Có thể yên tâm với tỷ giá trong những tháng cuối năm?

Tỷ giá USD thời gian gần đây biến động khá mạnh theo chiều tăng, đồng thời yếu tố vụ mùa khiến cho xu hướng găm giữ ngoại tệ xuất hiện trong giới kinh doanh. Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý vẫn trấn an doanh nghiệp hãy yên tâm với tỷ giá, tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép.

Tỷ giá VND/USD tăng nhanh trong quý III do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ cao. Tỷ giá có thể tiếp tục tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo tăng lãi suất vào tháng 11 trong khi Việt Nam duy trì lãi suất thấp.

Trao đổi với VnBsuiness, giám đốc một ngân hàng TMCP đánh giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động nhằm thích ứng trước diễn biến khó lường của quốc tế, qua đó giải tỏa áp lực của thị trường. Năm nay, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt cả mục tiêu giữ tỷ giá ổn định và duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ phát triển kinh tế.

Vẫn tiềm ẩn những biến động bất ngờ

Trong khi đó, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam cho rằng, tỷ giá đã có những bước tăng mạnh trong trung tuần tháng 9/2023 lên mức đỉnh lịch sử.

Riêng tháng 9, khi đồng USD ghi nhận tăng 3,2%, tỷ giá VND/USD cũng tăng tới 3,1%.

Riêng tháng 9, khi đồng USD ghi nhận tăng 3,2%, tỷ giá VND/USD cũng tăng tới 3,1%.

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Agriseco, riêng tháng 9, khi đồng USD ghi nhận tăng 3,2%, tỷ giá VND/USD cũng tăng tới 3,1%.

Ghi nhận tuần qua, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được NHNN công bố tăng 21 đồng. Hiện, tỷ giá trung tâm đang trên mức 24.000 VND/USD, trong khi các ngân hàng thương mại niêm yết ở mức 24.330 - 24.350 VND/USD (mua vào) và 24.700 – 24.760 VND/USD (bán ra).

Các chuyên gia dự báo cặp tỷ giá USD/VND sẽ tiếp nối đà tăng trong những tháng sắp tới, mặc dù mức độ biến động có thể không nhiều như giai đoạn cùng kỳ năm trước. Tỷ giá trung tâm có thể duy trì ở mức trên 24.000 VND/USD, tương đương mức tăng khoảng 3,5% cho cả năm nay.

Fed có thể tăng lãi suất trong tháng 11 tới trước khi tính đến việc dừng tăng lãi suất. Đồng thời, nhu cầu ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu tăng cao của khách hàng và sắp tới là cao điểm cuối năm cũng là một trong những nguyên nhân.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mức tăng của tỷ giá trong năm nay về cơ bản sẽ khác so với cùng kỳ năm trước, và sẽ ít biến động hơn nhờ 3 yếu tố: cán cân hàng hóa và dịch vụ duy trì trạng thái thặng dư, cầu ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu không tăng do nhu cầu yếu; kiều hối ước tăng trưởng so với năm ngoái; dòng tiền từ các hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI và mua bán vốn cổ phần duy trì.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, lạc quan khẳng định, Việt Nam và Mỹ mới nâng cấp quan hệ đối tác nên Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến thu hút của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ, do đó cán cân tài khoản vốn sẽ không quá nghiêm trọng, vì vậy tỷ giá cũng chỉ biến động nhẹ.

Kể cả trong trường hợp tỷ giá trong năm nay lên 25.000 đồng/USD, theo ông Huân, cũng không vấn đề gì, do USD mạnh lên so với các đồng tiền khác, trong khi chúng ta cứ neo VND thì sẽ không hỗ trợ được cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá lên

Trong các hội nghị đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp, một trong những vấn đề các doanh nghiệp lo lắng là biến động tỷ giá trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Trọng Hoa, giám đốc Công ty TNHH Vật tư và Cơ cấu thép, cho biết hiện nay tình trạng thiếu đơn hàng vẫn còn diễn ra tại một số lĩnh vực và doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu chưa hồi phục, các doanh nghiệp càng thêm lo lắng khi tỷ giá đồng USD tăng cao. Tỷ giá tăng kéo theo hàng loạt hệ lụy như chi phí vận chuyển, container hàng nhập khẩu bị đội thêm chi phí; giá nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng…

Trước những lo lắng của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định tỷ giá USD đang tăng theo giá thế giới, cung cầu thị trường tại thời điểm nhất định có lúc cao, lúc thấp. Tuy vậy, Phó Thống đốc trấn an doanh nghiệp yên tâm với tỷ giá.

"Tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng. Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Mặc dù có một số ý kiến lo ngại về tỷ giá "nhảy múa", song theo lãnh đạo NHNN, thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường.

Vừa qua, NHNN cũng đã có những động thái thông qua kênh phát hành tín phiếu nhằm tìm điểm cân bằng tối ưu giữa tỷ giá và lãi suất thị trường 2 (thị trường tiền tệ liên ngân hàng) và hạn chế tác động lên lãi suất trên thị trường 1 (huy động vốn từ người dân và tổ chức).

Giám đốc một ngân hàng TMCP cho rằng NHNN đang tính toán hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng thông qua trạng thái thanh khoản, lãi suất... đảm bảo liều lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu: tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên, từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá; không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế; đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế (lãi suất cho vay) sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Cách thức điều hành tỷ giá này không những làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua, mà còn giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài, hỗ trợ tốt hơn khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/co-the-yen-tam-voi-ty-gia-trong-nhung-thang-cuoi-nam-1096110.html