Cocain trôi trên biển gắn định vị, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy

Cải trang thành tàu hàng, tàu đánh cá, gắn định vị vào ma túy thả trôi trên biển, là thủ đoạn mới của tội phạm ma túy trong thời gian gần đây.

Ma túy được gắn định vị
Theo Tiền phong, liên quan đến việc thời gian vừa qua người dân và lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện lượng lớn ma túy trôi dạt trên bờ biển, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an cho biết: Việt Nam có bờ biển trải dài trên 3.260km, có 44 cảng nước sâu, thuận tiện cho xuất, nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam, thuận tiện cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, tội phạm lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển trái phép chất ma túy.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

Thực tế những năm qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quan, cảnh sát biển đã điều tra, khám phá, bắt giữ nhiều vụ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường biển. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do áp lực từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển của Việt Nam để vận chuyển trái phép chất ma túy qua nước thứ ba tiêu thụ.

Ma túy trôi dạt bờ biển Quảng Bình.

Có thể khi phát hiện tàu của lực lượng chức năng, các đối tượng vận chuyển đã ném ma túy xuống biển để phi tang, tuy nhiên các gói ma túy có gắn thiết bị định vị, nên các đối tượng sẽ dễ dàng tìm lại khi lực lượng chức năng rời đi... Đây là phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm.

"Chính vì vậy, những tháng đầu năm 2024, liên tiếp trên bãi biển của các tỉnh miền Trung và miền Nam người dân và các lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn chất ma túy trôi dạt trên bờ biển, chủ yếu là cocain. Thực tế quá trình đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy cocain ở thị trường Đông Nam Á không tiêu thụ. Các đối tượng đã lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma túy qua Việt Nam để mang sang các nước khác tiêu thụ" - Thiếu tướng Quang phân tích.

Lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện, thu gom 32 bánh hình khối chữ nhật nghi ma túy trôi dạt bờ biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang hôm 1-4 Ảnh: ĐOÀN PHÁT

Theo VOV, thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp nhận được tin trình báo của người dân về việc phát hiện các gói nghi là ma túy trôi dạt vào bờ biển. Đặc biệt, đầu năm 2024, số vụ và số lượng ma túy thu giữ được ngày càng lớn. Cụ thể, ngày 1/4/2024, tại bãi tắm Đồi Dương, La Gi, Bình Thuận, người dân phát hiện một túi xách có 25 gói nhỏ, tổng cộng có khoảng 25 kg ma túy trôi dạt vào bờ. Trước đó, ở Vũng Tàu phát hiện và thu giữ 42 gói, tương ứng với 42kg ma túy.

Còn tại Tiền Giang, trong 3 ngày 29-31/3/2024, tại khu vực biển Gò Công, người dân đã phát hiện và nhặt tổng cộng 84 gói hình chữ nhật, mỗi gói có trọng lượng khoảng 1kg.

Đầu tháng 01/2024, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện gần 300kg ma túy cocain trôi dạt vào bờ biển. Trước đó, Đà Nẵng cũng thu giữ 20 gói nilong chứa ma túy…

"Những năm trước đã có hiện tượng ma túy trôi dạt trên biển và có nhiều người dân phát hiện và giao nộp cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, cũng có một số người dân vì thiếu hiểu biết, hám lợi khi phát hiện ma túy tự ý cất giấu. Đây là hành động vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Đề nghị người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật, khi phát hiện vật nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển nhanh chóng báo cho các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở ở nơi gần nhất, tuyệt đối không được cất giấu hoặc mua bán" - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.

Vẫn theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, hiện nay các đối tượng vận chuyển ma túy bằng đường bộ, tập kết ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ở nước ngoài liên quan đến người nước ngoài, tập kết ma túy vào nhà kho, sau đóng gói, cất giấu, trà trộn lẫn các hàng hóa xuất khẩu (hạt nhựa, thức ăn gia súc, phế liệu…) đưa xuống các cảng biển lớn để vận chuyển đi nước khác.

Cải trang tàu cá để thực hiện hoạt động tội phạm

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang cho hay, thủ đoạn của tội phạm mua bán, vận chuyển trên đường biển khác với các tuyến đường khác. Cụ thể, trên đường biển có rất nhiều tàu, thuyền của các nước qua lại, thêm vào đó là tàu thuyền đánh cá của người dân và các đối tượng lợi dụng để trà trộn ma túy lẫn các loại hàng hóa xuất nhập khẩu khác để vận chuyển. Đây là điều kiện khách quan, nhưng lại gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến đường biển.

"Đáng chú ý, các đối tượng còn cải trang tàu đánh cá để theo dõi, giám sát lực lượng chức năng để cảnh giới cho các đối tượng vận chuyển ma túy tránh điểm có lực lượng tuần tra"- Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang nói.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn khi các phương tiện phục vụ cho công tác đấu tranh tội phạm ma túy trên biển, thiết bị kỹ thuật còn hạn chế. Lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến đường biển còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm ma túy trên biển.

Theo Thiếu tướng Quang, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy từng bước phối hợp cùng lực lượng chức năng, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy lợi dụng tuyến đường biển để mua bán trái phép chất ma túy.

KHÁNH LINH (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cocain-troi-tren-bien-gan-dinh-vi-la-thu-doan-moi-cua-toi-pham-ma-t-a657308.html