báo cáo gấp có 2 đại đội địch vượt sang bờ Tây sông. Tình huống bất ngờ, Ban Chỉ huy Trung đoàn hội ý nhanh chóng và nhận định đây là lực lượng đi đầu của sư đoàn thủy quân lục chiến, Tiểu đoàn 8 phải kiên quyết chiến đấu, không cho địch vào.

Nhận lệnh, ông Lê Văn Thưng chỉ huy nói với tôi: “Toàn ơi chuẩn bị xung phong”. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, sau gần 20 phút, ta diệt hàng trăm tên địch, giữ vững trận địa nhưng cũng bị thiệt hại nặng. Cả Ban chỉ huy Trung đoàn gồm 6 đồng chí đều anh dũng hy sinh, trong đó có ông Lê Văn Thưng. Ông Toàn bị thương nặng bởi đạn cối găm vào vai, ngực, chân, mất 42% sức khỏe - Giọng người cựu binh nghẹn ngào: “Bị thương là may mắn rồi”.

Khu mộ các Anh hùng liệt sĩ Hà Bắc (Bắc Giang - Bắc Ninh) tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh QUỐC TRƯỜNG.

Tháng 9/1974, ông Toàn phục viên trở về quê nhà với vết thương khắp người, mảnh đạn vẫn còn trong vai. Lấy vợ sinh 4 người con, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên ông tập trung lo cho sinh kế gia đình. Công việc lái xe khách Bắc Giang - Hà Nội cứ cuốn ông đến năm 2002 mới nghỉ. Có thời gian, ông trở lại thăm chiến trường xưa, thăm những đồng đội một thời chung chiến hào. Hai mươi năm qua, năm nào ông cũng dành thời gian vào Quảng Trị. Mỗi chuyến đi, ông lại đứng lặng bên cầu Lai Phước, thả nhành hoa trắng xuống dòng sông Thạch Hãn, cầu mong cho hương hồn những người lính trẻ được yên nghỉ vĩnh hằng.

Còn sức khỏe còn làm việc nghĩa tình

Trong những lần vào Quảng Trị thăm viếng, ông Toàn thấy có nhiều phần mộ ghi danh liệt sĩ yên nghỉ, nhưng không có địa chỉ, quê quán, năm sinh, chỉ có tên người và tên đơn vị. Như mộ phần của các liệt sĩ: Khuất Quý Vân, Quách Văn Hoàng, Trương Văn Ninh… trên bia chỉ ghi họ tên và đơn vị F325 (Sư đoàn 325), còn năm sinh, cấp bậc, chức vụ, thời gian hy sinh đều bỏ trống.

Cựu chiến binh Trần Thái Toàn viếng đồng đội hy sinh tại Quảng Trị..

“Chiến tranh khốc liệt, vẫn còn bao người nằm lại với đất, chưa tìm lại được địa chỉ. Nhiều liệt sĩ là đồng đội của tôi hy sinh, nhiều phần mộ cho đến tận bây giờ vẫn chưa tìm thấy” - ông Toàn kể. Lặng lẽ chụp lại những hình ảnh này, khi lên tàu trở về nhà, ông cứ trăn trở: “Chiến tranh đã qua lâu, nhưng vì nhiều lý do, hằng ngày vẫn còn những người mẹ người cha ngóng đợi tin con, vợ ngóng tin chồng, anh em ngóng tin nhau với nỗi khắc khoải mong đợi. Là người đồng đội cùng chung chiến hào, tôi may mắn sống sót trở về, tôi nghĩ mình phải làm gì đó giúp đỡ.”

Để làm được công việc tìm kiếm các thông tin về liệt sĩ, bỏ qua những lời khuyên nhủ của bạn bè, người thân bởi sức khỏe không được tốt, ông Toàn vẫn thực hiện ước nguyện đi tìm đồng đội của mình ở chiến trường Quảng Trị. Gần chục năm qua, năm nào ông Toàn cũng đi vào đây vài lần, bỏ công sức, tiền bạc, mồ hôi và cả nước mắt để đi tìm kiếm. Lần vào bằng phương tiện ô tô, lần bắt tàu hỏa.

