Còn nhiều khó khăn trong sắp xếp cán bộ dôi dư

Liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính vẫn đang là bài toán khó đối với các địa phương, làm sao có thể hài hòa, linh hoạt khi các đối tượng dôi dư đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo bài bản. Ghi nhận tại tỉnh Hòa Bình.

Xã Tân Thành, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình buộc phải giảm 10 biên chế theo tiêu chí chung của xã loại II vào năm 2024, điều này khiến những cán bộ có thâm niên hơn 17 năm công tác như anh Lương Văn Nguyên không khỏi băn khoăn, suy nghĩ.

Dù linh hoạt trong luân chuyển, điều động cán bộ, tạm dừng bầu, bổ nhiệm lãnh đạo nhưng đối với các xã miền núi còn nhiều khó khăn, việc sắp xếp cán bộ dôi dư trở thành vấn đề nan giải. Dự kiến, đến hết năm 2024, tỉnh Hòa Bình có 65 cán bộ, công chức dôi dư chưa có phương án sắp xếp.

Cũng theo các địa phương, giải bài toán dôi dư nhân lực trong quá trình sáp nhập, tinh gọn theo yêu cầu tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 khó hoàn thành, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt cho các địa phương miền núi.

Giải trình về vấn đề tinh giản biên chế, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định, sẽ có chính sách mang tính vượt trội, nhất là phương án hỗ trợ cho cán bộ cấp xã khi nghỉ hưu trước tuổi, thay vì từ 5 năm tới dưới 2 năm như quy định tại nghị định 108/ 2014 thì nay có thể dao động từ 10 năm cho tới dưới 2 năm.

Trong khi chờ những thay đổi từ Chính phủ, việc bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã hay vận động nghỉ hưu trước tuổi cũng là một trong những mục tiêu hoàn thành hết sức khó khăn của các địa phương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Thùy Linh Bích Hạnh Anh Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/con-nhieu-kho-khan-trong-sap-xep-can-bo-doi-du