'Cơn gió Đông' cho xứ Thanh phát triển vượt bậc

Theo định hướng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Nghi Sơn đã được quy hoạch là cảng đặc biệt, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế. Bám sát định hướng đó, tỉnh đang triển khai nhiều chính sách đặc biệt để Cảng biển Nghi Sơn thực sự là 'cơn gió Đông' tạo bước nhảy vọt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sức bật từ chính sách

Với kết nối giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, Cảng biển Nghi Sơn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Thanh Hóa và các vùng phụ cận.

Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa khảo sát tình hình phát triển Cảng biển Nghi Sơn

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Cảng biển Nghi Sơn, tạo động lực phát triển, Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng, chỉ rõ nhiệm vụ sớm đầu tư phát triển Cảng biển Nghi Sơn thành cảng 1A - cảng container chuyên dụng ngang tầm khu vực. Bên cạnh đó, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa (Nghị quyết số 37) với 8 chính sách đặc thù, trong đó có chính sách về để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng khẳng định, việc Bộ Chính trị Khóa XII ban hành Nghị quyết số 58; Quốc hội Khóa XV ban hành Nghị quyết số 37 và các thông tư, nghị định của Trung ương thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội là khung chính sách mang tính định hướng, đặt nền tảng, tạo dư địa phát triển lớn.

Thực tế, tỉnh Thanh Hóa đã xác định được tầm quan trọng của Cảng biển Nghi Sơn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đến năm 2019, vẫn chưa có hãng tàu biển vận chuyển container qua Cảng Nghi Sơn. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND ngày 4.4.2019 hỗ trợ hãng tàu biển vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn. Từ khi ban hành, triển khai thực hiện nghị quyết cho đến hết năm 2021, Cảng biển Nghi Sơn đã thu hút được 91 chuyến tàu container; hỗ trợ 89 chuyến tàu với số tiền là 17,8 tỷ đồng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn hơn 1,3 tỷ đồng; thu ngân sách khoảng 1.180 tỷ đồng.

"Cú hích" để Cảng Nghi Sơn phát triển vượt bậc, thực sự trở thành “cơn gió Đông” quý giá với kinh tế biển xứ Thanh là từ sau Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 37 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, ngày 13.7.2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn thay thế Nghị quyết 166. Theo đó, tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến; bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến; các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua cảng cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet đối với doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.

Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đỗ Ngọc Duy chia sẻ, Nghị quyết số 248 ra đời đã tạo sức hút lớn hơn đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và doanh nghiệp, tạo đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống Cảng Nghi Sơn. Đến nay, Cảng Nghi Sơn đã thu hút được 2 hãng tàu mở tuyến vận chuyển hàng hóa bằng container đi quốc tế, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2022, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng đạt 41,31 triệu tấn; 136 doanh nghiệp làm thủ tục trong năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng đạt 9,412 tỷ USD; thu ngân sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng đạt gần 20.000 tỷ đồng. Từ động lực của nguồn thu này, năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa có mức thu ngân sách đạt hơn 50.000 tỷ đồng.

Hiện đại hóa hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 248 của HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp khai thác tối ưu những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông của khu vực Cảng biển Nghi Sơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đánh giá: “Đây là một nghị quyết rất quan trọng, có nhiều đột phá trong chính sách, tiệm cận yêu cầu thực tế và kỳ vọng sẽ tiếp tục “mở đường” cho hành trình khai thác tối đa năng lực vận hành cảng biển, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các địa phương lân cận”. Ông Thi cũng khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; hỗ trợ pháp lý, cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; hỗ trợ người khai hải quan trong quá trình làm thủ tục, hỗ trợ thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị khi thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn.

Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn, hệ thống Cảng Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến, hiện có 21 bến đã đi vào hoạt động. Cảng Nghi Sơn có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 - 100.000 DWT, với năng lực xếp dỡ hàng trăm triệu tấn/năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi khẳng định, để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn, sớm đưa cảng trở thành cảng loại 1 ngang tầm khu vực, tỉnh đang khẩn trương đôn đốc các nhà đầu tư khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các bến cảng container chuyên dụng theo quy hoạch, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống máy móc, thiết bị, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa. Tập trung nạo vét luồng cảng đáp ứng luồng đủ tiêu chuẩn để các tàu có trọng tải từ 100.000 DWT ra vào cảng.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ giao cho các sở, ban, ngành nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư vào kho bãi như: miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng điện, nước, thông tin... tại các trung tâm logistics, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế.

Về định hướng dài hạn, để phát huy tối đa tiềm năng của một cảng nước sâu với hệ thống luồng lạch ít bị bồi lắng, tỉnh Thanh Hóa đang có ý tưởng sẽ đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch và ban hành cơ chế đột phá để đầu tư một cảng container trung chuyển quốc tế tại Cảng biển Nghi Sơn, gắn với việc hình thành khu Depot (cảng cạn) ở TP. Thanh Hóa, Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, KKT Nghi Sơn và các KCN. Làm được điều này, Cảng Nghi Sơn sẽ trở thành một trong những trung tâm của hoạt động logistics quốc tế và khu vực mà các hãng tàu lớn sẽ tập trung để giao nhận, phân phối hàng hóa đi thế giới, tạo bước đột phá thực sự trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước.

ĐÀO CẢNH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/con-gio-dong-cho-xu-thanh-phat-trien-vuot-bac-i340998/