Con gái tiến sĩ của nhạc sĩ Hoàng Vân gai người khi lần đầu nghe 'Điện Biên Phủ'

Tiến sĩ Lê Y Linh - con gái nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ trước đây không biết gì về tác phẩm này vì lúc nó được diễn khi chị đã không ở Việt Nam. Khi nghe ''Điện Biên Phủ' lần đầu, chị thật sự thấy gai người.

Tiến sĩ Lê Y Linh

Ý tưởng viết xong trong vòng 1 nốt nhạc

- Chị đã bắt tay viết kịch bản chương trình 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên' từ khi nào? Điều khó nhất khi viết kịch bản một chương trình ý nghĩa đánh dấu dịp đặc biệt thế này là gì?

Đây là kịch bản âm nhạc nên khi có ý tưởng rồi cũng đơn giản để lên mạch. Kịch bản Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên sẽ diễn ra ngày 2,3/5 tại Nhà hát Hồ Gươmthật ra không chiếm nhiều thời gian vì ý tưởng có lẽ được tôi chiêm nghiệm trong vô thức từ khi tìm được cuốn Tập nhạc được giải, chỉ cần 1 phút xuất thần là viết xong trong vòng một nốt nhạc. Phút ấy diễn ra vào đầu năm, khi lịch về Việt Nam của hai chị em trùng được vài ngày.

Sau đó là phần ngôn ngữ thực hiện (thành phần biểu diễn, phong cách phối khí, hiệu quả nghệ thuật). Phần này tôi và Phi (nhạc trưởng Lê Phi Phi - PV) chỉ trao đổi ngắn gọn lần đầu trong độ nửa giờ. Sau đó, Phi kiểm tra khả năng thực thi, trao đổi với một số bạn có kinh nghiệm sản xuất chương trình từ đó trau chuốt lại và hoàn chỉnh dần. Tôi đặt câu hỏi và Phi cho tôi câu trả lời, hai chị em cùng cân nhắc và chốt.

Điều khó nhất là lựa chọn tác phẩm. Với thời lượng của một chương trình, lựa chọn tác phẩm nào trong hàng trăm tác phẩm là câu hỏi lớn, có lẽ là câu hỏi lớn nhất để phục vụ cho thông điệp muốn truyền tải là Tinh thần Điện Biên Phủ và dòng âm nhạc hàn lâm Việt Nam.

- Chương trình thông qua âm nhạc để tái hiện hào khí chiến thắng và cả những hy sinh anh dũng của quân và dân trong Chiến dịch Điện Biên lịch sử, vậy yếu tố nào là quan trọng nhất khi viết kịch bản, thưa chị? Làm sao đảm bảo sự nghiêm cẩn nhất có thể khi đưa dữ liệu mình viết vào kịch bản trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối lịch sử?

Tôi xin nhắc lại đây trước hết là một kịch bản âm nhạc. Mạch của kịch bản được khai thác từ một tài liệu quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Khi giao thoa các ý tưởng chúng tôi đã dựng được khung chương trình. Ý tưởng tái hiện, tri ân, hồi tưởng về chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ được hình thành từ sức mạnh của âm nhạc, của giai điệu, nhịp điệu, phối khí, nội dung lời hát. Và các nghệ sĩ có trọng trách truyền tải một cách biểu cảm nhất những tác phẩm được chơi.

- Chị kỳ vọng điều gì ở chương trình bởi chắc chắn không chỉ khán giả Việt Nam mà khán giả nước ngoài - trong đó có cả người Pháp cũng có thể xem 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên'? Làm thế nào để thông qua âm nhạc, chương trình không chỉ thể hiện được tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thay đổi vận mệnh của một quốc gia, gây chấn động địa cầu 70 năm trước mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc của người Việt khắp 5 năm châu?

Tôi muốn kể song song về câu chuyện của dòng âm nhạc hàn lâm Việt Nam, được phôi thai, sinh ra và trưởng thành từ những năm 1950 và chỉ 15 năm sau ngày giành độc lập, 6 năm sau chiến thắng, những tác phẩm hàn lâm Việt Nam đã ra đời, được biểu diễn. Khi tôi đề cập tới thông điệp tinh thần Điện Biên Phủ đã tạo nên những con người kiệt xuất cả trên chiến trường và trong nghệ thuật, tức muốn nói tới các tác phẩm âm nhạc hàn lâm Việt Nam.

Ngôn ngữ của âm nhạc hàn lâm đã trở thành một trong những ngôn ngữ chung của nhân loại. Và việc các nhạc sĩ Việt Nam làm chủ được ngôn ngữ này qua các tác phẩm của mình đặc biệt có ý nghĩa trong việc đưa vận mệnh văn hóa và lịch sử của dân tộc sánh vai các cường quốc năm châu.

Có rất nhiều người Pháp lớn tuổi khi tôi gặp vẫn có những trao đổi, băn khoăn về Đông Dương, về Điện Biên Phủ. Nhưng tôi kỳ vọng là sau thông điệp ý nghĩa và tri ân, thông điệp nghệ thuật của chương trình với tính thuyết phục của âm nhạc sẽ là điểm nhấn mà khán giả ghi nhớ.

Thật ra, Hò kéo pháo cũng hay được nhắc đến trong nhiều dịp truyền thông kỷ niệm năm chẵn Điện Biên Phủ ở Pháp, thậm chí buổi phát thanh ngày 7/5/2014 (kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ) của Đài France Inter trong chuỗi phát sóng La Marche de l'histoire (Bước chân lịch sử) đã mang tiêu đề Bài hát Hò kéo pháo của Hoàng Vân.

