Cơn giận dữ sục sôi của người Pháp

Trong khi làn sóng biểu tình và đình công tiếp tục diễn ra, chính phủ Pháp đã từ chối lời kêu gọi của các liên đoàn lao động về việc ngừng cuộc 'đại tu' hưu trí.

Nước Pháp hôm 28/3 tiếp tục bị kìm kẹp bởi một đợt đình công khác, cùng các cuộc biểu tình trên đường phố và biểu tình bạo lực lẻ tẻ chống lại cuộc "đại tu" hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.

Bạo lực gia tăng bên lề các cuộc tuần hành chủ yếu là ôn hòa vào tuần trước, làm nóng căng thẳng giữa ông Macron và những người phản đối tăng tuổi nghỉ hưu - bao gồm liên đoàn lao động, hầu hết đảng đối lập và hơn 2/3 công chúng Pháp, theo New York Times.

Nhà chức trách đã triển khai 13.000 sĩ quan trên toàn quốc trước các cuộc biểu tình hôm 28/3, trong đó hơn 5.000 cảnh sát được phân ra ở Paris - nơi nhiều cửa hàng và cơ sở kinh doanh dọc theo tuyến đường diễn ra biểu tình phải đóng cửa.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình hôm 28/3 không còn nhiều người tham gia như tuần trước và bạo lực đã giảm bớt. Khoảng 740.000 người tuần hành trên khắp đất nước, theo chính quyền Pháp, giảm so với hơn một triệu vào tuần trước.

Dù vậy, các liên đoàn lao động lại đưa ra con số ước tính cao hơn nhiều - 2 triệu người biểu tình - đồng thời kêu gọi một ngày biểu tình và đình công mới vào tuần tới.

Hai người đứng trên cột đèn giao thông dành cho người đi bộ trong ngày thứ 10 diễn ra cuộc đình công và biểu tình trên toàn nước Pháp, nhằm phản đối cải cách lương hưu. Ảnh: Reuters.

Làn sóng giận dữ

Nhiều người Pháp đã quá quen thuộc trước tình cảnh hỗn loạn hôm 28/3 sau 3 tháng xung đột. Đường và lối vào trường đại học bị phong tỏa, các chuyến tàu và chuyến bay bị hủy bỏ, các trạm xăng ở phía tây và đông nam bị thiếu hụt trong bối cảnh hoạt động ở nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu bị gián đoạn.

Rác vẫn còn chất đống ở nhiều khu phố Paris, mặc dù một trong những hiệp hội thu gom rác cho biết họ sẽ ngừng đình công vào hôm 29/3.

Ông Macron đang ở vị thế khó khăn khi cố gắng xoa dịu căng thẳng ngay giữa lúc ông tiến hành chính sách gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của mình: Tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp từ 62 lên 64.

Philippe Martinez, lãnh đạo của Confédération Générale du Travail, liên đoàn lao động lớn thứ hai của Pháp, từng nói với phóng viên tại một cuộc biểu tình ở Clermont-Ferrand, miền Trung nước Pháp, rằng đây sẽ không phải “cuộc biểu tình cuối cùng”.

Trong khi đó, gần Place de la Nation ở phía đông Paris, một nhóm sinh viên từ trên đỉnh tượng đài đồ sộ bằng đồng hô vang: “Nghỉ hưu ở tuổi 62 - chúng tôi đã chiến đấu để giành được nó, chúng tôi sẽ chiến đấu để giữ nó!”.

Tuy nhiên, vào ngày biểu tình thứ 10 trên toàn quốc, một số người đã trở nên mệt mỏi.

“Tôi đã tham gia nhiều ngày đình công và điều đó thật mệt mỏi”, Patrick Lorent, 53 tuổi, cho biết.

Lorent cho biết ông đã bỏ phiếu cho ông Macron trong vòng hai của cuộc bầu cử năm ngoái và sẽ làm như vậy một lần nữa nếu điều đó ngăn cản bà Marine Le Pen, nhà lãnh đạo cực hữu, trở thành tổng thống. Nhưng lá phiếu của ông không đồng nghĩa ủng hộ việc cải cách lương hưu.

“Chúng tôi không bỏ phiếu cho cải cách này”, ông Lorent nói. “Tại sao ông ấy không hiểu?”.

Người biểu tình đứng trên bức tượng Place de la Nation cùng khẩu hiệu "Chống lại máu và nước mắt, ước mơ và ngọn lửa". Ảnh: Reuters.

