Con đường bí ẩn đưa khách chiêm bái, vãn cảnh ngôi miếu trên đảo ở Vũng Tàu

Du khách phải căn những ngày nước rút, vượt qua con đường đá lởm chởm, sắc nhọn để ra miếu Hòn Bà, TP Vũng Tàu chiêm bái, vãn cảnh.

Hòn Bà là một hòn đảo đá duy nhất ở ven bờ biển Vũng Tàu, khi thủy triều lên, sóng cao đánh dập dờn quanh hòn đảo nằm trơ trọi cách chân núi, Bãi Sau, TP Vũng Tàu khoảng 200m. Thời điểm thủy triều rút sẽ lộ ra con đường đi bộ bí ẩn, độc đạo ra đảo thu hút rất đông người dân và du khách tham quan.

Muốn ra đảo và trở vào đất liền du khách phải “xem ngày, xem giờ”, canh lịch thủy triều xuống theo từng tháng mới đi được bằng con đường đá.

Thông thường, mỗi tháng có hai dịp vào những ngày mồng 1 âm lịch hay ngày rằm con đường đá màu xám gập ghềnh sẽ hiện ra. Không cố định về thời gian mà tùy vào con nước, nước biển sẽ rút vào buổi sáng sớm, buổi chiều hoặc đêm.

Con đường thường chìm dưới nước biển, đá lởm chởm bị bám rêu, phủ đầy sò, hàu biển sắc nhọn khiến người đi qua dễ bị trơn trượt té ngã, cứa xước da, gây thương tích.

Đường đi trơn trượt, đá đầy hàu bám nên phải cẩn thận, mắt luôn phải nhìn từng hòn đá di chuyển chậm từng bước một cách chắc chân. Nhiều người mang theo nhiều lễ vật để cúng bái, thắp hương ngôi miếu trên đảo nhỏ.

Trẻ nhỏ thường được người lớn bồng bế, dắt theo sau. Trung bình mất khoảng từ 10 -15 phút để ra tới chân đảo. Rất nhiều du khách khi tới Vũng Tàu muốn được trải nghiệm đi trên con đường bí ẩn, độc đáo này.

Đảo nhỏ có diện tích khoảng 5.000m2, được bao phủ màu xanh của một số cây dừa, cau, dương và sứ…là một thắng cảnh đẹp của TP Vũng Tàu. Trên đảo còn có dấu tích của những lô cốt, hầm các thời kỳ trước để lại.

Đảo nhỏ Hòn Bà là nơi có miếu Bà (hay còn gọi miếu Hòn Bà), ngoài những ngày thường, hàng năm nơi đây tổ chức 4 lần lễ hội vào rằm tháng Giêng, tháng 4, tháng 7, tháng 10 (âm lịch). Đầu buổi nước ròng, khi thủy triều rút cạn, hàng nghìn người dân địa phương và du khách ra đảo dự lễ hội, tham quan, ngắm cảnh.

Ngôi miếu nhỏ trên đảo được lập năm 1781, thờ Thủy Long thần nữ. Trải qua hơn 200 năm, dân làng Thắng Tam đã nhiều lần đóng góp kinh phí, sửa chữa trùng tu trở thành nơi thờ phụng khang trang. Kiến trúc chính của miếu gồm cổng và tòa chánh điện.

Tòa chánh điện là nơi thờ Thủy Long thần nữ, vị nữ thần dân gian chịu trách nhiệm quản lý các miền biển, sông nước. Phần dưới trung tâm miếu thờ bài trí bàn thờ đặt bài vị và 5 pho tượng Ngũ Hành Nương Nương với ý nghĩa tín ngưỡng mang giá trị tưởng niệm, tri ân và nhân văn.

Các am nhỏ bên ngoài chánh điện cũng là nơi để người dân, du khách chiêm bái, ngư dân cầu mong các chuyến đi biển được thuận lợi, gặp nhiều may mắn.

Ngoài chiêm bái, xin tài lộc, sức khỏe… tại miếu Bà, du khách thường lên đảo để vãn cảnh, thư giãn, chụp hình với nhiều góc chụp ấn tượng, khung cảnh biển rộng bao la.

Nơi đây có vị trí đẹp, có thể phóng tầm mắt ra đường chân trời trên biển, vừa hóng gió biển mát rượi vừa ngắm, bình minh, hoàng hôn hay những con tàu lớn nhỏ di chuyển từ xa.

Đây cũng là không gian lý tưởng cho nhiều bạn trẻ khám phá, lưu lại những hình ảnh tuyệt đẹp.

Hòn Bà là một trong những địa điểm thu hút du khách trải nghiệm của TP Vũng Tàu.

Thời gian triều rút không lâu, khách ra đảo phải căn thời gian nước lên để trở vào đất liền đúng thời điểm bởi chỉ sau vài tiếng con đường sẽ bị nhấn chìm dưới nước biển.

Vào những ngày nước lớn, cách duy nhất để ra miếu Bà là di chuyển bằng thuyền vượt qua những tảng đá ẩn hiện, gồ gề dưới nước biển.

Lê Quân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/con-duong-bi-an-dua-khach-chiem-bai-van-canh-ngoi-mieu-tren-dao-o-vung-tau-c14a59249.html