Tiến sĩ Lê Y Linh cùng em trai Lê Phi Phi khi còn bố mẹ.

Muốn khóc vì xúc động mỗi lần nghe lại 'Hò kéo pháo' của cha mình

- Tôi rất muốn nghe Tiến sĩ chia sẻ về điểm đặc biệt của chương trình? Tác phẩm nào được chị lựa chọn để đưa vào kịch bản? Cảm xúc của chị khi tác phẩm 'Hò kéo pháo' của ba mình cũng có mặt trong 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên'? Chị và anh Lê Phi Phi có kỷ niệm nào về tác phẩm này?

Về cấu trúc nội dung, phần I - Chiến thắng - tái hiện lại không khí ngày Đại hội bằng 3 ca khúc được giải, cùng một ca khúc khác có tính lịch sử: Biết ơn chị Võ Thị Sáu (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn) và kết thúc bằng bản Bác đang cùng chúng cháu hành quân (nhạc sĩ Huy Thục) với ý tưởng cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước vẫn còn tiếp tục sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Phần II mang tên Hồi tưởng.

Điểm đặc biệt của chương trình là tôn vinh sự đa dạng của ngôn ngữ âm nhạc hàn lâm: từ các bản phối với phong cách khác nhau trên những giai điệu, bài hát đã biết, cho đến sáng tạo một tác phẩm với phong cách chưa từng có như bản Fantaisie cho piano và dàn nhạc trên chủ đề của Mừng chiến thắng Tây Bắc.

Hay ví dụ như Giao hưởng hợp xướng Điện Biên Phủ là một tác phẩm thuộc về một thể loại hiếm có trong âm nhạc cổ điển thế giới, đó là thanh khí nhạc (từ của PGS. TS Nguyễn Thụy Loan); là tác phẩm cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng nhưng bao gồm 4 chương và phần mở đầu như hình thức của một tổ khúc giao hưởng (nhạc trưởng Trần Vương Thạch). Các thang âm, điệu thức của âm nhạc cổ truyền Việt Nam tái hiện lại trong những tác phẩm hàn lâm Việt Nam đã làm giàu cho âm nhạc hàn lâm thế giới.

Tôi muốn nói về bản giao hưởnghợp xướng Điện Biên Phủ. Trước đây tôi không biết gì về tác phẩm này vì lúc nó được diễn tôi đã không ở Việt Nam. Khi nghe lần đầu, tôi thật sự thấy gai người vì có những câu ca từ thật sự làm mình muốn khóc vì xúc động, được hát trên những giai điệu thật đẹp. Với chủ đề Điện Biên Phủ và cũng để tôn vinh các tác phẩm hàn lâm Việt Nam, tôi nghĩ đây là sự lựa chọn xứng đáng.

Thưởng thức tác phẩm 'Hò kéo pháo' (nguồn: VTV)

- Chị cùng nhạc trưởng Lê Phi Phi lên ý tưởng xây dựng kịch bản và giờ chính em trai là tổng đạo diễn và chỉ huy chương trình. Chị có thể nói gì về sự kết hợp này trong một sự kiện âm nhạc lớn và có phần trình diễn tác phẩm của chính cha mình? Chị kỳ vọng gì với hai đêm diễn 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên' ở Nhà hát Hồ Gươm?

Thứ nhất là sự kết hợp của hai chị em. Chúng tôi cùng nhau làm việc trên bộ sưu tập tác phẩm của cha mình từ 2018, tức là đã 6 năm nay, nên cũng hiểu cách làm của nhau: cô đọng, chuyên nghiệp, ai nắm được chuyên môn gì thì chuyên mảng đó. Bí quyết là nếu có việc gì bị nhỡ hay chưa được như ý mặc dù người kia đã làm hết sức mình thì người còn lại cố gắng giúp được việc gì hay việc đó. Thật ra sau khi kịch bản được duyệt và một số nội dung được bàn bạc, thông qua thì công việc của tôi gần như dừng lại ở đó. Trách nhiệm chủ yếu đặt lên vai Phi, các nhạc sĩ phối khí và toàn bộ các dàn nhạc, dàn hợp xướng và nghệ sĩ tham gia.

Thứ hai là tác phẩm của cha. Tôi rất thích câu ca dao "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" bởi thành công của chương trình là thành công của tất cả các tác phẩm. Mặc dù cũng là nhiều duyên hợp lại nên có tác phẩm của cha chúng tôi, nhưng khi vào làm việc tất cả các tác phẩm được chơi đều phải trải qua công đoạn kiểm định, luyện tập ngặt nghèo như nhau: tổng phổ, phân phổ, phân ca sĩ nghệ sĩ, vỡ bài, tập riêng, tập trung.

- Thời gian gần đây dường như chị về Việt Nam nhiều hơn, ông xã ngoại quốc có than phiền gì không? Chị có thể chia sẻ về một nửa của mình cùng những người con?

Đã kín tiếng rồi thì nên kín tiếng nốt nhỉ (cười). Chồng tôi và cả gia đình rất đồng cảm với những việc tôi làm, hình ảnh tôi gắn với việc ngồi sáng - trưa - chiều - tối bên máy tính từ bao năm nay, không những làm về âm nhạc mà còn nhiều việc khác nữa. Lần này về Việt Nam tôi cũng may mắn ra được một cuốn sách chuyên khảo về nhạc hát văn và tín ngưỡng hầu bóng ra mắt vào ngày 4/5/2024.

Quỳnh An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-gai-tien-si-cua-nhac-si-hoang-van-gai-nguoi-khi-lan-dau-nghe-dien-bien-phu-2274770.html