Có thể ứng dụng robot trong công tác trị an

Trong một bài viết trên Guardian, Jo Callaghan, tác giả sách 'In the Blink of an Eye' đặt vấn đề: Trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp một giải pháp trị an hiệu quả hơn không?

AI có thể hỗ trợ cảnh sát thực hiện những công việc đơn giản. Ảnh: midokura.

Hội đồng giám sát Thành phố San Francisco mới đây đã bỏ phiếu cho phép cảnh sát sử dụng robot được trang bị chất nổ. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau họ đã quyết định tạm dừng kế hoạch này.

Những mối lo về tính công bằng

Ở Mỹ, cuộc bỏ phiếu gây ra nhiều tranh luận gay gắt về việc quân sự hóa cảnh sát, đồng thời đặt ra những câu hỏi về vai trò của robot và trí tuệ nhân tạo trong cuộc chiến phòng chống tội phạm.

Tại Vương quốc Anh, các sĩ quan hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận thay vì ép buộc. Nhưng theo Khảo sát tội phạm năm 2020 ở Anh và xứ Wales, niềm tin của dân chúng vào cảnh sát đã giảm từ 62% vào năm 2017 xuống còn 55%.

Một cuộc thăm dò gần đây đã hỏi người dân London liệu lực lượng cảnh sát có phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc không. Gần 2/3 số người được hỏi trả lời “có lẽ” hoặc “chắc chắn”.

Tâm lý này không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến các trường hợp bản thân sĩ quan cảnh sát cũng phạm tội. Đơn cử, sĩ quan Wayne Couzens đã sát hại hai người là Sarah Everard và David Carrick, và gần đây ông đã thú nhận 49 tội danh bao gồm cưỡng hiếp và tấn công tình dục.

Điều gì sẽ xảy ra nếu vấn đề với việc trị an vượt ra ngoài cái gọi là “con sâu làm rầu nồi canh”, thậm chí vượt ra ngoài văn hóa và các chính sách cho phép sự phân biệt đối xử phát triển mà không được kiểm soát? Điều gì sẽ xảy ra nếu nó cũng gắn liền với cách con người thực sự đưa ra quyết định?

Mỗi ngày, người cảnh sát phải đưa ra hàng trăm quyết định, thường trong điều kiện cực kỳ áp lực. Những quyết định nhanh chóng này không chỉ dựa trên kinh nghiệm sống, mà cả định kiến về chủng tộc, giới tính và tính dục.

Liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm công việc của cảnh sát một cách công bằng và hiệu quả hơn không? Hiện nay, AI chia làm hai loại chính: “AI cho mục đích hẹp”, có thể thực hiện các tác vụ cụ thể như nhận dạng hình ảnh, và “AI cho mục đích chung”, có khả năng đưa ra các phán đoán và quyết định phức tạp ở nhiều lĩnh vực.

AI cho mục đích chung hoạt động dựa trên Deep learning (học sâu) - nạp vào lượng dữ liệu khổng lồ và sử dụng dữ liệu đó để liên tục điều chỉnh và cải thiện hiệu suất. Điều này khiến loại AI này có khả năng đảm nhận ngày càng nhiều công việc của con người.

Đơn cử, ChatGPT là một mô hình xử lý ngôn ngữ tiên tiến, có khả năng sản xuất bài viết, bài báo và thậm chí văn, thơ chỉ trong vài giây, là ví dụ mới nhất đang thu hút sự chú ý của công chúng.

Tranh minh họa: Elia Barbieri/The Guardian.

Những bước tiến và bước lùi

Khi áp dụng trong trị an, AI hiện đã có thể thực hiện tìm kiếm hàng triệu bức ảnh và phân tích số lượng lớn các bài đăng trên mạng xã hội để xác định và định vị các nghi phạm tiềm năng. Dựa trên các loại dữ liệu khác, nó cũng có thể giúp dự đoán thời gian và địa điểm phạm tội. Trong một số trường hợp cụ thể, nó có thể phân tích bằng chứng và gợi ý hướng điều tra hợp lý nhất.

Nhanh hơn, công bằng hơn và rẻ hơn là ba lợi ích hấp dẫn của AI. Nhưng các nghiên cứu mới nhất cũng chỉ ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm. AI sử dụng thông tin trong quá khứ để xác định thủ phạm và người có khả năng phạm tội trong tương lai, các nghiên cứu chỉ ra rằng dữ liệu nguồn cho loại mô hình này mang nhiều định kiến, từ đó cho ra kết quả không chính xác về nhóm người da màu.

Hơn thế, AI được thiết kế để đạt các mục tiêu do con người đặt ra. Vì vậy, năm 2021, GS Stuart Russell đã cảnh báo rằng bất kỳ nhiệm vụ nào giao cho AI cũng phải được xác định cẩn thận trong khuôn khổ có lợi cho nhân loại để tránh hậu quả không mong muốn.

Có thể trong tương lai, con người sẽ thiết kế ra trí thông minh nhân tạo mà tránh được những định kiến và hậu quả nghiêm trọng, nhưng như thế liệu có đủ không?

Như GS Batya Friedman từ Đại học Washington đã nhận xét: “Công lý không đơn thuần là một quyết định đúng đắn. Đó là một quá trình con người làm chứng cho nhau, công nhận nhau và tìm cách cải thiện nhau”.

Thay vì tranh luận về những gì AI có thể hoặc không thể làm trong tương lai, chúng ta nên tự hỏi mình muốn gì từ hệ thống tư pháp và AI có thể giúp chúng ta đạt được mong muốn đó ra sao.

Chẳng hạn, AI có thể hỗ trợ cảnh sát thực hiện những công việc đơn giản, cho họ nhiều thời gian hơn để tập trung vào những nhiệm vụ khác. Nhờ đó, họ có thời gian và tâm trí để làm việc với cả bên nguyên và bên bị một cách công tâm hơn.

Có lẽ bằng cách này, lực lượng cảnh sát sẽ giành được sự tin tưởng và ủng hộ từ người dân để tiếp tục làm nhiệm vụ.

Vũ Bân

theo Jo Callaghan/The Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-the-ung-dung-robot-trong-cong-tac-tri-an-post1441150.html