“Cũng chẳng tốn kém nhiều đâu, chỉ mất tiền tàu xe đi lại, mà tôi thương binh, hằng tháng có chế độ của Nhà nước, tôi dành tiền này để đi tìm đồng đội. Quan trọng là mình có cái tâm, có tấm lòng để làm. Vào đến nơi, tôi đến Nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ, bảo với người ta là cho tôi mượn xe máy, cho tôi nhờ chỗ ngủ. Ăn uống đã có bà con trong đó lo giúp. Ở đây họ tiếp đón nhiệt tình lắm. Họ hỏi tôi đi tìm thân nhân à, tôi bảo không, tôi “đi tìm đồng đội” - những người lính ở Sư đoàn 325 Quân đoàn 2. Những người ở đơn vị khác không cùng chiến đấu, tôi không biết được, chỉ là Sư đoàn của mình thôi” - ông cho biết.

Một số thông tin về liệt sĩ ông Toàn tìm được.

Thuận tiện là Sư đoàn 325 đóng ở Bắc Giang nên ông không mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu. “Tôi lên tận Sư đoàn, gặp cán bộ chính sách đề nghị cung cấp thông tin quân nhân đơn vị hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Giữa một chồng hồ sơ cao ngất, lần mò tìm hiểu và đã tìm thấy thông tin cần thiết”. Ông vừa kể vừa khẽ mở cánh cửa tủ kính ở góc phòng, lấy ra một tập tài liệu chi chít những tên tuổi. Từng dòng chữ nắn nót rõ ràng ghi tìm được thông tin của liệt sĩ.

Ví dụ như liệt sĩ Khuất Quý Vân chính là liệt sĩ Khuất Duy Vận, sinh năm 1954 (bố là Khuất Quang Vân) quê xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (cũ), nhập ngũ tháng 5/1972 ở đơn vị Sư 325; hy sinh ngày 19/1/1973. Nơi hy sinh thuộc thôn Nham Biền 1, xã Triệu Ải, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hay như liệt sĩ Quách Văn Hoàng, sinh năm 1953, quê ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Nhập ngũ tháng 5/1972; hy sinh ngày 10/7/1972 tại xã Hoài An, huyện Triệu Phong. Bố là Quách Văn Tài, mẹ là Bùi Thị Hòa…Từ những manh mối này, ngay sau đó, ông Toàn đối khớp so sánh, hỏi thêm những đồng đội còn sống để củng cố thông tin, dữ liệu cho chắc chắn. Sau đó ông liên hệ với chính quyền địa phương để liên lạc với gia đình liệt sĩ.

Ông Nguyễn Văn Thạch ở xã Dương Đức (Lạng Giang) là em ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Trường (SN 1952) cho biết, nhờ sự kết nối của ông Toàn mới đây ông đã biết được phần mộ anh trai mình đang nằm ở nghĩa trang thuộc địa phận xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Để thuận tiện cho gia đình, ông Toàn còn cung cấp cả sơ đồ mộ chí nơi liệt sĩ Trường yên nghỉ, cẩn thận làm “Đơn đề nghị thăm viếng mộ liệt sĩ” giúp ông Thạch. Thường xuyên liên hệ để gia đình dành thời gian bố trí vào thăm, ông sẽ đi cùng đến nơi yên nghỉ của liệt sĩ Trường ở Quảng Trị và hứa sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng cho chuyến đi này.

Trong hành trình đi tìm thông tin liệt sĩ Sư đoàn 325, được chứng kiến những cuộc đoàn tụ vô cùng cảm động là động lực để người cựu binh này tiếp tục công việc của mình. "Còn khỏe là tôi còn đi tìm đồng đội, đưa họ về với quê hương gia đình được người nào thì mừng người đó” - ông Toàn chia sẻ.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/408756/con-suc-toi-con-di-tim-dong-doi.html