Còn nhiều dư địa để hàng Việt chinh phục thị trường Indonesia

Tại hội thảo 'Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu chuẩn Halal sang thị trường Indonesia', các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, Indonesia là thị trường lớn nhất ASEAN với hơn 270 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu có quy mô ngày càng tăng, là thị trường có nhiều dư địa cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Đặc biệt, các sản phẩm đạt chứng nhận Halal sẽ là chìa khóa thành công cho hàng hóa xuất khẩu (XK) sang Indonesia.

Chứng nhận Halal được xem như "Giấy thông hành" vào thị trường Indonesia.

Ông Trần Nhật Thành, chuyên viên xuất khẩu Công ty cổ phần dược liệu và thực phẩm Việt Nam cho biết, công ty đang XK sang thị trường Trung Đông, Ấn Độ, Đông Nam Á. Những sản phẩm dược liệu như quế, hồi, thảo quả được thị trường các nước Trung Đông đón nhận, nhu cầu thị trường lớn, nhu cầu tăng rất nhanh. Năm 2023 doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển vùng trồng, khu chế biến, chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất tới XK. Indonesia là một thị trường tiềm năng, nhất là sản phẩm của ngành dược liệu, gia vị và nông sản Việt. Thị trường Indonesia, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng chỉ Halal nếu có chứng nhận sẽ là cơ hội để mở rộng vào thị trường tiềm năng này, do vậy, DN luôn cố gắng để sản xuất theo tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu.

Theo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương), Indonesia là thị trường còn nhiều dư địa cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang là thị trường có nhiều tiềm năng để Indonesia thúc đẩy hợp tác cả về thương mại và đầu tư. Hiện, Việt Nam là nhà cung cấp có uy tín, chất lượng nhiều sản phẩm cho thị trường Indonesia như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, vật liệu xậy dựng, sản phẩm nhựa... Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN mới chỉ đạt trên 26,37 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Indonesia 10,18 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm 2023.

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, bên cạnh việc nhập khẩu gạo, Indonesia còn là thị trường rất tiềm năng cho DN XK thực phẩm Việt Nam khai thác. Cùng với nhóm hàng hiện đang XK, một số nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng XK sang Indonesia như phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thủy sản, thịt bò. Về hoa quả đóng hộp có vải, nhãn, Indonesia không có lợi thế so sánh nhóm hàng này trong khi chưa mở cửa với quả vải và nhãn tươi của Việt Nam.

Ngoài ra, còn có sữa và sản phẩm từ sữa, mật ong, cà phê uống liền, nước chanh leo. Để thuận lợi trong xúc tiến quảng bá sản phẩm, ông Phạm Thế Cường cho biết, với đa số dân số theo đạo Hồi, Indonesia là thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ Halal lớn nhất thế giới. Do vậy, DN XK nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal của Indonesia. Chứng nhận Halal luôn là câu hỏi đầu tiên của bất cứ nhà nhập khẩu, phân phối nào của Indonesia khi có sản phẩm thực phẩm, đồ uống muốn tiếp cận thị trường này.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, sản phẩm Halal (tiêu chuẩn xác nhận có thể sử dụng cho người theo đạo Hồi) từ Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng XK sang các thị trường Halal… một con số rất khiêm tốn so với nhu cầu thị trường; có đến 40% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm XK vào thị trường Halal. Dự địa XK còn rất lớn và đầy tiềm năng. Trong đó, Chứng nhận Halal được xem như "Giấy thông hành" vào thị trường này, mà khi không có chứng chỉ này, dù có tham gia các hội chợ XTTM hay bán hàng trực tiếp, nhà nhập khẩu cũng không thể bán hàng vào siêu thị hay điểm bán lẻ, hoặc nhập nguyên liệu thô của Việt Nam, dù rằng giá cả của chúng ta là rất cạnh tranh trên trường quốc tế.

Đồng tình với nhận định này, ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - ASEAN cũng cho rằng, sản phẩm của Việt Nam đưa đến thị trường Indonesia thuận lợi hơn rất nhiều so với các nước khác, kể cả trong khối ASEAN. Đây là một thị trường dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; có nét văn hóa Á Đông gần gũi, khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa. Các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đều phù hợp với các sản phẩm mà Việt Nam đang có. Đây là một thị trường mới nhiều tiềm năng cho DN Việt khai thác nhất là các sản phẩm Halal.

Tuy nhiên, hiện nay, DN còn chưa biết nhiều về vấn đề này, DN chưa thực sự quan tâm tới thị trường Halal trong khi đây là một thị trường lớn, nhiều dư địa cho DN. Cũng theo ông Trần Tuấn Minh, Trung tâm vừa kết nối được 2 đơn hàng là hoa quả sấy và mỳ ăn liền. Đây là đơn hàng dài hạn. Theo đó, DN của Indonesia sẽ cùng với DN Việt Nam hợp tác để sản xuất, XK và đăng ký sản phẩm này tại thị trường Indonesia. Sắp tới trung tâm kết hợp với Cục XTTM mời DN Indonesia sang để gặp gỡ và trao đổi với DN.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/con-nhieu-du-dia-de-hang-viet-chinh-phuc-thi-truong-indonesia-i712794/