'Con dốc dài mang thương nhớ đi xa'

2 năm trước, khi lần đầu đến TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), bạn tôi đã thốt lên: 'Những cung đường ở Pleiku thật đẹp và lãng mạn. Ai đã từng thả bộ trên con dốc dài như cánh sóng nền nã mới cảm nhận được những thú vị của Phố núi xinh đẹp này'. Và, khi rời xa, bạn tôi đã chuyển cho tôi đôi câu ứng tác đầy cảm xúc: 'Ai đến đây rồi cũng một lần lên xuống/Con đường nào nhịp thở cũng trào dâng/Những cánh võng ru ta vào cõi mộng/Con dốc dài mang thương nhớ đi xa'.

Vùng đô thị Pleiku ngày nay, theo phân tích địa lý thì nó nằm gần giữa cao nguyên Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai, có hình mái vòm, thấp dần từ phía Bắc đến phía Nam mà đỉnh cao nhất là Chư Hdrung (Hàm Rồng) với độ cao 1.028 m. Xung quanh ngọn núi này là những đồi núi và thung lũng ở độ cao trung bình so với mực nước biển 700-800 m và thấp dần đến 400 m. Thế hệ những người đi mở đất đã chọn khu vực lưng chừng đồi phía Bắc núi Hàm Rồng lập nên “xóm” người Kinh đầu tiên Hội Thương-Hội Phú, nằm bên con suối Ia Nắc (suối Hội Phú). Từ nhóm nhỏ đó, nay đã mở rộng thành một đô thị miền núi đặc trưng nổi bật ở Bắc Tây Nguyên.

Con dốc dài trên đường Thống Nhất. Ảnh: Nguyên Võ

Con dốc dài trên đường Thống Nhất. Ảnh: Nguyên Võ

Có thể nêu đôi nét đặc thù của Pleiku như sau: Một là, “Phố núi cao/Phố núi đầy sương”. Còn nhớ, từ năm 1975 về trước, đô thị Pleiku không rộng như hiện tại nhưng còn nhiều cây xanh, nhất là thông ba lá nên lắm sương mù kể cả mùa khô và mùa mưa, nhất là vào buổi sáng và chiều tà. Đặc thù thứ hai, đó là đô thị nằm trong vành đai núi lửa đã tắt hàng triệu năm mà điển hình là còn ngọn núi lửa dương nằm phía Nam thành phố là Chư Hdrung và phía Bắc là miệng núi lửa âm-hồ Ia Nueng (Biển Hồ). Đặc thù thứ 3 là những dốc phố đầy lãng mạn trên các cung đường. So sánh với các đô thị ở Tây Nguyên như: Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Gia Nghĩa có thể có một số đặc điểm về địa lý, khí hậu tương đồng nhưng quan sát vào chi tiết thì hoàn toàn khác biệt với TP. Pleiku khi tiếp cận thực địa.

Chính địa hình TP. Pleiku nằm trong quần thể các ngọn đồi bát úp được chia cắt bởi nhiều thung lũng cạn, nằm trên trục quốc lộ 19 và 14 đã tạo nên những con phố và những cung đường nhấp nhô lượn sóng. Có thể kể đến đầu tiên là đường Hùng Vương (trước là đường Hoàng Diệu) vào nội đô từ đầu phố hướng Đông-Nam chạy về phía Tây có độ dốc dài thẳng, có cánh võng phía suối Hội Phú là mang dấu ấn cho những ai lần đầu đến Phố núi. Ngày trước, khi còn đi học, mỗi buổi sáng, tôi ở nhà trong một con hẻm đường Hoàng Diệu ngay con dốc, thường thức dậy sớm và rất đúng giờ (khoảng 4 giờ 30 phút) là nhờ tiếng xe lam chở khách và hàng hóa lên Chợ Mới (Trung tâm Thương mại Pleiku hiện nay). Đến đoạn đường dốc này, tài xế phải vào số mạnh, tăng ga, inh ỏi cả khu phố. Mà đâu phải một vài chiếc, cả “binh đoàn” xe lam, phương tiện chuyên chở chính lúc bấy giờ. Tôi cuốc bộ đi học sáng-chiều trên con đường thân thuộc ấy nên con dốc phố cũ trở thành ký ức khó quên. Ngày nay, đường Hùng Vương được mở rộng, thông thoáng hơn. Ban đêm, nhìn từ trên cao trong ánh đèn rực rỡ với hai làn xe ra vào phố tạo nên vòng cung cánh võng lung linh. Từ ngã ba Phù Đổng đi về hướng Đông Nam theo đường Trường Chinh, du khách được thưởng lãm một con dốc dài hun hút với đỉnh Hàm Rồng đầy nắng gió. Cái cảm giác cao nguyên đầy thi vị mà bất kỳ ai cũng có thể chiêm nghiệm được với không gian hoành tráng nơi cung đường này.

