Cô Tô: Vững vàng nơi địa đầu Tổ quốc

Cũng như nhiều huyện đảo biên giới trên cả nước, đến với Cô Tô, tận mắt thấy cuộc sống của người dân nơi đây đã và đang đổi thay từng ngày. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Huyện đảo có được những thành quả này phải nhắc đến sự đóng góp không nhỏ của những người lính mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Cô Tô, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã bao năm “bám dân, bán địa bàn” cùng chính quyền và nhân dân địa phương quyết tâm đưa Cô Tô thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của tỉnh Quảng Ninh.

Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế

Theo chân các chiến sĩ Đồn biên phòng Cô Tô, BĐBP tỉnh Quảng Ninh đi tuần tra khu vực biên giới đơn vị quản lý, chúng tôi gặp anh Đặng Văn Lô, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô đang cặm cụi uốn nắn cây. Tò mò hỏi thì được biết anh đang chăm sóc cây tùng La Hán. Anh cho biết: Cây tùng này là một loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao được những người chơi cây ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam chọn là cây thuộc tốp đầu về giá trị. Cây thuộc dòng cây linh khí, có tác dụng trừ tà, cản gió độc, tạo vượng khí tốt cho người chơi cây, mang lại nhiều sức khỏe, may mắn và thành công. Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện người dân trên đảo đang trồng cây tùng Đen và tùng La Hán. Hai loại cây này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều gia đình trên đảo đang rất quan tâm và chuyển hướng đầu tư trồng cây này. Hiện trên địa bàn có khoảng 20 hộ gia đình trồng tùng và 5 hộ gia đình tạo dáng cho cây tùng.

Cán bộ Biên phòng Đồn Biên phòng Cô Tô và người dân trao đổi, chia sẻ về cách thức chăm sóc cho cây tùng đen. Ảnh: Duy Khiêm

Thiếu tá QNCN Nguyễn Duy Tuấn, Phó bí thư tăng cường xã Đồng Tiến dẫn chúng tôi đến thăm khu vườn của nhà anh Nguyễn Văn Vừa, thôn Hải Tiến. Gia đình anh Vừa có 1000m2 đất vườn trồng và ươm giống cây tùng Đen và tùng La Hán. Anh Vừa cho biết: “Năm vừa qua, Hội Nông dân huyện đã mời các nghệ nhân cây cảnh ở Nam Định ra hướng dẫn người dân cách tạo dáng, uốn nắn cho cây tùng. Vì vậy, nhờ có kỹ thuật uốn, tạo dáng, tạo thế bonsai cho cây tùng nên thu nhập từ việc bán cây giống và cây cảnh đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình”. Chỉ trong năm qua gia đình anh Vừa đã thu về vài trăm triệu đồng từ việc bán hai loại cây này.

Theo Thiếu tá QNCN Nguyễn Duy Tuấn, hiện mức thu nhập bình quân của các hộ dân trên đảo là 80 triệu đồng/năm, chính quyền và nhân dân đang phấn đấu hết năm 2025 bình quân thu nhập sẽ tăng lên là 5.000 USD/người/năm. Huyện đảo hoàn toàn không có hộ nghèo.

Giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới biển

Đứng chân trên địa bàn thị trấn Cô Tô, huyện đảo Cô Tô, Đồn Biên phòng Cô Tô địa bàn đơn vị quản lý có hơn 5.000 hộ/6.912 khẩu, trong đó hơn 60% dân số sinh sống bằng nghề du lịch và dịch vụ hậu cần nghề cá. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Cô Tô đã đón hơn 2.000 lượt tàu khách với gần 200.000 lượt khách tham quan du lịch ra vào khu vực đảo, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài.

Trung tá Loan Thanh Huỳnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cô Tô chia sẻ: “Đơn vị luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp. Đặc biệt, trên địa bàn đã từ rất lâu rồi không xảy ra vụ việc trộm cắp và tệ nạn xã hội; ngư trường không có tranh chấp, ngư dân không vi phạm xâm phạm lãnh thổ...”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cô Tô phát tờ rơi tuyên truyền và tặng phao cứu sinh cho ngư dân trước khi hành nghề ra biển. Ảnh: Duy Khiêm

Để có được kết quả này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Tô thường xuyên đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển đảo, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép của các tàu cá nước ngoài. Đồng thời tích cực chủ động vận động ngư dân thực hiện tốt phong trào quần chúng tự quản ngư trường, bến bãi, an ninh trật tự khu vực biển đảo. Thường xuyên bám nắm địa bàn, tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn và bảo đảm an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nắm chắc nguyện vọng của ngư dân, vận động ngư dân khắc phục khó khăn, bám biển để sản xuất cùng với đơn vị bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh khu vực biển, đảo Tổ quốc.

Hiện, đơn vị đã triển khai bám, nắm địa bàn được 58 lượt tổ/120 cán bộ, chiến sĩ chủ yếu để nắm tình hình quản lý địa bàn; tuyên truyền vận động quần chúng nhân nêu cao tinh thần cảnh giác với những phần tử xấu lợi dụng kích động gây rối, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Tham mưu cho địa phương động viên, duy trì hoạt động 13 tổ và 635 thành viên tích cực tham gia tự quản ngư trường, bến bãi, tổ tàu thuyền an toàn, tổ tự quản an ninh trật tự thôn, khu theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về "Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới".

Ông Võ Văn Hùng, ngư dân trên đảo chia sẻ: “Nhờ có các đồng chí Biên phòng mỗi lần ngư dân chúng tôi ra biển hành nghề luôn vững tin đằng sau luôn có sự đồng hành của các anh. Chúng tôi đã, đang và duy trì các tổ tàu thuyền an toàn trên biển, cam kết không xâm phạm vùng biển nước khác để khai thác hải sản, chấp hành nghiêm các quy định khi xuất bến và chấp hành tốt luật pháp Việt Nam và các nước. Đồng thời, tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam, tuyên truyền và bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi cùng các ngư dân hành nghề trên biển”.

HOÀNG VÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/co-to-vung-vang-noi-dia-dau-to-quoc-751945