Con dao hai lưỡi

Mỹ và Anh gần đây đã thông báo cấm nhập khẩu một số mặt hàng kim loại từ Nga gồm đồng, nhôm và niken nhằm giảm nguồn thu của Moscow từ ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng lệnh cấm sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của chính Washington và London, cũng như tác động lên giá kim loại trên thị trường thế giới.

Theo RT, niken, đồng và nhôm đã tăng giá sau lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng kim loại này có nguồn gốc từ Nga do Mỹ và Anh công bố hôm 12-4. Ví dụ, trong phiên giao dịch hôm 15-4, giá niken trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), nơi thiết lập mức giá giao dịch tiêu chuẩn trên toàn cầu, đã tăng 9,3% và lần đầu tiên kể từ tháng 9-2023 đạt 19.350USD/tấn. Trong khi đó, nhôm tăng giá 9,9% lên 2.730USD/tấn và đồng tăng 2,5% lên 9.640USD/tấn. Các sàn giao dịch quốc tế như LME và Chicago Mercantile Exchange (Mỹ) sẽ không còn có thể nhận các lô hàng kim loại mới từ Nga.

Sau động thái của Mỹ và Anh, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, đánh giá lệnh cấm của Washington và London nhằm vào kim loại Nga có thể trở thành đòn giáng mạnh vào các nước này. Ông Peskov nhấn mạnh: “Đây là con dao hai lưỡi. Chắc chắn lệnh cấm sẽ đánh vào lợi ích của những bên áp đặt nó”.

Ông Peskov cũng lưu ý sự ổn định giá kim loại trên thị trường thế giới đã bị ảnh hưởng sau lệnh cấm, đồng thời khẳng định chính quyền Nga sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến trong ngành luyện kim. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhận định, với lệnh cấm nhập khẩu kim loại từ Nga, Mỹ muốn thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc kiềm chế Moscow. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến Washington và các đồng minh bị ảnh hưởng. Ông Antonov cho rằng Mỹ đã buộc các công ty của nước này phải từ chối những hợp đồng béo bở với các nhà cung cấp đáng tin cậy của Nga.

Các sản phẩm nhôm tại nhà máy luyện nhôm của Nga. Ảnh: RIA Novosti

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Nga là một trong những nước dẫn đầu trên thị trường kim loại toàn cầu. Vào cuối năm 2023, Nga chiếm gần 6% sản lượng niken, hơn 5% sản lượng nhôm và hơn 4% sản lượng đồng trên toàn cầu. Trong các kho của LME, kim loại của Nga chiếm tỷ trọng khá lớn. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3 vừa qua, nhôm, đồng và niken của Nga lần lượt chiếm tỷ trọng 91%, 62% và 36% trong kho của LME.

Nhà phân tích tài chính Vladislav Antonov của BitRiver, công ty cung cấp thiết bị khai thác lớn nhất ở Nga, nhận định: “Theo tôi, hành động của Mỹ và Anh có mục đích kép. Cả hai nước không chỉ muốn hạn chế xuất khẩu kim loại của Nga mà còn muốn kích thích hoạt động sản xuất của chính họ. Bằng cách gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường và tăng giá, Washington và London có thể cố gắng thu hút thêm đầu tư để phát triển ngành luyện kim quốc gia. Tuy nhiên, triển vọng cho một chiến lược như vậy có vẻ mơ hồ”.

Theo nhà phân tích tài chính Antonov, Nga sẽ tích cực tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu kim loại của mình, chủ yếu ở Trung Quốc và các nước thân thiện khác. Điều này sẽ cho phép Moscow vượt qua một phần các biện pháp trừng phạt của phương Tây, trong khi Washington và London có thể tạm thời phải đối mặt với tình trạng giá niken, nhôm và đồng tăng mạnh. Kim loại của Nga rất có thể sẽ tiếp tục đến châu Âu và Bắc Mỹ thông qua các nước thứ ba. Điều sẽ làm tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng. “Nhìn chung, tôi nghĩ Nga sẽ làm mọi cách có thể để giảm thiểu thiệt hại từ những hạn chế mới”, ông Antonov nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm của mình với RIA Novosti, chiến lược gia trưởng Maxim Khudalov của công ty đầu tư Vector X (Nga) cho rằng lệnh cấm sẽ có tác động không đáng kể đến các nhà sản xuất trong nước. Trên thực tế, Moscow đã định hướng lại việc cung cấp các sản phẩm luyện kim từ hướng Tây sang hướng Đông. Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong hai năm qua, kim ngạch xuất khẩu nhôm của Nga sang Mỹ đã giảm từ 612 triệu USD xuống còn 44 triệu USD. Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu nhôm của Nga sang Trung Quốc tăng từ 812 triệu USD lên 2,87 tỷ USD trong hai năm qua.

Nhà phân tích Vladimir Chernov của công ty tư vấn Freedom Finance Global (Kazakhstan) cho biết: “Vào cuối năm 2023, thị phần của châu Á trong cơ cấu bán hàng của RUSAL-nhà sản xuất nhôm lớn nhất ở Nga tăng lên 38,4% so với 27% vào năm 2022. Năm nay, chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục”. Công ty tài chính Trung Quốc Guotai Junan Securities đánh giá lệnh cấm của Mỹ và Anh sẽ giúp tăng cường xuất khẩu kim loại của Nga sang các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/con-dao-hai-luoi-5006241.html