Cuộc biểu tình ở Paris trở nên căng thẳng hơn khi màn đêm buông xuống và cảnh sát đã đụng độ với những người biểu tình ở Place de la Nation, bắn hơi cay để giải tán đám đông.

Sự giận dữ không chỉ nằm ở kế hoạch lương hưu của ông Macron mà còn cả quyết định dùng quyền hiến định để khiến dự luật thông qua ở Hạ viện mà không cần bỏ phiếu

“Sự phẫn nộ và oán giận đang ở mức độ mà tôi hiếm khi thấy”, cựu Tổng thống Pháp François Hollande cho biết.

Ông Hollande nói trên kênh tin tức BFMTV rằng đây là thời điểm không thể tồi tệ hơn của ông Macron.

“Khi bạn khởi động một cuộc đại tu lương hưu trong bối cảnh lạm phát, sức mua giảm mạnh và những lo ngại về xung đột ở Ukraine, điều đó gây ra sự khó hiểu”, ông nói.

Thời điểm căng thẳng tột độ

Khi các cuộc biểu tình nổ ra, bạo lực đi kèm như một điều không tránh khỏi, theo AP.

Cuối tuần trước, hàng chục người đã bị thương khi cảnh sát Pháp và các nhà vận động môi trường đụng độ trong cuộc biểu tình ở vùng nông thôn phía Tây nước Pháp.

Chính phủ và các phe đối lập đã kêu gọi bình tĩnh, nhưng điều đó không có nghĩa họ đồng tình với nhau về vấn đề gây tranh cãi. Đối với liên đoàn lao động, việc tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp luôn là điều không có triển vọng thành công. Nhưng đối với ông Macron, cần phải cân bằng tài chính cho hệ thống lương hưu của Pháp mà theo ông là không bền vững.

“Chúng ta đang ở trong thời điểm căng thẳng tột độ, với sự phẫn nộ rất sâu sắc và sự tức giận dâng cao”, Laurent Berger, lãnh đạo Liên đoàn Lao động Dân chủ, liên đoàn lao động lớn nhất của Pháp, nói trên đài truyền hình France 2.

Cảnh sát chống bạo động Pháp tại một cuộc biểu tình ở Paris vào 28/3. Ảnh: Reuters.

Các liên đoàn lao động cho biết họ sẵn sàng thảo luận về những thay đổi đối với luật lao động và hệ thống hưu trí chỉ khi chính phủ rút lại cuộc đại tu hiện nay.

Chính phủ nói rằng họ muốn thảo luận về vấn đề đó nhưng luật hưu trí đã được thông qua và từ chối yêu cầu của ông Berger về điều mà công đoàn gọi là “hòa giải” để vượt qua khủng hoảng.

“Tôi đã chịu đủ những lời từ chối thảo luận và đối thoại thẳng thừng này rồi”, Ông Berger nhanh chóng đáp trả, nói với các phóng viên trước cuộc tuần hành ở Paris.

Bế tắc ngày càng trở nên gay gắt. Các nhà lập pháp thuộc đảng của ông Macron nói rằng họ đã nhận được những lời dọa giết. Theo chính phủ, hàng chục tòa nhà như tòa thị chính và đồn cảnh sát, cùng hơn 100 văn phòng của các nhà lập pháp, đã trở thành mục tiêu trong vụ phá hoại và đốt phá những tuần qua. Hơn 800 sĩ quan bị thương trong cuộc biểu tình, theo chính phủ.

Nhưng các công đoàn, luật sư, nhóm nhân quyền và Hội đồng Châu Âu nói rằng chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng, cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức.

Cơ quan giám sát và kỷ luật nội bộ của cảnh sát đã mở 17 cuộc điều tra về các hành vi sai trái liên quan đến cuộc biểu tình.

Luật hưu trí sẽ có hiệu lực trừ khi Hội đồng Hiến pháp, cơ quan xem xét luật để đảm bảo rằng nó phù hợp với Hiến pháp Pháp, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ luật. Một phán quyết dự kiến được đưa ra vào tháng 4.

“Căn cứ vào thực tế, cuộc đối đầu có vẻ sẽ tiếp tục trong vài tuần”, Mujtaba Rahman, nhà phân tích tại Eurasia Group, nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-gian-du-suc-soi-cua-nguoi-phap-post1416627.html