Con gái ông Thaksin mang kỳ vọng hồi sinh quyền lực của gia đình

Bà Paetongtarn Shinawatra sẽ có 8 tuần chờ đợi phía trước để xem liệu bà sẽ đưa gia đình Shinawatra trở lại nắm quyền đất nước, hay tiếp tục phải đứng ngoài.

 Bà vận động tại Đại học Thammasat ở Bangkok ngày 17/3. Ảnh: AP.

Bà vận động tại Đại học Thammasat ở Bangkok ngày 17/3. Ảnh: AP.

Người dân Thái Lan sẽ đi bầu cử vào ngày 14/5, với nhiều người mong muốn có một sự thay đổi sâu rộng, sau 9 năm nắm quyền của cựu tư lệnh quân đội, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

Gia đình Shinawatra bước vào cuộc đua năm nay với tâm điểm hướng về bà Paetongtarn, người vốn đang mang bầu đứa con thứ 2 được 8 tháng. Đảng Pheu Thai của bà cũng dự kiến giành được hàng triệu phiếu bầu từ khu vực miền Bắc, nơi cử tri dành sự trung thành cho người cha của bà, cựu Thủ tướng Thaksin.

"Chúng tôi sẵn sàng giải cứu đất nước”, bà Paetongtarn nói vào hôm 21/3 bên ngoài đền City Pillar.

Napon Jatusripitak, thành viên tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định kỳ bầu cử năm nay sẽ quyết định liệu gia đình Shinawatra sẽ giành lại hào quang, hay sẽ mãi mãi xa rời quyền lực.

Dù vậy, đây sẽ là một cuộc đua không dễ dàng, khi đảng Pheu Thai sẽ gặp những thách thức đến từ những phe ủng hộ ông Prayuth, theo South China Morning Post.

Một dấu hỏi khác là liệu quân đội có cho phép đảng Pheu Thai của bà lập chính phủ mới dù giành chiến thắng hay không. Trước đây, quân đội Thái Lan từ chối trao quyền cho các chính trị gia dân sự, và đã có 13 cuộc đảo chính từ năm 1932, với hai trong số đó nhắm vào người nhà Shinawatra - hai cựu Thủ tướng Thaksin (năm 2006) và em gái Yingluck (năm 2014).

Ông Thaksin đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2001, với các cam kết trợ cấp học bổng và y tế cho người nghèo. Tuy vậy, ông bị quân đội phế truất vào năm 2006, và chưa từng trở lại Thái Lan từ năm 2008 do dính cáo buộc tham nhũng, mà ông cho rằng có động cơ chính trị.

Cuộc đua gay cấn

Đảng Pheu Thai sẽ giành chiến thắng vang dội nếu có được 310 ghế, đủ lớn để lập liên minh với 500 nghị sĩ ở Hạ viện, và vượt trội hơn 250 thành viên không qua bầu cử ở Thượng viện.

Dù đảng Pheu Thai thắng đa số ghế, vẫn chưa chắc đảng này có thể bầu ra vị trí thủ tướng. Chức vụ cao nhất chính phủ Thái Lan được chọn từ cuộc bỏ phiếu kết hợp giữa các nghị sĩ dân bầu ở Hạ viện và các nghị sĩ bổ nhiệm ở Thượng viện, theo AP.

Những thành viên Thượng viện hiện nay do ông Prayuth chọn, do đó nhiều khả năng sẽ bầu cho ứng viên phe bảo thủ và chống lại những người thuộc gia đình Shinawatra.

 Bà Paetongtarn Shinawatra và ông Srettha Thavisin, tỷ phú bất động sản và cố vấn cho đảng Pheu Thai, vận động trong ngày 17/3. Ảnh: AP.

Bà Paetongtarn Shinawatra và ông Srettha Thavisin, tỷ phú bất động sản và cố vấn cho đảng Pheu Thai, vận động trong ngày 17/3. Ảnh: AP.

Pheu Thai đã bắt đầu quá trình vận động và hướng đến những khu vực "chiến địa", nơi cử tri có thể thay đổi người ủng hộ, tùy thuộc vào các cam kết của ứng viên.

Một trong số đó là gia đình Khunpluem, những người thống trị bờ biển Đông Thái Lan. Họ từng ủng hộ ông Prayuth, nhưng khi đất nước bỏ phiếu vào tháng 5, họ có thể một lần nữa đứng về phía gia đình Shinawatra.

"Để hoàn thành công viên cho mọi người, tôi nghĩ tốt nhất nên hợp tác với một đảng lớn hơn. Vì vậy tôi sẽ trở lại với đảng Pheu Thai", ông Sonthaya Khunpluem, người từng giữ các chức bộ trưởng dưới thời gia đình Shinawatra, cho biết.

Dù đang sống ở Dubai, ông Thaksin vẫn có những ảnh hưởng lên chính trường Thái Lan.

Xuất thân từ cảnh sát và trở thành tỷ phú, ông tận dụng mối quan hệ để thu hút những chính trị gia địa phương đứng về phía gia đình, Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, nói.

Nhưng chiến thắng sẽ không đến từ sự thay đổi lòng trung thành của các mạng lưới chính trị. Thay vào đó, "sự hồi tưởng" về quá khứ cầm quyền sẽ là động lực bầu cử mạnh mẽ, ông Thitinan nhận định.

Những đảng tạo ảnh hưởng lớn

Các đảng lớn cạnh tranh trong cuộc bầu cử lần này còn bao gồm đảng Bhumjaithai - đã tài trợ cho việc hợp pháp hóa cần sa gần đây ở Thái Lan và có thể đóng vai trò quan trọng trong chính trường nước này.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng sẽ là địa chấn nếu ông Prayuth Chan-ocha của đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất giành được đa số trong 750 phiếu từ hai viện để trở lại vị trí thủ tướng.

 Thủ tướng Prayuth Chan-ocha (mặc quân phục, ở giữa) là ứng viên tiềm năng của phe bảo thủ trong bầu cử sắp tới. Ảnh: AP.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha (mặc quân phục, ở giữa) là ứng viên tiềm năng của phe bảo thủ trong bầu cử sắp tới. Ảnh: AP.

Giới chuyên gia cũng cho rằng đảng Tiến lên dành cho giới trẻ cũng có thể là một nhân tố quan trọng sau kỳ bầu cử năm nay, với nhiều người trong số bốn triệu cử tri lần đầu đi bầu ủng hộ đảng này.

Tiền thân của đảng Tiến lên là đảng Tương lai Phía trước bất ngờ nổi lên vào năm 2019 và đã giành khoảng 6 triệu phiếu bầu, khiến các đảng lâu đời cũng phải dè chừng. Đảng này mang những luận điểm cứng rắn muốn phá vỡ khuôn mẫu chính trị cũ, loại bỏ quân đội khỏi chính trị, giải quyết các vấn đề độc quyền và bảo vệ nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận.

Dù đã bị giải thể, đảng kế nhiệm là Tiến lên cũng thu hút được lượng cử tri "Gen Z" trung thành.

Những người này đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn tại Bangkok vào lúc đại dịch, gây thách thức đáng kể cho chính quyền ông Prayuth. Những người ủng hộ đảng Tiến lên cũng từng kêu gọi cải cách chế độ quân chủ của đất nước.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-gai-ong-thaksin-mang-ky-vong-hoi-sinh-quyen-luc-cua-gia-dinh-post1415303.html