Cổ vật vô giá triều Nguyễn: Bài 2 - Cửu vị thần công thời vua Gia Long

Cửu vị thần công là tên gọi của 9 khẩu đại pháo được đúc vào thời vua Gia Long tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của nhà Nguyễn, thể hiện sự khéo léo, kỳ công của các nghệ nhân từ hàng trăm năm trước.

Đặt trước cổng hoàng thành của Đại Nội Huế, Cửu vị thần công là tên gọi cho 9 khẩu đại pháo được đúc vào thời vua Gia Long từ năm 1803 đến năm 1804. Những khẩu đại pháo này được đúc từ các khí tự bằng đồng của triều Tây Sơn, triều đại được cho là kẻ thù của vua Gia Long và đây chính là trước nhà Tây Sơn.

Sau khi đã đánh đổ vuơng triều Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long hạ lệnh tập trung các mảnh khí bằng đồng tịch thu được của triều đại này đem nấu chảy và đúc thành 9 khẩu súng lớn để làm kỷ niệm muôn đời.

Súng có chiều dài 5,10m, đường kính nòng 0,23m, trọng lượng khẩu nặng nhất là 18.400 kg, khẩu nhẹ nhất la 17.000 kg. Mỗi khẩu súng đặt trên một cái giá bằng gỗ chạm trổ rất công phu. Hai bên giá có 4 bánh xe gỗ viền sắt để tiện cho việc di chuyển.

9 khẩu đại pháo này được đặt tên theo bốn mùa Xuân, hạ, thu, đông và ngũ hành tương sinh Kim, mộc, thủy hỏa, thổ.

Trên thân mỗi khẩu súng có khắc một bài minh bằng chữ Hán theo lối triện gồm 79 chữ. Trên thân súng có 6 gờ nổi, trong đó có hai gờ ở hai đầu quai được đúc rộng bản như hai vòng đai bao quanh thân súng. Hai bên mỗi đường gờ đều trang trí các dải hoa văn dây lá được chạm nổi với những đường nét mềm mại, sinh động và rất tinh xảo.

Về nhân lực, để đúc Cửu vị thần công, vua Gia Long đã đích thân tìm những người thợ ưu tú nhất, không chỉ giỏi tay nghề mà còn phải có đạo đức để đặt trọn niềm tin.

Việc đúc súng đặt dưới sự giám sát của Đô Thống chế Nguyễn Văn Khiêm, Chánh quản cơ Hoàng Văn Cẩn, Phó quản cơ Ích Văn Hiếu và Tham tri Bộ Công Phan Tấn Cẩn. Ông Phan Tấn Cẩn bấy giờ vừa được thăng làm Tham tri bộ Công đã cẩn thận với từng bản vẽ, áp dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không bỏ qua yếu tố truyền thống mang tính phong thủy, thuật số.

Trước kia, cửu vị thần công được đặt trước Ngọ Môn - cửa chính của Hoàng thành, trong hai dãy Pháo xưởng. Nay được đặt ở cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) và cửa Quảng Đức (cửa Sập) của Kinh thành Huế.

Đặc biệt, 9 khẩu súng này không được chính quyền nhà Nguyễn sử dụng trong chiến đấu mà được tôn sùng như những vị thần, tượng trưng cho uy quyền và sức mạnh của vương triều.

Hàng năm, triều đình thường tiến hành các cuộc lễ cúng cho “thần súng” và nghiêm cấm thường dân không được vào nơi đặt súng để tỏ sự tôn nghiêm. Việc cúng lễ được tiến hành với ngân sách của triều đình và sự sắp xếp tổ chức của viên suất đội trực tiếp trông coi việc bảo vệ súng.

Theo bà Huỳnh Thị Anh Vân - Giám đốc bảo tàng cổ vật cung đình Huế, vào năm Gia Long thứ 15- 1816, vua Gia Long đã sắc phong cho cả 9 khẩu đại bác này danh hiệu: “Thần Oai Vô địch Thượng tướng quân" lần lượt từ khẩu đệ nhất cho đến khẩu đệ cửu.

“Ngoài giá trị lịch sử, Cửu vị thần công còn mang giá trị nghệ thuật cao. Kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật trang trí và chạm khắc trên đồng cũng như trên giá súng đều rất điêu luyện, tinh xảo. Đây là những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam, một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng có giá trị nhất của dân tộc”. bà Huỳnh Thị Anh Vân cho biết.

“Cửu vị thần công” có giá trị linh thiêng bảo vệ Kinh thành Huế, được xem là tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Đến nay các khẩu thần công gần như còn nguyên vẹn, hiện diện như một phần quan trọng của di sản Kinh thành Huế, được công nhận là bảo vật quốc gia.

-> Mời quý độc giả đón đọc Bài 3: Cửu đỉnh, bảo vật đánh dấu chủ quyền đất nước

Nguyễn Hiền

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/co-vat-vo-gia-trieu-nguyen-bai-2-cuu-vi-than-cong-thoi-vua-gia-long-d187202.html