'Cơn ác mộng' có thể khiến tân thủ tướng Anh tỉnh giấc trong đêm

Tân Thủ tướng Liz Truss phải đối mặt bài toán khó khi cố gắng đưa nước Anh ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế với chi phí năng lượng và lạm phát cao kỷ lục.

Tân thủ tướng Liz Truss sẽ có rất nhiều thứ phải làm trong nhiệm kỳ của mình, giữa lúc Anh tiến tới một cuộc suy thoái.

Tờ Guardian dùng tiêu đề "Đi vào cơn bão" trong bài viết trên trang nhất hôm 6/9 để lột tả tình cảnh lúc này của tân thủ tướng đất nước sương mù.

Công nhân đang đình công vì lạm phát ảnh hưởng đến cuộc sống. Trong khi đó, hàng triệu người và hàng nghìn doanh nghiệp cần được cứu trợ ngay lập tức để vượt qua mùa đông, sau những hóa đơn năng lượng tăng vọt.

"Đây là một thời điểm khó khăn cho nền kinh tế", cựu Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận hôm 6/9 trong bài phát biểu chia tay.

Mở lời khi tới Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing, bà Truss cho biết bà sẽ "vượt qua cơn bão", cam kết giải quyết các hóa đơn năng lượng cũng như cắt giảm thuế.

Dù vậy, CNN nhận định thủ tướng sắp tới sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn khi chèo lái nước Anh giữa khủng hoảng.

Nếu chính phủ của bà vay nhiều tiền để thiết lập các gói hỗ trợ, điều đó có nguy cơ làm gia tăng lạm phát và gây lo ngại cho các nhà đầu tư rằng nền tài chính đất nước đang trở nên không bền vững.

Nó có thể khiến đồng bảng Anh rơi vào vòng xoáy, làm giá tăng cao hơn nữa và khiến việc thanh toán các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu trở nên khó khăn hơn.

Nói cách khác, Anh có thể chịu đựng loại hình khủng hoảng mà nước này phải gánh chịu trong những năm 1970, khi sự kết hợp của cú sốc năng lượng, giá cả tăng cao và chi tiêu quá lớn của chính phủ buộc nước này phải kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế cứu trợ. Đây là điều đáng báo động đối với một nền kinh tế của G7.

 Người dân biểu tình phản chi phí sinh hoạt tăng cao bên ngoài phố Downing ở London, Anh. Ảnh: Reuters.

Người dân biểu tình phản chi phí sinh hoạt tăng cao bên ngoài phố Downing ở London, Anh. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng cán cân thanh toán

Cách đây không lâu, kịch bản này dường như vẫn còn là một viễn cảnh xa vời. Nhưng khi bà Truss nói về gói cứu trợ năng lượng khổng lồ và đàm phán về việc cắt giảm thuế, đồng bảng Anh vẫn sa lầy gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Một số nhà phân tích cảnh báo không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng "cán cân thanh toán".

“Rủi ro này có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào độ tin cậy của các chính sách từ chính phủ mới trong những tuần và tháng tới”, chiến lược gia Shreyas Gopal của Deutsche Bank nói.

Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney từng nhận xét rằng Anh phụ thuộc vào “lòng tốt của những người lạ”. Đó là vì tài khoản vãng lai của Anh bị thâm hụt lớn, có nghĩa là nước này cần các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế để có thể thanh toán cho hàng nhập khẩu và đáp ứng các nghĩa vụ quan trọng khác.

Nếu những nhà đầu tư mất niềm tin, sự xáo trộn trong hệ thống tài chính có thể nhanh chóng tích tụ lại.

Khi các nhà giao dịch bán phá giá đồng tiền Anh, giá trị của nó sẽ giảm xuống, khiến tình trạng lạm phát tồi tệ hơn nữa và buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất cao để cố gắng kiểm soát tình hình. Điều đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái, và do đó, vòng xoáy khủng hoảng tiếp diễn.

 Đồng bảng Anh đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Ảnh: Reuters.

Đồng bảng Anh đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Ảnh: Reuters.

