Coi chừng, 'doping' đội nhà là 'thuốc tê' của đội bạn (!)

Trong quá khứ, một đội bóng đối mặt với nguy cơ đua trụ hạng thì ngoài bơm doping tiền thưởng cho cầu thủ nhà còn chuẩn bị một khoản 'tiền tươi thóc thật' để làm công tác… 'quan hệ đối ngoại'.

Trong cơn cùng quẫn, người ta sẵn sàng bung tiền để mua điểm, bởi một khi đã rớt hạng thì có mất cả trăm tỷ đồng cũng chưa chắc trở lại V.League được; đó là chưa kể hệ quả đội bóng có thể bị giải thể, lãnh đạo ngành mất chức.

Thế nên, ngày ấy mới xuất hiện những từ quen thuộc nhưng chỉ bóng đá Việt Nam mới có: combin, móc ngoặt, bóng đá trên bàn với những “liên minh ma quỷ” tay đôi, tay 3 bằng thỏa thuận ngầm “3 đi, 3 về” để các “đôi bạn cùng tiến”. Đã từng xảy ra chuyện bi hài, một đội bóng đã “ứng” 3 điểm ở lượt đi nên trận lượt về chơi đủng đỉnh vì yên tâm theo kịch bản thế nào đội bạn cũng trả lại. Tuy nhiên, vì bất ngờ rơi vào nguy khốn nên đối tác “lật kèo” thắng luôn. Cay kẻ “lừa đảo” lắm nhưng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay sau sân khấu.

Phức tạp nhất là thứ bóng đá quan hệ xuất phát từ mối hữu hảo, ân tình giữa các địa phương hay lãnh đạo ngành TDTT 2 tỉnh, thấy “bạn” chết không thể không cứu. Một điểm chung ở 2 loại góc khuất, bóng đá đàng sau hậu trường này là có chủ trương, chỉ đạo từ lãnh đạo đội bóng, một số cầu thủ được truyền đạt chỉ để thừa hành mà “buông”.

Kể từ khi VPF ra đời ở mùa giải 2012 bởi các “ông bầu” tiên phong, các CLB chuyển sang mô hình chuyên nghiệp công ty cổ phần, dù còn rất nhiều bất cập, mang tính hình thức, nhưng việc hoạt động như một doanh nghiệp, tách biệt vai trò quản lý nhà nước, ngành TDTT địa phương không thể can thiệp; 2 “căn bệnh” tiêu cực trầm kha nói trên ít nhất đã không còn biểu lộ. Đơn giản bởi ai bỏ tiền người đó có tiếng nói quyết định, mà với các nhà tài trợ, “ông chủ” tư nhân danh hiệu, thành tích là thương hiệu hoặc tấm vé thông hành cho những mục tiêu, chiến lược kinh doanh khác.

Tuy nhiên, dạng tiêu cực thứ 3, trần trụi hơn, vẫn là nguy cơ lơ lửng: nạn mua điểm, bán điểm. Nhiều người cho rằng, cầu thủ Việt Nam hiện đã sống được, thậm chí làm giàu bằng nghề thì không dại gì vì một món lợi trước mắt mà đạp đổ “nồi cơm” của mình. Nhưng lòng tham con người là vô đáy, ai nói 6 cầu thủ Đồng Nai “nhúng chàm” ở V.League 2014 là do khó khăn, thậm chí L.G. còn là “cậu ấm” của một gia đình có cỡ ở miền Tây. Hơn nữa, không phải cầu thủ nào cũng là tuyển thủ quốc gia, ngôi sao có mức thu nhập vài chục, cả trăm triệu đồng/tháng; đa phần còn lại của V.League chỉ hơn chục triệu đồng/tháng. Đây là đích nhắm để các đội cần điểm “chích” vào, chỉ cần sai lầm có chủ đích của một cá nhân (có vô số cách: phản lưới nhà, mất bóng, đưa bóng vào chân đối phương hay cố tình phạm lỗi, để bóng chạm tay tặng đối phương quả penalty…) cũng có thể định đoạt kết quả trận đấu.

Nguy hiểm và khó lường hơn khi nạn “bán độ” nay không còn cần trực tiếp giữa người cần mua và kẻ bán mà có thể dễ dàng thông qua hình thức trung gian cá độ, đánh bạc trên mạng mà ngay bóng đá quốc tế cũng… bó tay.

Cuộc đua trụ hạng V.League 2022 đang cực kỳ khó lường khi có đến 8 ứng viên và đội nào cũng có thể lọt bảng phong thần. Do đó, 9 vòng đấu còn lại, VFF và VPF phải cực kỳ cảnh giác, thăm nom “củi lửa”. Đặc biệt, không chỉ cầu thủ mà lực lượng trọng tài mới là đối tượng được nhắm đến “chích thuốc tê” hàng đầu.

Gia nhập nhóm đua trụ hạng từ vòng 17, ở trận đấu sớm nhất của vòng 18 vào 17 giờ hôm nay 17-10, 2 cựu vương SHB.Đà Nẵng (3 lần vô địch) và B.Bình Dương (4 lần) sẽ có trận cầu 6 điểm. Đội khách vừa thua thảm CLB Hà Nội 1-5, còn chủ nhà sông Hàn đã trải qua 5 trận không thắng, trong đó có 4 thất bại liên tiếp, nhưng có thể có sự trở lại của các tiền vệ Anh Tuấn, Nguyên Sa, Junior.

Minh Chung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202210/coi-chung-doping-doi-nha-la-thuoc-te-cua-doi-ban--3138517/