Nếu chạy thẳng đường Hùng Vương, tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Cừ, vượt qua núi Đá đi về hướng huyện Ia Grai, chúng ta gặp con đường tránh (đường Hồ Chí Minh tuyến tránh đô thị Pleiku), xuất phát từ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) về hướng Chư Prông mới đưa vào sử dụng đến nay được vài năm nhưng đã thu hút giới trẻ tìm đến check-in, nhất là vào mùa hoa cà phê nở rộ và mùa hoa dã quỳ khoe sắc. Có thể nói, đây là cung đường ngang qua Phố núi với độ cong cánh võng và con dốc dài lướt qua những ngọn đồi và thung lũng một cách mềm mại, hấp dẫn đặc biệt. Không gian hai bên đường rộng mở với những lô cà phê bạt ngàn và những thung lũng vàng khi mùa lúa chín tạo nên nét cao nguyên hoành tráng, lãng mạn.

Cung đường nội đô lượn cánh sóng êm như ru chạy từ ngã ba Hoa Lư ra phía Biển Hồ theo trục Bắc-Nam về Kon Tum-đường Phạm Văn Đồng (trước năm 1975 gọi là đường Phạm Phú Quốc). Thế hệ học sinh trước giải phóng (1975) luôn nhớ về con đường cũ và con dốc mềm ngày ấy với những ngôi trường xưa như: Trường Nông lâm súc, Trường Trung học Phạm Hồng Thái, đặc biệt là Trường Nữ Trung học Plei Me (nằm trên con đường nhánh Tô Vĩnh Diện, nay là Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi). Con đường ngày nay rộng mở 2 chiều, khang trang, mở ra một hành lang thông thoáng cho du khách đi về phía Sân bay Pleiku hay đến thưởng ngoạn khu du lịch Biển Hồ. Cung đường này chạy ven theo thung lũng Hoa Lư bên phải, có nhiều đoạn uốn lượn hình cánh sóng với con dốc khiêm nhường, như đoạn từ Trường THCS Phạm Hồng Thái đến Sở Khoa học và Công nghệ; từ Sở Khoa học và Công nghệ đến Công ty cổ phần In-Đầu tư phát triển Giáo dục Gia Lai; rồi từ đường tránh vào Sân bay Pleiku trườn lên con dốc thoai thoải đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rất êm đềm, thoáng đãng tạo cảm giác dễ chịu.

Con đường mới hai chiều Nguyễn Tất Thành từ ngã ba Hoa Lư đến ngã tư Phù Đổng, chạy về hướng Đông Nam-núi Hàm Rồng, tuy không dài nhưng tạo nên hình cánh cung với 2 đầu dốc thoai thoải, xinh xinh, gây được ấn tượng mạnh cho những ai lần đầu tiếp cận Phố núi.

Đây là những cung đường và những đoạn dốc để lại dấu ấn cho nhiều du khách khi đến Pleiku và cũng là những cung đường đẹp mắt mà giới nhiếp ảnh để tâm với nhiều tấm ảnh đẹp. Tất nhiên, con đường nào ở phố núi Pleiku cũng đều mang vẻ đẹp đặc trưng của cao nguyên, mà ở đó những con dốc phố bao giờ cũng để lại những cảm xúc lạ khó quên.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/con-doc-dai-mang-thuong-nho-di-xa-post249173.html