Cơn sốt cho trẻ em học ngoại khóa ở Trung Quốc hạ nhiệt do kinh tế khó khăn

Tháng 8 năm ngoái, Zhang Zhaolin đã cho đứa con trai 10 tuổi của mình nghỉ học lớp học bóng đá mà cậu bé yêu thích sau khi cô bị sa thải khỏi công việc tại một công ty internet Trung Quốc.

Zhang đã bị cho thôi việc hồi đầu năm cùng với hàng chục nhân viên khác. Cô cho biết gia đình cô phải cắt giảm mọi chi phí không cần thiết vì phải trả khoản thế chấp hàng tháng là 30.000 nhân dân tệ (4.200 USD) cho căn hộ của họ.

“Chúng tôi có tiền tiết kiệm nhưng tôi không tự tin về việc sớm tìm được một công việc khác với mức lương tương đương hoặc thậm chí liệu tôi có thể tìm được một công việc mới hay không”, người phụ nữ 41 tuổi nói.

Giáo viên piano Liu Hongyu hướng dẫn một buổi học cho học sinh tại một lớp học ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 12 tháng 3 năm 2024. Ảnh: REUTERS

Chi tiêu mạnh tay cho các hoạt động sau giờ học từng là điều bình thường đối với các gia đình trung lưu thường chỉ có một con, nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong cơn khủng hoảng niềm tin.

Các công ty đã sụt giảm hoạt động kinh doanh do căng thẳng thương mại với phương Tây và lĩnh vực bất động sản đang quay cuồng dưới hàng núi nợ nần. Năm nay bắt đầu với sự biến động của thị trường chứng khoán, có nhiều lo ngại rằng giảm phát có thể trở nên cố hữu và niềm tin của người tiêu dùng đang dao động gần mức thấp kỷ lục.

Điều đó đã tác động nặng nề đến các trường học và câu lạc bộ cung cấp các hoạt động như bóng đá, bơi lội, piano và khiêu vũ và nhiều trường đã phải đóng cửa.

Giáo viên dạy piano Liu Hongyu đã chứng kiến số học sinh của mình giảm hơn một nửa kể từ khi bắt đầu dạy ở trường Bắc Kinh sáu năm trước và lo lắng rằng sẽ có nhiều học sinh bỏ học.

Trong thuận lợi vào năm 2018, cô đã tuyển dụng hai giáo viên toàn thời gian và hai giáo viên bán thời gian cho 70 học sinh. Sau khi nhu cầu giảm mạnh do đại dịch và tiếp tục suy yếu, cô chuyển đến những cơ sở nhỏ hơn, rẻ hơn và hiện chỉ có hai giáo viên bán thời gian.

Cô nói: “Tôi lo lắng là liệu 30 học sinh mà chúng tôi có hiện nay có gia hạn lớp học sau khi kết thúc các lớp học đã được thanh toán hay không”.

Các bậc phụ huynh cũng trở nên miễn cưỡng trả trước cho những buổi học dài, lo ngại về sự đảm bảo tài chính của bản thân và ý thức được rằng nhiều trường học đã phá sản.

Vào năm 2021, các nhà chức trách Trung Quốc đã trấn áp ngành dạy thêm của khu vực tư nhân khi tìm cách giảm bớt lượng bài tập về nhà cho học sinh và hạn chế chi phí giáo dục cao ngất ngưởng. Theo Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc là nơi đắt đỏ thứ hai để nuôi dạy một đứa trẻ sau Hàn Quốc.

He Baosong, huấn luyện viên một câu lạc bộ bơi lội ở Bắc Kinh cho biết nhiều trường dạy bơi đã đóng cửa và trường nơi anh làm việc lỗ khoảng 200.000 nhân dân tệ (27.800 USD) mỗi tháng. "Nền kinh tế thực sự rất yếu. Không chỉ câu lạc bộ của tôi, mọi câu lạc bộ bơi lội hay đúng hơn là mọi câu lạc bộ thể thao hay nghệ thuật đều như thế này", anh nói.

Mai Anh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/con-sot-cho-tre-em-hoc-ngoai-khoa-o-trung-quoc-ha-nhiet-do-kinh-te-kho-khan-post287724.html