Tương lai của đồng bảng Anh không mấy tươi sáng. Phiên giao dịch ngày 5/9 chứng kiến nó rơi xuống mức thấp khi 1 bảng Anh đổi được 1,14 USD, chỉ cao hơn một chút so với mức thấp nhất vào năm 2020, thời điểm xảy ra khủng hoảng do đại dịch Covid-19.

Nó đã mất gần 15% giá trị so với USD Mỹ trong năm nay. Con số này thậm chí còn tệ hơn so với đồng euro. Đồng tiền này đã giảm 13% so với USD. Chi phí vay mượn của chính phủ Anh cũng đang tăng với tốc độ chóng mặt khi các nhà đầu tư bán phá giá trái phiếu của nước này.

Các nhà đầu tư đang bán tháo tài sản của Anh vì lo ngại về nền kinh tế. Lạm phát của Anh cao nhất trong khối G7 và có thể tăng cao hơn nữa trong năm tới nếu giá khí đốt tự nhiên vẫn tăng. Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất kể từ tháng 12/2021 và có thể buộc phải hành động mạnh mẽ hơn nữa.

"Tài sản của Anh hiện tại không được yêu thích", Paul O'Connor, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản tập đoàn Janus Henderson có trụ sở tại Anh, cho biết. "Tất nhiên, lý do cốt lõi là Anh đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng cùng sự bất ổn chính trị xung quanh điều này".

Theo Gopal, đó là một vấn đề lớn đối với Anh vì nước này có thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục. Điều này có nghĩa là Anh chi tiêu cho đầu tư, hàng hóa hay dịch vụ nhập khẩu nhiều hơn so với trong nước, vượt quá giá trị xuất khẩu.

Nhiều năm tăng trưởng không hiệu quả và ảnh hưởng thương mại sau Brexit càng không giúp ích gì cho London.

“Hệ thống tiền tệ của Anh yêu cầu dòng vốn lớn, được hỗ trợ bằng cách cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư với kỳ vọng giảm lạm phát”, Gopal viết. "Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra".

Thách thức chờ đợi tân thủ tướng

Đồng bảng Anh đã tăng nhẹ vào hôm 6/9 khi bà Truss chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng của mình.

 Bà Liz Truss đã trở thành tân thủ tướng Anh vào ngày 5/9. Ảnh: Reuters.

Bà Liz Truss đã trở thành tân thủ tướng Anh vào ngày 5/9. Ảnh: Reuters.

Các nhà đầu tư đã bày tỏ vui mừng trước những báo cáo ban đầu về kế hoạch của bà nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, dự kiến được công bố trong tuần này.

Theo đó, bà sẽ tuyên bố giới hạn giá đối với hóa đơn năng lượng bằng cách vay 115 tỷ USD. Con số đó thậm chí sẽ vượt quá 94 tỷ USD mà chính phủ Đức đã cam kết để giải quyết các vấn đề tương tự.

"Các nhà đầu tư coi đây là một cách khá quyết đoán để giảm bớt rủi ro suy thoái ở Anh", O'Connor nói.

Nhưng các câu hỏi có thể xuất hiện trở lại về cách bà dự định chi trả như thế nào cho gói cứu trợ đó và các cam kết chiến dịch khác - chẳng hạn tăng cường chi tiêu quốc phòng và đảo ngược việc tăng thuế kinh doanh và thuế thu nhập cá nhân được đề xuất. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư có thể sẽ lo ngại các khoản vay của Anh mất kiểm soát.

Tờ Times từng nhận định các doanh nghiệp bên bờ vực phá sản có thể được hưởng lợi nhờ hàng tỷ bảng Anh cắt giảm thuế nếu bà Truss thắng, nhưng bản thân bà cũng không biết kế hoạch đó sẽ được thực thi thế nào.

"Có một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự", cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Ken Clarke nói với BBC hôm 6/9. Ông chỉ trích kế hoạch cắt giảm thuế của bà Truss, điều mà bà tuyên bố sẽ giúp tăng chi tiêu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dù vậy, Viraj Patel, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại Vanda Research, cho rằng nỗi sợ hãi đã bị thổi phồng quá mức. Ông đặt xác suất xảy ra khủng hoảng cán cân thanh toán ở Anh là dưới 5%.

Minh An

Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-ac-mong-co-the-khien-tan-thu-tuong-anh-tinh-giac-trong-dem-post1353186.html